HÃY DỪNG LẠI VÀ BIẾT TA ĐÂY LÀ THIÊN CHÚA!

Hãy dừng lại và hãy biết Ta đây là Thiên Chúa! 

Thư của Tổng phụ Xitô về thời gian đại dịch

Anh chị em thân mến,

Tình hình của đại dịch virus corona xảy đến thôi thúc tôi liên lạc với tất cả anh chị em thông qua lá thư này, như là một dấu chỉ hiệp thông mà chúng ta đang cùng phải đối diện tình trạng này, không chỉ chúng ta mà thôi, mà cả Giáo hội, cũng như trên toàn thế giới. Ở Ý và cụ thể là ở Roma, tôi đang cảm thấy sự thử thách này đang ở thời điểm khó khăn nhất, trong khi đó rõ ràng là hầu hết các quốc gia chúng ta đang sống cũng sẽ sớm phải trải qua tình trạng như thế.

Kiến tạo sự tốt lành cho tha nhân

Dĩ nhiên là phản ứng đầu tiên và đúng đắn của chúng ta, cũng như của Toàn Dòng và của các cộng đoàn đan viện, phải là tuân theo, với sự vâng phục và tôn trọng, các chỉ dẫn của chính quyền dân sự và của Giáo hội để góp phần vào việc đẩy lùi nhanh chóng dịch bệnh này. Chưa bao giờ tất cả chúng ta được mời gọi nhận ra trách nhiệm cá nhân là phải thực thi một việc tốt lành cho mọi người. Những ai chấp nhận các quy tắc và cung cách xử sự cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm thì cũng góp phần việc hạn chế sự lây nhiễm sang cho người khác. Đó là một quy tắc cuộc sống mà chúng ta phải luôn tuân giữ ở tất cả mọi cấp độ, nhưng trong trường hợp khẩn cấp hiện nay, rõ ràng là tất cả chúng ta đoàn kết với nhau trong điều tốt lành cũng như trong tai họa.

Nhưng dưới khía cạnh về y tế, trong hoàn cảnh này, thời khắc bi thảm này đòi hỏi chúng ta điều gì trong ơn gọi của chúng ta? Với danh nghĩa là Kitô hữu và đặc biệt là nam nữ đan sĩ, qua thử thách chung này, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cho điều gì? Chúng ta được mời gọi thực thi chứng tá nào? Chúng ta được kêu gọi thực hiện những gì để trợ giúp xã hội, anh chị em của chúng ta trên thế giới?

1

Tôi nhớ đến một thành ngữ trong Hiến Chương Bác Ái mà tôi thường nhấn mạnh trong năm qua, đặc biệt là trong Thư Giáng Sinh 2019, đặc biệt hơn nữa tôi đã gửi thư đó vào đúng thời điểm mà bệnh truyền nhiễm COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc, thành ngữ đó là: “Prodesse omnibus cupientes – mong muốn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người” (x. Hiến Chương Bác Ái, chương I). Vậy chúng ta được kêu gọi mang lại lợi ích gì cho toàn nhân loại vào chính thời điểm này?

“Hãy dừng lại và hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!”

Có lẽ nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là sống hoàn cảnh này bằng cách cho nó có ý nghĩa. Rốt cuộc, thảm kịch thực sự mà xã hội hiện đang trải qua không phải chỉ là đại dịch, mà là hậu quả của nó trong sự tồn tại hàng ngày của chúng ta. Thế giới này đã dừng lại. Các hoạt động, nền kinh tế, đời sống chính trị, du lịch, giải trí, thể thao đã dừng lại, giống như là một Mùa Chay của toàn cầu. Không chỉ thế, ở nước Ý và hiện giờ thì cũng như ở các nước khác, thậm chí bây giờ còn phải dừng lại tất cả các buổi cử hành tôn giáo cách công khai, việc cử hành Thánh Lễ chung, cũng như tất cả các cuộc tụ họp giáo hội, chung quy lại là dừng tất cả những buổi gặp gỡ của các tín hữu. Như thế nó giống như là một sự chay tịnh hay một sự hãm mình vừa nghiệm ngặt và vừa mang tính toàn cầu.

