SỐNG THỜI GIAN TRONG ĐỜI ĐAN TU

 SỐNG THỜI GIAN TRONG ĐỜI ĐAN TU

Enzo Bianchi

Để chuẩn bị bài suy niệm về đề tài “Sống thời gian trong đời đan tu”, tôi đã suy nghĩ nhiều, nhưng có lẽ tôi còn quá trẻ để có thể cống hiến một kết quả chín mùi và hoàn chỉnh. Tuy nhiên tôi cũng xin trình bày nơi đây điều tôi đã làm được: đó là một phác thảo, bởi lẽ về vấn đề này vẫn còn thiếu những nghiên cứu chuyên biệt.

I. Thời gian theo Kinh Thánh

Dù khởi đi từ Kinh Thánh, tôi không có ý đề nghị một suy niệm về “thời gian trong Kinh Thánh”, cũng không muốn tham gia cuộc tranh luận – vẫn còn bỏ ngỏ – giữa những người, như Oscar Cullmann, nghĩ rằng thời gian theo quan niệm Kinh Thánh là thời gian theo đường thẳng, trái ngược với thời gian theo vòng tròn, và những người quả quyết tiếp theo Mircéa Eliade rằng có thời gian phàm tục – thời gian bếp bênh của đời người – và thời gian thánh, trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra qua lịch sử và ban cho thời gian một ý nghĩa.

Ngược lại, tôi thiết tưởng điều quan trọng là nêu rõ rằng Kinh Thánh chính là giao ước định nghĩa thời gian của Israel: một thời gian hiện sinh được đo lường dựa trên lời-biến cố của Chúa, và trên sự vâng phục của dân Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, thời gian luôn luôn có tính lịch sử, được nối liền với lịch sử tính căn bản của con người, với cơ cấu hữu thể ấn định số phận con người giữa sống và chết, giữa chúc lành và chúc dữ. Chính trong thời gian mà con người vâng phục hay bất phục Thiên Chúa, khi quyết định về cuộc sống riêng tư của họ trên đời, về tương quan của họ với những người khác và với sự vật, khi chọn hòa bình hay bạo lực gây chết chóc. Quả thật, chính trong thời gian mà, như Kinh Thánh liên tục nhắc tới, con người giáp mặt với hai nẻo đường (x. Đnl 11, 26-28; 30, 15-20, ở đây phải nêu lên sự nhấn mạnh về ngày hôm nay của việc lựa chọn; Tv 1; Gr 21, 8; Gv 15, 16-17). Vì lẽ đó, lịch sử vốn hướng tới một tận cùng – vừa là tận cùng vừa là mục đích – được bày tỏ qua những can thiệp và những hành động của Thiên Chúa, và nhờ thế mà trở nên lịch sử cứu độ. Thiên Chúa tỏ mình ra và gặp gỡ con người trong lịch sử, tới độ mà, trong những tranh chấp, những tiến bộ, những suy thoái của con người, lịch sử là sự hiển linh của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ vừa nói không được hiểu là một chuỗi những can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử con người tự nó chẳng có nghĩa gì, nhưng là Thiên Chúa không ngừng kêu gọi con người tiến về ánh sáng, về mục đích là Vương Quốc, và ban cho con người phương tiện để thực hiện điều đó trong khi đợi chờ bình an, là hồng ân của Thiên Chúa và phần thưởng cho lòng trung tín của con người. Chính vì thế, những tiên tri có sứ mệnh kêu gọi dân hoán cải cũng như các nhà soạn thảo Đệ Nhị Luật đọc lịch sử như một chuỗi biến cố thuộc quá khứ phải được nhắc lại. Đó là những biến cố giúp giải thích hiện tại, giúp hiểu được trong cái hôm nay (hayyom-hayyom hazzeh, những thành ngữ được dùng tới hơn bảy mươi lần trong Đệ Nhị Luật) hoạt động không ngừng của Thiên Chúa, đấng đã ký kết giao ước (x. Đnl 8, 18-19; 10,15; 26, 16-18; 29, 9 tt.), giúp vâng theo Lời – rất gần con người (x. Đnl 30, 8.11-14) – và giúp nhìn ra tương lai rộng mở hay bế tắc, tương lai mang lại sự sống hay dẫn đến cái chết, tùy theo người tín hữu có vâng phục hay không (Đnl 30, 15 tt).

Tân Ước tiếp tục ý niệm đó về thời gian: Khi “thời gian viên mãn” (Gl 4, 4), Thiên Chúa sai Con của ngài đến, sinh bởi một người nữ. Cuộc đời, cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của người Con ấy là những biến cố lịch sử có một không hai, diễn ra trong một thời gian chính xác, đã khai mạc thời cuối cùng, thời chúng ta sống để chờ đợi ngài đến trong vinh quang, chờ đợi Vương Quốc và việc canh tân toàn thể vũ trụ. Thời cuối cùng này, khi Phúc Âm được loan báo, là thời cứu độ, thời ta phải nhận biết ngày giờ Thiên Chúa viếng thăm (x. Lc 19, 44), ngày giờ hoán cải, ngày giờ trở lại với Thiên Chúa, trong sự gắn bó với Chúa Con, là Đức Giêsu Kitô.

Khi Chúa Giêsu đến, một kairos, một thời gian đặc biệt khởi đầu, đó là thời gian thông truyền phẩm chất của mình cho mọi thời gian khác. Khi khai mạc sứ vụ, Chúa Giêsu công bố rằng “thời gian đã viên mãn” (Mc 1, 15), giờ thực hiện đầy đủ đã bắt đầu, phải hoán cải và tin vào Phúc Âm (Mc 1,15; Mt 4, 17). Do đó, phải sử dụng thời gian: thời gian ân sủng đã trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu Kitô! Cuộc khổ nạn, cái chết và viêc phục sinh của Chúa Kitô không đơn thuần là biến cố quá khứ: đó là những thực tại hiện thời tới nỗi “ngày hôm nay” đang được tràn ngập ánh sáng cứu độ.