Sự dừng lại này, áp đặt bởi ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm và bởi chính quyền, được nêu ra và nhìn nhận như là một sự dữ cần thiết. Trên thực tế, con người đương đại không thể nào biết dừng lại. Họ chỉ dừng lại khi có sự bó buộc phải dừng lại. Sự dừng lại một cách tự nguyện đã trở thành gần như không thể trong văn hóa phương Tây ngày nay, mà rộng hơn là mọi nền văn hóa trên thế giới này. Ngay cả các kì nghỉ cũng thực sự phải dừng lại. Chỉ có những cản trở bất tiện nào đó mới có thể ngăn chúng ta lại trong cuộc chay đua điên loạn của mình trong việc tận dụng cuộc sống, tranh thủ thời gian và thường là lợi dụng những người khác nữa. Tuy nhiên, bây giờ, cơn dịch bệnh, như một sự cản trở không hay, đã ngăn cản gần như tất cả chúng ta để dừng lại. Những kế hoạch và những dự định của chúng ta đã buộc phải bị hủy bỏ và chúng ta không biết cho đến khi nào thì chúng ta mới có thể thực hiện được. Dẫu là chúng ta sống ơn gọi đan tu, và có lẽ sống trong nội vi nữa, chúng ta cũng thế thôi; vì chúng ta đã quen với việc sống như mọi người, chạy theo như mọi người, suy tính về cuộc sống luôn đẩy chúng ta hướng về tương lai!

Mặt khác, “dừng lại” có nghĩa là nhận ra giây phút hiện tại, giây phút đang sống, thực tại hiện thực của thời gian, và do đó cũng là thực tại thực sự của chính chúng ta, của cuộc sống chúng ta. Con người chỉ sống ở hiện tại, nhưng chúng ta luôn bị cám dỗ ở lì trong quá khứ khi mà nó không còn nữa, hoặc tự đẩy mình về một tương lai vốn chưa hiện hữu và có lẽ sẽ không bao giờ hiện hữu.

Trong Thánh vịnh 46, Thiên Chúa mời gọi chúng ta dừng lại để nhận ra sự hiện diện của Người nơi chúng ta:

“Hãy dừng lại! Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!

Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.

Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,

Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.” (Tv 46,11-12)

2

Thiên Chúa yêu cầu chúng ta dừng lại; không áp đặt nó lên chúng ta. Ngài muốn chúng ta dừng lại và ở lại trước Thánh Nhan Ngài một cách tự do, bằng sự lựa chọn, tức là bởi tình yêu. Ngài không chặn chúng ta lại như cảnh sát bắt giữ một tên tội phạm đang lẩn trốn. Ngài muốn chúng ta dừng lại như khi chúng ta dừng lại trước người thân yêu của mình, hoặc như khi chúng ta dừng bước trước vẻ đẹp dịu dàng của một em bé đang ngủ, hoặc trước vẻ huy hoàng của hoàng hôn hay một tác phẩm nghệ thuật làm chúng ta kinh ngạc và không thốt lên lời. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta ngừng lại để nhận ra sự hiện diện của Ngài lấp đầy toàn bộ vũ trụ, đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, điều mà không gì có thể vượt qua. Dừng lại trước Nhan Thánh Chúa có nghĩa là nhận ra rằng sự hiện diện của Ngài lấp đầy mọi khoảnh khắc và do đó làm cho lòng chúng ta được hoàn toàn no thỏa, dẫu chúng ta đang ở trong bất kỳ hoàn cảnh hay điều kiện nào.

Sống sự ràng buộc trong tự do

Điều này có nghĩa gì trong tình hình hiện tại? Chúng ta có thể sống một cách tự do điều đó như thế nào, ngay cả khi bị ép buộc? Sự tự do không phải lúc nào cũng có thể chọn những gì mà người ta muốn. Tự do là ân sủng của việc có thể chọn những gì mang lại sự trọn vẹn cho lòng chúng ta ngay cả khi chúng ta bị tước đoạt mọi thứ. Thậm chí khi chúng ta bị lấy mất sự tự do, sự hiện diện của Thiên Chúa vẫn chở che chúng ta, mang đến sự tự do tối thượng để chúng ta có thể dừng lại ở trước Thánh Nhan Ngài, để nhận ra Ngài đang hiện diện đầy thân tình. Đó là chứng tá tuyệt vời của các thánh tử đạo và của tất cả các thánh.