Chính lúc này là thời gian thuận tiện, là ngày cứu rỗi (x. 2 Cr 6, 2), thời gian đón nhận đức tin, thời gian sống theo đức tin. Như vậy, thái độ đầu tiên của kitô hữu là đón nhận ngày hôm nay của Thiên Chúa trong ngày hôm nay của riêng mình, khi vâng theo Lời thốt lên ngày hôm nay. “Ngày hôm nay, nếu anh em nghe tiếng Chúa, anh em đừng cứng lòng” (Tv 95, 7; Dt 3, 7). Ngày hôm nay ấy đang tiếp tục diễn ra (x. Dt 3, 13). Đó là ngày hôm nay của Thiên Chúa trong ngày hôm nay của cuộc đời ta đang sống, đó là ngày hôm nay mới mà Thiên Chúa ấn định cho mỗi người chúng ta (x. Dt 4, 7).

Đứng trước thời gian, thái độ kitô hữu chúng ta mang những nết đặc trưng rõ rệt: đó là phải biết nhận định thời gian trong khi vất bỏ cái mặt nạ giả hình của kẻ biết nhận định diện mạo trời đất, nhưng không biết nhận định về thời gian mình đang sống (x. Lc 12, 56); đó là phân định thời điểm (x Mt 16, 3) để biết được “thời giờ Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 44).

Thật là ý nghĩa khi thánh Luca thuật lại Chúa Giêsu nói ba lần ngày hôm nay, mà chúng ta vẫn còn nghe được: “Ngày hôm nay đã ứng nghiệm cho anh em những lời Kinh Thánh anh em vừa nghe” (Lc 4, 21), “Ngày hôm nay nhà này được cứu độ” (Lc 19, 9), “Ngày hôm nay anh sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23, 43). Đối với thánh Luca, có một ngày hôm nay để hoàn tất lời Kinh Thánh. Đối với mọi kitô hữu, có một ngày hôm nay để lắng nghe Phúc Âm và biến cố mà Lời làm cho ta được tham dự vào. Đó là một ngày hôm nay được lặp lại trong lịch sử mỗi khi một kitô hữu giáp mặt với Lời của Thiên Chúa: Lời Chúa được nói lên mỗi ngày, chúng ta có bổn phận lắng nghe và đón nhận. Chiều kích thứ hai của ngày hôm nay đó là ngày hôm nay của cuộc gặp gỡ giữa chúng ta, những kẻ tội lỗi, và Chúa Kitô. Thánh Luca biết rằng việc hoán cải không chỉ làm một lần là xong, nhưng luôn luôn có một ngày hôm nay, trong đó Chúa Kitô có thể nói với chúng ta: “Hôm nay nhà này lại được cứu độ” (x. Lc 19, 9). Sau cùng có ngày hôm nay của hiệp thông cho ai chết với Chúa Kitô: đó là ngày hôm nay của lời Chúa Kitô hứa, của sự hiệp thông với ngài trong Vương Quốc.

Như vậy, cuộc đời kitô hữu chỉ là như một ngày hôm nay trước mặt Thiên Chúa, ngày hôm nay để lắng nghe Lời và để đón nhận ơn cứu rỗi, ngày hôm nay để hoán cải không ngừng trong cuộc sống thường nhật, ngày hôm nay để nhận lãnh ơn sủng. Kitô hữu sống thời gian theo cách này: đó luôn luôn là lúc thuận tiện để thống hối và hoán cải (x. Pr 3, 9; Kh 2, 2). Do đó, với những ngày mình đang sống, kitô hữu luôn luôn có thái độ trái ngược với thái độ của những người “sống bất cần” – vì những người này không biết phân định thời gian và coi thời gian như đang mất đi và biến vào hư vô.

Người tín hữu biết rằng thời gian của họ nằm trong tay Thiên Chúa:

Con đã nói: “Ngài là Thiên Chúa của con, thời gian của con ở trong tay Ngài” (Tv 31, 15b-16a).

Đó là thái độ căn bản. Quả thực, những ngày ta sống không thuộc về ta, không là sở hữu của ta. Thời gian thuộc về Thiên Chúa, và chính vì thế tác giả thánh vịnh xin Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con biết số lượng những ngày đời con” (Tv 39, 5), và khẩn nài : “Xin dậy chúng con đếm ngày mình sống, để lòng trí biết được lẽ khôn ngoan” (Tv 90, 12). Tín hữu khôn ngoan vì biết tính ngày đời mình và luôn luôn sống ngày hôm nay của Thiên Chúa trong ngày hôm nay của mình.

Tín hữu muốn có tương quan với thời gian. Họ ước ao được Thiên Chúa dậy cho biết về những ngày ngài đã ban cho họ. Họ muốn rằng thời gian sống trước nhan Chúa trở nên nguồn mạch cho sự phân định và lẽ khôn ngoan của họ. Kitô hữu phải “tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng” (Lc 21, 36), vì họ đã dấn thân vào cuộc chiến chống tà thần, trong đó thời gian đang qua đi là lúc tà thần tìm cách thống trị con người và bắt con người làm nô lệ. Theo thánh Phaolô, kitô hữu phải tìm cách dùng thời gian hiện có để làm điều thiện (x. Gl 6, 10), họ phải làm cho thời gian sinh lợi, nghĩa là cứu vãn, giải thoát, chuộc lại thời gian, như chỉ có người khôn mới biết làm (x. Cl 4, 5; Ep 5, 16).