Khi Chúa Giêsu đi trên mặt nước để đến với các môn đệ ở trên biển trong một cơn giông bão, Người thấy các môn đệ không thể tiến lên phía trước bởi ngược gió: “Chiếc thuyền (…) chòng chành trên sóng: cơn gió thật sự lúc đó đang ngược chiều” (Mt 14,24). Các môn đệ đã bất lực chống chọi trước cơn gió ngược chiều đang cản ngăn ý định tiến vào bờ của các ngài. Chúa Giêsu đến với các ngài khi mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể tiếp cận con người, với sự hiện diện thoát khỏi mọi ràng buộc. Không có gì, không có cơn gió ngược chiều và thậm chí không có bất cứ luật tự nhiên nào có thể cản ngăn quà tặng về sự hiện diện của Chúa Kitô đã đến để cứu đỡ nhân loại. “Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.” (Mt 14,25).

Nhưng có một cơn giông tố khác như muốn chống lại sự hiện diện thân tình của Chúa: sự ngờ vực và sợ hãi của chúng ta: «Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên.» (14,26). Thông thường những gì mà chúng ta tưởng tượng với con mắt không tin tưởng sẽ biến hiện thực thành “ma”. Vì vậy, điều này nói lên như là chính chúng ta đã nuôi lòng sợ hãi là điều đã khiến chúng ta thét lên. Nhưng Chúa Giêsu cũng mạnh hơn cơn giông tố nội tâm này. Ngài đến gần hơn nữa, làm chúng ta nghe thấy tiếng nói của Ngài, một âm vọng dịu ngọt và an bình về sự hiện diện thân ái của Ngài: «Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”» (14,27).

«Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! “» (Mt 14,33). Chỉ khi các môn đệ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và đón nhận sự hiện diện

3

của Ngài như thế, tức là các môn đệ dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa, thì gió mới lặng (x. Mt 14,32) và “ngay lập tức con thuyền tới bờ là nơi mà các ông định đến” (Ga 6,21).

Điều này có thể xảy ra trong tình huống nguy hiểm và đầy sợ hãi mà chúng ta đang gặp phải khi đối diện với sự lây lan của virus và hậu quả của nó, chắc chắn là nghiêm trọng và kéo dài, xảy đến cho toàn xã hội. Trong hoàn cảnh này, việc nhận ra một khả năng phi thường để chào đón và tôn thờ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta không có nghĩa là chạy trốn thực tại và loại bỏ những phương tiện của con người đã đưa ra để bảo vệ chúng ta khỏi tai họa. Điều này rất có thể sẽ là một tổn thương cho những người, chẳng hạn như tất cả các nhân viên chăm sóc y tế, bây giờ đang hy sinh bản thân vì lợi ích của chúng ta. Điều này cũng có thể là sự xúc phạm Thiên Chúa khi nghĩ Ngài gửi cho chúng ta những thử thách để rồi chỉ cho chúng ta nhìn ra sự tuyệt vời khi cất khỏi chúng ta các thử thách đó. Nhưng thực ra Thiên Chúa cùng bước vào sự thử thách của chúng ta, chịu đựng chúng với và cho chúng ta cho đến khi Người chết trên Thập giá. Do vậy, điều này cho chúng ta thấy rằng, cuộc sống của chúng ta, trong thử thách cũng như trong sự an ủi, có một ý nghĩa lớn lao hơn nhiều so với việc chấm dứt mối nguy hiểm hiện tại. Mối nguy hiểm thực sự giáng xuống trên cuộc sống không phải là sự đe dọa của cái chết, mà là khả năng sống vô nghĩa, sống mà không hướng một sự trọn vẹn vốn lớn lao hơn là cuộc sống, hướng tới ơn cứu độ vốn cao trọng hơn là sức khỏe.

Như vậy, đại dịch này, với tất cả những hệ luỵ và hậu quả mà nó gây ra, là cơ hội cho mọi người thực sự dừng lại, không chỉ vì bị ép buộc, mà bởi vì chúng ta được Chúa mời gọi hiện diện trước Thánh Nhan Người, để nhận ra rằng Người, ngay bây giờ, đã đến tìm gặp chúng ta giữa cơn giông tố của thời cuộc và những sầu khổ của chúng ta, mang đến cho chúng ta một sự canh tân trong mối tương quan tình thân với Người, và Người chắc chắn có khả năng ngăn chặn đại dịch giống như Người đã làm cho gió lặng đi, nhưng trên hết là làm mới lại món quà về sự hiện diện thân tình của Ngài, đánh bại sự yếu đuối của chúng ta về sự sợ hãi – “Can đảm, Thầy đây, đừng sợ!” – và mong muốn dẫn đưa chúng ta mau chóng đạt tới vận mệnh cuối cùng và trọn vẹn nhất của cuộc đời: Chính Ngài là Đấng luôn ở cùng và đồng hành với chúng ta.