Bởi vì thời gian của kitô hữu là thời gian chiến đấu, thử thách và đau khổ. Ngay cả sau khi Chúa Kitô chiến thắng, sống lại và ban sức mạnh của Đấng Phục Sinh cho các kitô hữu, ta vẫn còn cảm thấy ảnh hưởng của “thủ lãnh thế gian” (2 Cr 4, 4). Vì vậy, thời gian của kitô hữu là thời gian lưu đày, thời gian lữ hành, trong khi đợi chờ thực tại cánh chung, ở đó Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người (x. 1 Cr 15, 28). Với kitô hữu, đôi khi có những ngày xấu (x. Ep 5, 16), có những thời gian khó khăn (x Tm 3, 2). Vì thế họ phải canh chừng, phải tỉnh thức trong cầu nguyện và biết rằng cuộc sống kitô là một cuộc chiến, không phải để chống lại con người, nhưng chống lại ách thống trị của thế gian này (x. Ep 6, 12).

Sau cùng, kitô hữu biết rằng thời gian mở vào vĩnh cửu, vào cuộc sống muôn đời, thời gian ngập tràn một mình Thiên Chúa: đấy là mục đích của mọi thời gian, trong đó “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (Dt 13, 8; Kh 1, 17).  Mục đích của đời chúng ta chính là cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế những ngày chúng ta sống là thời gian đợi chờ Đấng Thiên Chúa đang ngự đến.

Về đề tài này tôi không sợ phải nói cứng rắn và mạnh mẽ: quả thực, ngày nay người ta ít có can đảm nói tới cuộc sống vĩnh cửu và người ta muốn “thức thời” khi chỉ nói tới cái hiện đang xảy ra. Nhưng thời gian này, thời gian của chúng ta, chỉ là thời gian lưu đày và chiến đấu! Chỉ cuộc sống vĩnh cửu mới là hy vọng của chúng ta, dẫu rằng ý thức hệ đang giữ ưu thế chỉ giới hạn ở cái tức thời và ngăn cản chúng ta nhìn về những sự trên cao. Ngay cả khi muốn trao cho người nghèo một hy vọng, người ta lại khiến họ hy vọng vào cái tức thời. Nhưng thành thật mà nói, nếu không được giải thoát để sống cuộc đời vĩnh cửu, tất cả chúng ta đều là những kẻ khốn nạn, vì giải thoát đích thực chính là giải thoát khỏi sự chết (x. 1 Cr 15, 19)!

Những thứ giải thoát khác mới chỉ là những lời cam đoan, những dấu chỉ, những dự phần trước, những giải thoát hạn hẹp của con người. Ách nô lệ sau cùng vẫn còn đó và chúng ta cần phải thoát ra khỏi, chính là nô lệ sự chết (x. 1 Cr 15, 26).

Thời gian trong đời sống đan tu

Quan niệm về thời gian không đồng nhất trong những hoàn cảnh khác nhau của con người, vì đó là một dữ kiện văn hóa có thể bao hàm những kiểu nhận thức và sử dụng thời gian không cố định.

Trong đời sống đan tu, tương quan với thời gian hẳn là đồng nhất với tương quan mà mỗi kitô hữu đều có, vì đan sĩ là một kitô hữu, một kitô hữu bình thường biết nhận ra rằng mình đã chết với Chúa Kitô khi chịu phép rửa tội và đang sống một đời sống mới. Thánh Tông đồ bảo “Ai ở trong Chúa Kitô, người ấy là một tạo vật mới” (2 Cr 5, 17). Như vậy họ là con người đang đi tới cái chết thể lý, trong khi chờ đợi thoát cảnh lưu đày và được gặp đấng họ thiết tha yêu mến là Chúa vinh quang. Đó là ước muốn thánh Phaolô giãi bày với các tín hữu Philiphê: “Được giải thoát khỏi thân xác để ở với Chúa Kitô” (Pl 1, 23). Những ngày chúng ta sống vẫn là những ngày lưu đày vì là những ngày xa cách Chúa Kitô, xa cách đấng chúng ta yêu mến.

Tuy nhiên, tôi thiết tưởng có thể nêu lên vài ba tính đặc thù nơi quan niệm về thời gian như thấy có trong đời sống đan tu. Khi khấn hứa, đan sĩ dứt khoát nói amen để xác định ơn gọi của mình; họ có một quyết định triệt để cho đời mình; nói đúng hơn: họ dứt khoát thuận theo tiếng Chúa gọi. Thế là họ sống đời mình từ khi tuyên khấn, việc khấn hứa làm chủ và điều khiển tất cả cuộc đời họ mãi cho tới chết.

Họ không còn sống ngày nào biết ngày ấy nữa, nhưng sống trong một thời gian đã xác định và không thể thay đổi được. Đan sĩ hứa dành trọn tương lai, trọn cả mọi ngày đời mình để thực hiện và trở nên điều mình đã khấn một lần dứt khoát. Đây là một sự thật mà ngày nay có thể gây khó khăn trong nội bộ đời sống đan tu. Sự thật ấy phải được hoàn toàn chấp nhận, nếu không muốn làm cho mọi hành vi chúng ta thực hiện chẳng còn ý nghĩa gì.

Đan sĩ không muốn là “con người nhất thời” (x. Mt 13, 21; Mc 4, 17), vì họ đã bén rễ sâu, tới độ trước thử thách hay chống đối họ không bị rối loạn hay bất an. Những ngày sống của họ là những ngày đã được ấn định. Họ không còn dự kiến những cái khởi đầu bắt tận nữa, cũng chẳng mơ tưởng những cơ hội bất ngờ. Thời gian họ có trước mắt, họ cảm thấy như là một thời gian không bao giờ có thể mâu thuẫn với điều họ đã khấn hứa. Đan sĩ đã từ bỏ tất cả – nhà cửa, ruộng nương, gia đình (x. Mt 19, 27-29; Mc 10, 28-30; Lc 18, 28-30) – và mãi mãi. Bằng cuộc sống độc thân, họ đã từ bỏ đời hôn nhân và một miêu duệ đến sau họ; bằng đức khó nghèo, họ đã chấp nhận cuộc sống giản dị hằng ngày của người nghèo, vì họ biết rằng từ nay trước việc Chúa đang ngự đến thì mọi sự khác đều là tương đối cả; sau cùng, bằng đức vâng phục, họ từ bỏ việc hoặch định cho tương lai của mình và như thế họ hoàn toàn chỉ sống trong hiện tại. 

Rủi thay, trong cuộc sống đan tu hiện thời, người ta thường quên mất sự thật này về thời gian, quên mất tính đặc thù này trong quan niệm về thời gian, và điều đó làm nghèo đi ý niệm về sự kiên trì và lòng trung tín. Khi ấy, ngay cả trong đan viện, người ta chỉ còn sống thời gian “ngắn hạn”, thời gian “ngày qua ngày”, theo kiểu tài tử, khiến con người trở thành những kẻ hay thay đổi, những kẻ “nhất thời” như dụ ngôn trong Phúc Âm đã nói (x. Mt 13, 21; Mc 4, 17).

Trái lại, đan sĩ phải nhớ rằng qua việc khấn hứa họ đã nối kết giao ước với Thiên Chúa và với anh em. Thời gian của họ thuộc về giao ước đã ký kết trước vị Chứng nhân trung thành, Đức Giêsu Kitô, Đấng Amen vĩnh cửu (Kh 3, 14), trước đấng đã kêu gọi chúng ta trong khi nhắc nhở chúng ta rằng ai đã đặt tay vào cầy mà con quay lại đàng sau, để chôn cất cha hay chào biệt họ hàng thân thuộc, sẽ không xứng đáng với ngài. (x. Lc 10, 62). Cuộc đời đan sĩ là một cuộc chiến, đó là cuộc chiến đức tin. Trong cuộc chiến này, họ tìm cách tiến đến đời sống vĩnh cửu mà họ được kêu gọi tới và vì đời sống ấy họ đã khấn hứa, trước mặt nhiều chứng nhân, trong khi chiến đấu chống lại cám dỗ, trốn tránh cám dỗ và ước mong hoa trái của Thánh Thần (x. 1 Tm 6, 11-12).

Thời gian “thành lập”

Sau những gì vừa nói về quan niệm thời gian trong cuộc sống đan tu ở tầm mức cá nhân, ta không thể không nghĩ tới thời gian trôi qua ở tầm mức cộng đoàn kể từ khi cộng đoàn được thành lập. Với các cộng đoàn và các hội dòng cũng có một chu kỳ sống. Không biết tới chu kỳ này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, cho mỗi thành viên cũng như cho chứng tá phúc âm của chính tập thể.

Sau việc tìm hiểu thời gian liên quan tới một con người riêng biệt, đã tới lúc trực cảm sequela Christi (theo Chúa Kitô) được cụ thể hóa trong nội bộ một nhóm nhỏ mới bắt đầu một cách sống mới, trong đó vị sáng lập dần dần xuất hiện, đấy là một con người, trong khi biết được điều mình sống, sẽ cống hiến cho những người khác khả năng qui chiếu về một trung tâm. Điều mà những người khác nhận thức cách mơ hồ, vị sáng lập cảm thấy như một điều cấp bách và ngài sẽ diễn đạt ra cách cụ thể: thế là nảy sinh một cộng đoàn nơi đó đức ái bù đắp cho mọi sự. Niềm hứng khởi thật là mạnh, cách sống lại mới mẻ – đôi lúc khả nghi – nhưng cũng có sức thu hút. 

Dần dần có những người khác gia nhập và, trong sự năng động cộng đoàn, xuất hiện nhu cầu phải có một điểm qui chiếu chung: đó là qui luật sống. Đây là thời điểm quyết định: trong khi soạn thảo qui luật, vị sáng lập nhường lại cho qui luật vị trí trung tâm và cuộc sống cộng đoàn có thể bền vững hơn, dù rằng đôi khi – nhất là khi vị sáng lập sống lâu dài – có thể xẩy ra những căng thẳng giữa ngài và qui luật. Bởi lẽ, vị sáng lập, cũng là người soạn thảo qui luật, có thể không cảm thấy bị ràng buộc bởi qui luật do mình soạn ra. Người ta nhấn mạnh tới sự triển nở của tình huynh đệ. Đó là thời gian cực kỳ phong phú. Giáo Hội ưu ái đón nhận và chuẩn y sự phong phú này. Môi trường nảy sinh các ơn gọi mở rộng thêm, cũng như những nơi hội dòng hiện diện. Cơ cấu nội bộ cũng đi theo hướng phát triển đó, và bình thường sau chừng năm chục năm hội dòng sẽ có được vị trí xác định đặc thù trong lòng cuộc sống Giáo Hội và cuộc sống đan tu.

Tiếp theo đó là thời gian ổn định. Buổi đầu vàng son đã qua rồi. Con số ơn gọi bắt đầu giảm và những yêu cầu lập nhà mới vượt quá khả năng đáp ứng của hội dòng. Lúc đầu, thành viên của các nhóm mới, dù ít thôi, vẫn chấp nhận được tất cả những gì xẩy đến và có sự táo bạo phi thường. Bây giờ người ta cố gắng “lọc lựa thật kỹ”. Những thành viên đã dấn thân vào các hoạt động mà họ không thể chểnh mảng, trong một số lãnh vực của hội dòng, tỏ ra bận tâm về quá khứ, không hài lòng với hiện tại, nghi hoặc trước tương lai, tất cả là những yếu tố làm trì trệ sức sinh động của một cộng đoàn. Vào lúc này, sẽ xảy ra như sau: hoặc là đi tới chỗ tàn lụi không thể cứu vãn được, hoặc là bắt tay phục hồi cộng đoàn, như làm một cuộc tái thành lập, điều này chỉ thực hiện được nhờ sức đẩy của một đà vươn lên mới đến từ việc cấp tiến hoá ơn gọi theo tinh thần Phúc Âm.