Chúng ta sẽ phải luôn sống như thế

Khung cảnh Tin Mừng này, cũng giống như hoàn cảnh thế giới hiện giờ với đầy sự rối loạn, dường như không quá xa lạ với chúng ta. Trong thực tế, ơn gọi của chúng ta là được rửa tội, cũng như ơn gọi của chúng ta đối với đời sống thánh hiến dưới hình thức đan tu, luôn trợ giúp chúng ta và kêu gọi chúng ta sống như thế. Tình hình hiện tại nhắc nhở chúng ta và tất cả các kitô hữu một chút về những gì Thánh Biển Đức đã nói về Mùa Chay (x. Tu luật 49,1-3): chúng ta nên luôn sống như thế, với sự nhạy cảm trước thảm kịch của cuộc sống, với ý nghĩa này về sự mỏng dòn của chúng ta, với khả năng loại bỏ đi những gì là thừa thãi để bảo vệ những gì sâu sắc và chân thực nhất trong chúng ta và giữa chúng ta, với niềm tin mà cuộc sống của chúng ta vốn không nằm trong tay chúng ta, nhưng nằm trong tay của Chúa.

Chúng ta cũng phải luôn luôn sống với nhận thức rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau, đoàn kết với nhau trong chọn lựa, trong những hành vi dù là ẩn kín và bề ngoài xem như vô nghĩa, trước điều tốt lành cũng như tai họa.

4

Tai họa mà nó làm chúng ta khốn khổ, cũng phải làm chúng ta nhạy cảm hơn với bao nhiêu tai họa đang xảy đến cho những người khác, những dân tộc khác, mà thường khi chúng ta thường nhìn xem một cách thờ ơ đối với sự đau khổ và sự chết. Chẳng hạn, chúng ta có nhớ rằng, trong khi virus corona đang hoành hành ở đây, người dân châu Phi đã phải chịu đựng một sự tàn phá của châu chấu trong nhiều tháng qua đang đe dọa đến sự tồn tại của hàng triệu người? Có nhớ đến những người di cư bị chặn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ? Chúng ta có nhớ vết thương đang rỉ máu ở Syria cũng như toàn Trung Đông không?…

Thời gian thử thách có thể làm cho lòng người chai đá hơn hoặc có thể nhạy cảm hơn, thờ ơ hơn hoặc nhân hậu hơn. Rốt cuộc, mọi thứ tùy thuộc vào tình yêu mà chúng ta sống, và trên hết điều này là Chúa Kitô đến để trao ban cho chúng ta và thức tỉnh nơi chúng ta với sự hiện diện của Người. Bất cứ thử thách nào sớm hay muộn cũng trôi qua, nhưng nếu chúng ta sống với tình yêu, vết thương mà sự thử thách ảnh hưởng trong cuộc sống của chúng ta có thể vẫn không đóng lại, như trên Thân Thể của Đấng Phục Sinh, như một nguồn mạch luôn tràn trề lòng xót thương.

Những thừa tác viên của lời kêu van cầu xin ơn cứu độ

Tuy nhiên, có một nhiệm vụ mà chúng ta được kêu gọi để đảm nhận một cách cụ thể: đó là dâng lời cầu nguyện, lời khẩn cầu để cầu xin ơn cứu độ. Chúa Giêsu Kitô, với bí tích rửa tội, đức tin, gặp gỡ Người thông qua Giáo hội và quà tặng của một ơn gọi đặc biệt là được ở với Người trong “trường học phụng sự Thiên Chúa” (Tu luật, Lời mở 45), kêu gọi chúng ta ở lại Trước Thánh Nhan của Chúa Cha, kêu xin mọi thứ nhân danh Người. Vì lý do này, Ngài ban cho chúng ta Thánh Thần, “với những tiếng rên siết khôn tả”, “giúp đỡ cho sự yếu đuối của chúng ta; chúng ta không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26). Trước khi bước vào sự Thương Khó và Tử Nạn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy đã chọn các con (…) để tất cả những gì mà các con cầu xin Cha nhân danh Thầy, thì Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 15,16). Ngài không chọn chúng ta chỉ để cầu nguyện, nhưng là luôn được Chúa Cha nhận lời.