Ý thức rõ về đường phát triển và suy thoái như vậy không được làm ta lo lắng. Chỉ mình Chúa Kitô là vĩnh cửu và, trong đời sống đan tu, điều quan trọng là học biết nghệ thuật chết đi và chấp nhận cảnh suy tàn. Vẫn luôn luôn có thể trở về nguồn; làm cho đời sống thiêng liêng sinh động lại; thích ứng cách lành mạnh; và cập nhật cách chân chính theo tinh thần Phúc Âm có khả năng phân định được “ngày hôm nay” của Thiên Chúa đối với cộng đoàn, hoàn toàn ưng thuận theo Chúa Kitô và bảo đảm sự hiện diện có tính thuyết phục giữa những người chung quanh. Để thực thi những chuyện đó, mỗi người có trách nhiệm riêng của mình, và có nhiều điều lệ thuộc các nguồn mạch nơi đó người ta có thể có được tri thức sâu sắc hơn, hiểu biết Chúa hơn, vì chỉ sự hiểu biết ấy mới giúp ta theo Chúa Kitô cách táo bạo, hoàn toàn và triệt để, là những đặc tính làm nên công trình thành lập ban đầu; chỉ sự hiểu biết ấy mới có thể đạt tới và đôi khi vượt qua được lòng nhiệt thành nguyên thủy.

Các độ tuổi trong đời sống đan tu

Bây giờ tôi muốn suy tư một chút về các độ tuổi trong đời sống đan tu cho tới tuổi trưởng thành, về thời kỳ khủng hoảng và về tuổi cao niên.

Từ thời tập viện tới tuổi trưởng thành

Xin nói ngay là đời đan tu không thể không có cắt đứt, tách rời, từ bỏ rõ ràng và dứt khoát với quá khứ, để ta có thể tự do bắt đầu một cuộc sống mới. Nếu Thiên Chúa tuyên bố, để lập một gia đình, “con người sẽ từ bỏ cha mẹ” (St 2, 24), thì điều này cũng đúng cho ai tận hiến mình trong đời sống đan tu, và khi nghĩ đến lời Chúa Giêsu liên quan tới việc từ bỏ cha mẹ, anh em, ruộng đồng (x. Lc 14, 25-26; Mt 10, 37), tôi dám nói lời tuyên bố ấy còn kiên quyết hơn nhiều đối với họ.

Nơi một số hội dòng, nhất là trong những thập niên vừa qua, người ta đã có một lựa chọn – tự nó là tốt – về cách giữ điều răn thứ tư. Nhưng trong thái độ này có điều gì đó quá đơn giản và ngây thơ đè nặng – và sẽ đè nặng mãi – trên cuộc đời đan sĩ. Thực vậy, nếu cắt đứt với quá khứ và gia đình, người ta sẽ nuôi dưỡng nơi đan sĩ lòng quyến luyến, nỗi nhớ nhung là nguồn phát sinh bất an, và cho thấy người ta đi tìm sự bền vững không phải trong “ngày hôm nay” hay nơi cộng đoàn, nhưng trong quá khứ. Khi ấy người ta sẽ không còn khả năng tạo cho cuộc sống cá nhân cũng như cuộc sống cộng đoàn của mình một ý nghĩa nào nữa, và người ta sẽ tìm kiếm nơi mình một điểm qui chiếu.  

Điều đó đặc biệt xẩy ra cho người nào đã trải qua sự phản kháng hay thiếu thốn hình ảnh người cha. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà trong Phúc Âm lời kêu gọi đừng quay lại đàng sau, nghĩa là hãy từ bỏ quá khứ, có liên quan trực tiếp với lệnh cấm về chôn cất cha mình (x. 9, 59-62). Đó là lời kêu gọi khám phá ra một người cha khác, tức là Chúa Cha, đấng ngự trên trời, thiếu Người Cha này họ sẽ tự bào chữa cho mình bằng cách liên tục phóng chiếu mình ra, bằng cách đóng kín dần lại, không thể nào họ có được tương quan với bất cứ gì khác với họ.

Nhưng mối quan hệ với tương lai đôi khi cũng có thể biểu lộ nơi đan sĩ trẻ bằng những khắc khoải lo âu, những toan tính nắm bắt được tương lai, những tìm kiếm không ngừng nơi ở mới và công việc mới. Khi ấy đan sĩ sống ở một nơi mà cứ tưởng ở nơi khác sẽ tốt hơn, và sau đó họ sẽ bị cám dỗ chiếm đoạt cộng đoàn để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của mình, để mong dẹp bỏ được sự bất an của riêng mình. Đan sĩ ấy bị cám dỗ bởi sự cạnh tranh, ganh tị và ghen tương với anh em: họ vẫn còn ấu trĩ, vẫn non nớt. Điều đó thường đúng nơi những người thiếu thốn tình mẹ và như thế là thiếu cơ sở sống vững chắc.

Từ đó ta hiểu được cần thiết phải đón nhận lời Chúa Giêsu mời gọi đừng bận tâm đến ngày mai, hãy chấp nhận từng ngày với nỗi nhọc nhằn riêng của nó, hãy tin tưởng nơi Thiên Chúa, đấng xử với ta bằng tấm lòng của người mẹ và ban cho ta điều ta cần mỗi ngày (x. Mt 6, 25-34). Do vậy, mối tương quan với quá khứ và tương lai cần thiết phải được đóng ấn tự do; đó là cốt lõi việc từ bỏ Chúa Giêsu đòi hỏi: tức là sống như những con người tự do, thanh thản nhẹ nhàng. Ta chỉ sống được thời hiện tại, nếu ta chấp nhận mình, nếu ta cảm thấy mình như tạo vật được sinh ra hoàn toàn vâng phục đối với lịch sử, với cuộc đời và thân xác của mình. Khi ấy ta sống hiện tại trong niềm tri ân Thiên Chúa, đấng đã dựng nên ta và nâng đỡ ta mỗi ngày, tri ân Chúa Cha, đấng chúng ta khẩn cầu: “Xin cha chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

Cùng với thánh Antôn trong sa mạc, đan sĩ nhắc lại: “Hôm nay tôi bắt đầu!” hôm nay tôi khởi sự lại, hôm nay tôi vâng phục, tôi lắng nghe tiếng Chúa (x. Tv 95,8), hôm nay tôi thực thi những điều tôi đã khấn! Tự do đối với quá khứ và tương lai, đan sĩ sống ngày hôm nay của Chúa với xác tín rằng mình có thể đảo lộn qui luật sinh học của tuổi đời. Quả thực, Thiên Chúa có thể nói với họ như với tiên tri Giêrêmia: “Đừng nói tôi là một đứa trẻ, nhưng hãy đi đến nơi Ta sai ngươi” (Gr 1, 6), hay như với tác giả thánh vịnh: “Tuổi xuân ngươi sẽ đổi mới như phượng hoàng” (Tv 103, 5). Và trong cộng đoàn, họ sẽ có thể nhận thấy “Chúa thường tỏ ra cho người trẻ nhất điều gì hay hơn” (TLBĐ 3, 3).

Sống ngày hôm nay của Thiên Chúa trong   ngày hôm nay của riêng ta là vấn đề sống độc thân, nghèo khó, vâng phục, và chính vì thế tương quan với thời gian có tầm quan trọng quyết định đối với cuộc sống đan tu. Đó là học biết để ngày qua ngày luôn luôn tiếp tục trở về với Chúa, chấp nhận rằng cuộc đời không phải là liên tục đạt tới những đỉnh cao hơn của nhân đức, của tu luyện, nhưng là một thực tập chậm rãi để chấp nhận những yếu đuối, thiếu sót và sa ngã của mình, để nhờ đó mà hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa, hiểu được sức mạnh của ngài trong những yếu đuối của chúng ta (x. 2 Cr 12, 9-10), sau cùng, để học biết rằng dù thực sự việc khấn hứa đã qua đi rồi, ta vẫn phải nói đi nói lại lời xin vâng mỗi ngày suốt đời ta. Nhưng ta chỉ có thể lớn lên tới “tuổi” Chúa Kitô (như bản hy lạp Ep. 4, 11 nói) nhờ ân sủng chứ không phải nhờ ý chí mà thôi.

Khủng hoảng

Những năm đã trải qua không thiếu ý nghĩa đối với đời sống thiêng liêng và thời gian càng trôi ta càng nhận thấy – tùy theo mức độ hài hòa trong tương quan của ta với thời gian, và nếu ta không “sống buông trôi” – rằng Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta qua những kinh nghiệm mà cuộc đời mang lại cho chúng ta, dù rằng vẫn còn có thể xẩy ra những bước thụt lùi.

Có nhiều thứ kinh nghiệm. Đôi khi có thể là những kinh nghiệm tiêu cực, là những mâu thuẫn thực sự với đời sống đan tu và kitô giáo. Việc tôn thờ ngẫu tượng, mặc dù ngấm ngầm, vẫn tồn tại nơi chúng ta và, đặc biệt trong đời sống đan tu, ngẫu tượng không ở ngoài nhưng ở trong con người. Đó là những ngẫu tượng chúng ta mang trong lòng mình cách vô thức. Ngẫu tượng giống như một con vi khuẩn cực kỳ mạnh và ít được biết tới, nó bất chợt tấn công chúng ta để thắng được Lời Chúa chúng ta mang trong mình như một hạt giống (x. 1 Pr 1, 23). Các nhân đức, lòng quảng đại, những ước muốn nên hoàn thiện, ngay cả việc cầu nguyện có thể trở thành những cách lẩn trốn Chúa, để không phải nghe tiếng ngài nói hôm nay. Ngay cả những gì chúng ta làm cho người khác, việc phục vụ người nghèo hay phục vụ Giáo Hội có thể chỉ là những cách xoay xở xa lạ với bản ngã sâu xa của chúng ta, với Chúa và với tiếng nói đích thực của lòng ta. Đó là những nguy cơ thường có trong đời sống đan tu và chúng ta phải ý thức để canh chừng và vạch mặt chúng. Dầu sao, sớm hay muộn, Chúa cũng sẽ bất ngờ can thiệp vào đời ta để chống lại và tiêu diệt những ngẫu tượng ấy.

Đó là lúc khủng hoảng. Và khi khủng hoảng xẩy tới, ta sẽ rơi thẳng xuống tận vực sâu! Trong đời sống đan tu thật là cực kỳ khó mà dừng lại nửa đường, hay ở lại trong thế quân bình hơn kém không bền vững hoặc tạm xoay xở. Nếu nghĩ mình có thể tránh được khủng hoảng và đứng vững, thì chỉ là ảo tưởng. Có thể bất ngờ lâm bệnh về thể lý hay tâm lý, hoặc sa ngã phạm tội, hoặc gặp trở ngại trong việc giữ lời khấn. Sau đó là những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống huynh đệ, hay những căng thẳng do môi trường chung quanh bên ngoài cộng đoàn gây nên…Tất cả đều có thể đưa tới khủng hoảng. Nhưng dù nặng nề tới đâu, khủng hoảng vẫn có thể biến thành ân sủng. Cuộc thăm viếng của Chúa đây chẳng hề “đẹp”, nhưng mang những đau khổ xé lòng thì đúng hơn. Tuy nhiên đó vẫn luôn là cơ hội – có lẽ duy nhất – Chúa đòi ta từ bỏ dứt khoát hơn để có thể đón nhận được ơn thánh của ngài. Chúa muốn ta từ bỏ ngẫu tượng, từ bỏ những hình ảnh ta tạo ra về ngài để gặp được ngài cách đích thực: là ngọn lửa thiêu, là lương y chữa trị các thương tích của ta.

Khi ấy, khủng hoảng là lúc mà suy niệm, tôn thờ cũng như cầu nguyện đều mất hết ý nghĩa. Tất cả đều vô nghĩa. Ngay cả việc phục vụ người nghèo và Giáo Hội dường như cũng rất bấp bênh, và ơn gọi làm kitô hữu có vẻ như không còn đáng kể nữa. Ta đau khổ vì bao nỗ lực thiêng liêng đều thất bại hết và cũng chẳng còn sức lực đâu mà phó thác cho Chúa nữa. Trong một số trường hợp người ta còn dám nói Thiên Chúa chết rồi, và cái hư vô đang ngự trị: Thiên Chúa chỉ là ảo tưởng, ngài ở mãi đâu đâu, chẳng nói, chẳng nghe, chẳng nhìn… “Chúa ơi, sao ngài cứ ngủ?”