Như thế sự giàu có của chúng ta và cũng là sự nghèo nàn khi không có quyền lực nào khác ngoài việc cầu xin bằng đức tin. Và đây là một đặc sủng không chỉ được ban cho chúng ta, mà còn để thực hiện sứ mệnh của Ngôi Con là sự cứu độ thế gian: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3,17). Ngay cả nhu cầu bảo vệ hoặc phục hồi sức khỏe, mà tất cả mọi người nhận thấy ngay lúc này, có lẽ còn với nỗi thống khổ nữa, là một sự cần thiết về ơn cứu độ, ơn cứu độ gìn giữ cuộc sống của chúng ta khỏi cảm thức vô nghĩa, bị sóng đánh chòng chành mà không bến đợi, không được gặp gỡ với Đấng Tình Yêu là Đấng trao ban cho chúng ta trong từng khoảnh khắc để được sống đời đời với Ngài.

Nhận thức này về nhiệm vụ ưu tiên của chúng ta là cầu nguyện cho tất cả mọi người, phải khiến chúng ta có trách nhiệm đối với toàn thể thế giới do đức tin chúng ta có được, và do lời cầu nguyện phụng vụ mà Giáo hội giao phó cho chúng ta. Vào lúc này, khi hầu hết các tín hữu bị bắt buộc không được tham dự Thánh Lễ cộng đoàn mà họ tụ hợp trong các nhà thờ, chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm như thế nào đối với các Thánh Lễ mà chúng ta có thể

5

tiếp tục cử hành trong các đan viện, cũng như đối với Giờ Kinh Phụng Vụ mà chúng ta vẫn tiếp tục dâng lên Thiên Chúa! Chúng ta chắc chắn không có đặc quyền này là bởi vì chúng ta tốt hơn những người khác. Có lẽ đặc ân này được trao cho chúng ta chính xác bởi vì chúng ta không là gì cả, và điều này làm cho việc cầu xin của chúng ta trở nên khiêm nhường hơn, đơn sơ hơn, hiệu quả hơn trước Thánh Nhan Chúa Cha nhân lành của tất cả mọi người. Chúng ta phải nhận thức rõ hơn bao giờ hết rằng không lời cầu nguyện nào hay phụng vụ nào của chúng ta mà không cảm nhận được hiệp nhất với Thân mình của Chúa Kitô là Giáo hội, cộng đoàn của tất cả những người được rửa tội nhằm ôm lấy toàn thể nhân loại.

Ánh sáng từ mắt Mẹ

Mỗi tối, khi bóng đêm về, trong tất cả các đan viện Xitô trên thế giới, chúng ta cùng hát lên bài Salve Regina. Điều này cũng phải được thực hiện khi suy gẫm về bóng tối thường bao trùm nhân loại, lấp đầy nó bằng nỗi sợ hãi bị lạc lối trong đó. Trong bài Salve Regina, chúng ta cầu xin cho toàn bộ “thung lũng nước mắt” của thế gian và cho tất cả “những đứa con bị lưu đày”, có được ánh sáng dịu ngọt và ủi an của “đôi mắt đầy thương xót” của Nữ hoàng và của Mẹ Lòng xót thương, nhờ thế mà trong mọi hoàn cảnh, trong mỗi đêm tối hay hiểm nguy, ánh mắt của Mẹ Maria cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đang hiện diện, an ủi chúng ta, chữa lành chúng ta và cứu độ chúng ta.

Toàn bộ ơn gọi và sứ mệnh của chúng ta được mô tả trong lời cầu nguyện này.

Xin Mẹ Maria, “là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”, cho chúng con sống ơn gọi này với sự khiêm nhường và can đảm, để hiến dâng cuộc sống của chúng con cho hòa bình và niềm vui của toàn nhân loại!

Rome, ngày 15 tháng 3 năm 2020

Chúa Nhật III Mùa Chay

 Mauro-Giuse Lepori OCist, Tổng phụ Xitô

(nguồn Xitô Thánh Gia)