Trong tình cảnh như thế, cám dỗ đầu tiên là chạy trốn, là rời bỏ cuộc sống đan tu. Đôi lúc cám dỗ này xẩy ra trước cả khi ta ý thức được là có khủng hoảng ào tới, như thể ta phóng vào một đường hầm theo sau một chiếc xe khác mà chẳng hay. Giữa cơn khủng hoảng thật khó mà có ngay được một phản ứng thích hợp. Vì thế phải chuẩn bị trước, đừng để bị bất ngờ. Điều này cũng là một thực tập để biết “tính ngày mình sống”.

Trước khi xẩy ra cám dỗ trốn khỏi đời đan tu, đã có một cám dỗ khác, đó là chạy trốn chính mình, từ chối nhìn ra thực trạng của mình. Trong lúc bất an chưa được hoàn toàn ổn định, ta nghĩ ngay tới việc tố cáo người khác, nghĩ mình vô can rồi đổ lỗi cho cộng đoàn, cho anh chị em… Ta cho rằng hội dòng không trung thành với đặc sủng ban đầu nữa hay không còn thích hợp với thời đại, rằng anh chị em mình thiếu đặc sủng khiến cho cuộc sống không sao chịu nổi nữa. Để không phải sửa đổi chính mình, người ta lại muốn canh tân hội dòng, hoặc nại lý do không hợp khí hậu hay không hợp với cuộc sống tại chỗ để xin đổi sang cộng đoàn khác, vì cho rằng ở đó mình sẽ khá hơn… Nỗi lo âu ấp ủ trong lòng được tỏ hiện qua những cách sống mới, có khi là chiêm niệm, có khi tham gia hơn vào thế giới người nghèo. Để trốn mình, người ta rút lui vào nơi ẩn dật hay dấn thân phục vụ người nghèo.

Một cám dỗ khác cùng xẩy đến với khủng hoảng là dừng bước, đứng tại chỗ, trong khi chai cứng lại trong cách sống từ trước tới nay. Để che giấu nỗi khắc khoải nội tâm, người ta dán kết với những nguyên tắc riêng, những chuẩn mực cố định, những thực hành chắc chắn, những luật lệ thành văn. Đó là mối nguy lớn đối với đời sống đan tu. Người ta cột mình vào hoạt động của mình, vào những nguyên tắc riêng và không còn tiến lên cùng với những người khác nữa. Người ta hóa ra cứng cỏi, liên tục trách móc, tố cáo người khác bất trung với đời sống đan tu, trong khi cho là chỉ duy có mình mới trung thành với đặc sủng ban đầu. Những xác tín riêng của mình trở nên quan trọng hơn cả chính anh em hoặc hơn cả việc gặp gỡ giữa ngày hôm nay của mình với ngày hôm nay của Chúa. Người ta co cụm vào tư thế đề phòng trước tất cả những gì – như anh em chẳng hạn – có thể là trung gian trao chuyển lời Chúa mời gọi mình. Kết cuộc là càng ngày người ta càng bận tâm hơn đến mình, đến sức khoẻ của mình, và không còn tôn trọng người khác nữa. Tình hình trở nên trầm trọng tới nỗi khi thực sự mắc bệnh người ta không muốn được điều trị để mọi người phải quan tâm tới mình. Đó là một dán kết khủng khiếp vào bản thân, khiến người ta không còn có khả năng tin tưởng nơi Chúa, hay nơi người Chúa đã đặt bên cạnh mình như người có trách nhiệm và chứng nhân những lời khấn của mình.

Nếu khủng hoảng không dẫn tới kết cuộc như Chúa muốn, tức là tới việc tái sinh, người nào rơi vào đó sẽ càng ngày càng khép kín hơn, không còn khả năng đón nhận anh chị em và mở lòng cho tương lai nữa. Họ chỉ còn cách rời bỏ đời đan tu để   trở về với gia đình – và thật là ý nghĩa – nơi mà họ luôn luôn có một người mẹ để chăm nom và một người cha để chôn cất.

Còn phải tìm hiểu thêm nhiều phương diện nữa, nhưng thiết tưởng tôi đã nêu lên những nét cốt yếu mà ngày nay thường thấy hơn của khủng hoảng trong đời đan tu. Cơ bản là đừng bao giờ quên rằng, trong thực chất sâu xa của nó, khủng hoảng là ơn huệ và hồng ân của Thiên Chúa, ngay cả khi nó là một thử thách. Nếu ta không chạy trốn, nhưng ngược lại chấp nhận để được tái sinh, khủng hoảng sẽ biến đổi thành một việc sinh hạ mới. Và ngay khi các thần tượng bị truất phế, Thiên Chúa mà ta chỉ biết được do nghe nói sẽ xuất hiện và sẽ biểu dương sức mạnh của ngài trong nỗi yếu hèn của chúng ta (x G 42, 2-6).

Đó là lớn lên qua cám dỗ. Không có đức tin nào mà lại không bị thử thách, như cây nho không cắt tỉa sẽ chẳng sinh trái được (x. Gn 15, 2). Đó là hòa giải với nỗi yếu đuối của mình, là đồng hóa với người thu thuế trong Đền thờ, là nhận biết quá khứ của mình và phó thác nó cho lòng nhân hậu của Chúa. Thiên Chúa mà ta khám phá được sau cơn khủng hoảng sẽ là Thiên Chúa Cha và Mẹ, Thiên Chúa nhân hậu và trung thành.

6. Sự lão hóa và tuổi già

Tôi chỉ nói được ít điều về giai đoạn này thôi, vì tôi chưa có kinh nghiệm trực tiếp. Tôi chỉ có thể nhận xét về người già, những người mà Đông phương kitô giáo gọi bằng một từ rất ý nghĩa là kalógeroi (người già đẹp lão). Tuy nhiên, suy tư về giai đoạn này là điều quan trọng để có thể thuận phục nó như những giai đoạn khác của đời người.

Ý nghĩa đầu tiên của tuổi già đã được Tv 71 nói tới. Người tín hữu, đã cao tuổi, xin Chúa đừng bỏ rơi mình khi tóc bạc, để mình có thể tuyên dương ngài như Giacop lúc mãn đời: “Thiên Chúa là mục tử chăn dắt tôi từ lúc mới sinh đến nay, là Thiên Thần giải thoát tôi khỏi mọi sự dữ, xin ngài chúc phúc cho những con trẻ này” (St 48, 15-16). Nhưng đây chỉ có thể là lời tuyên xưng đức tin của người đã chấp nhận tuổi già và sẵn sàng làm cho cái chết của mình thành một tác động. Thực vậy, cái chết là một tác động. Đó là lặp lại, khi giáp mặt cái chết, lời xin vâng ta đã nói khi chịu phép rửa và khi khấn hứa. Như vậy, người tín hữu đã cao tuổi không để mình già hay chết đi, trái lại vẫn tiếp tục sống ngày hôm nay của mình trong ngày hôm nay của Chúa. Người cao niên vẫn có thể sinh hoa trái trong tuổi già, “sinh trái tươi ngon” (Tv 92, 15). Hơn nữa, “nếu họ trông cậy nơi Chúa, họ sẽ tìm được sức mạnh, sẽ mọc cánh như phượng hoàng, họ chạy không biết mệt, họ bước đi mà chẳng âu lo, khi mà ngay cả người trẻ cũng mệt và người lớn lảo đảo té ngã” (Is 40, 30 tt).

Trong đời sống đan tu, sẽ nặng nề và khó khăn cho ai lẫn lộn giữa công việc mình làm với việc triệt để theo Chúa Kitô, hay coi sinh hoạt phục vụ người nghèo và Giáo Hội như mục đích của đời mình, mà quên rằng điều làm nên đời kitô hữu và đời đan tu là vâng phục ý Chúa, còn những gì khác chỉ là cơ hội giúp mình thực hiện việc theo Chúa. Tuổi già sẽ nặng nề cho ai không quen sống trong thanh vắng, nhưng đã để mình bị choáng ngợp bởi những hoạt động và những giao tiếp với mọi người (kể cả những giao tiếp cần thiết để nâng đỡ người nghèo). Tuổi già cũng nặng nề cho ai không quen chấp nhận lệ thuộc người khác khi không thể tránh được. Nhưng tuổi già cũng có thể là thời gian thanh thản, là chứng từ về lòng trung tín và nhân hậu của Thiên Chúa. Phải chuyển đạt chân lý này tới các thế hệ trẻ để giúp họ học biết khôn ngoan. Tuổi già là lúc ta có thể nhìn lại quá khứ để thống nhất hóa nó trước mặt Chúa, là lúc có thể nhìn mọi sự và mọi người bằng cái nhìn chiêm niệm, là lúc có khả năng cảm nghiệm và nhận ra được những gì lớn lao, một khả năng thuộc riêng về Chúa. Đó là lúc ký thác những cảm thức về tội lỗi và những tội đã phạm cho lòng thương xót bao la của Chúa, mà không khơi lại mãi những thất bại và sa ngã. Đó là lúc có một không hai để tỉnh thức cầu nguyện mà chờ đợi Đức Lang Quân ngự đến.

Đã có thời những vị thâm niên trong đời sống đan tu thực sự là kho báu của cộng đoàn. Ngày nay các ngài có nguy cơ trở thành gánh hết sức nặng, bởi hai lý do: một đàng, vì hiện nay các cộng đoàn được đánh giá theo hiệu năng – nhưng đó là tiêu chuẩn của thế gian chẳng ăn nhằm gì với đức tin kitô giáo -, đàng khác, vì những người cao tuổi không chấp nhận độ tuổi này, do thiếu chuẩn bị khi không hiểu rõ tính đặc thù của đời đan tu là “sống với” và “chết với” Chúa Kitô.

Đời đan tu có vẻ lâu dài, một cuộc mạo hiểm sống kéo dài nhiều năm. Nhưng nếu sống ngày hôm nay của Thiên Chúa, nếu mỗi ngày nghe tiếng Chúa chứ không cứng lòng, nếu không nổi loạn chống lại Chúa như ở Meriba, và nếu không thử thách Chúa như ở Massa: “Chúa có ở với chúng ta không?” (Xh 17, 7), thì dần dần ta sẽ vào được chốn nghỉ ngơi của Chúa, vào được nơi bình an thanh thản của những người vâng phục biết nhận ra Chúa là Cha là Mẹ, là đấng đưa tới đích công việc đã khởi đầu (x. Pl 1, 6), bởi vì ngài là khởi nguyên và cùng đích, là alpha và omega (x. Is 44, 6; Kh 1, 8.17; 22, 13).

Lạy Chúa, đời con qua đi từng ngày

Mà tội con lại cứ tăng thêm.

Ôi, lạy Chúa, Thiên Chúa của linh hồn và thân xác,

Chúa biết nỗi yếu hèn của con,

Và đã cho con biết con yếu hèn.

Xin ban cho con sức mạnh của Chúa,

Xin nâng đỡ con trong cảnh khốn cùng,  

Xin nhận chìm tội lỗi con vào lòng nhân hậu Chúa,

Và yêu thương con tới hết cuộc đời!

Nhờ thế mà nơi con – nay đã già yếu –

Chúa sẽ tỏ mình ra là Thiên Chúa trung thành,

mạnh mẽ và tràn đầy tình thương.

Amen.

(Ephrem người Syri)

Trích từ Collectanea Cisterciensia 53 (1991) 75-88.