ĐỜI ĐAN TU: ĐỜI CẦU NGUYỆN?

ĐỜI ĐAN TU: ĐỜI CẦU NGUYỆN?

ĐỜI ĐAN TU: ĐỜI CẦU NGUYỆN?

Jean de la Croix Robert

Vào một thời buổi khá thuận lợi cho việc cầu nguyện, cho những nhóm cầu nguyện, vào lúc mà trong Giáo Hội cầu nguyện trở nên thức thời, sau những năm dài việc dấn thân phục vụ và hoạt động truyền giáo được đề cao quá mức, nhiều người đang tìm đến để cầu  nguyện cùng với chúng ta. Chúng ta phải vui mừng về điều đó, nhưng cũng không được ảo tưởng. Quả thực, những nhóm người đông đảo đến với đan viện có thể làm cho cuộc sống chúng ta phần nào bị xáo trộn. Chúng ta không thể đồng ý để cho đan viện trở thành một trung tâm đón tiếp hay một nhà cầu nguyện. Không hề từ chối những ai muốn đến với chúng ta, nhưng hãy tỉnh táo đối với hình ảnh chúng ta tạo ra cho người khác về mình và nhất là hình ảnh chúng ta tự tạo ra cho chính mình.

Khi một người trẻ xin gia nhập đan viện với mục đích là chỉ để cầu nguyện, chúng tôi thấy dường như có cái gì đó không ổn và việc anh ta xin vào dòng rất có thể là do anh ta muốn trốn tránh một điều gì hay do mơ tưởng hão huyền. Chúng tôi sẽ an tâm hơn khi một thỉnh sinh đến xin vào dòng mà chẳng hiểu tại sao, nhưng chỉ vì cảm thấy như Chúa kêu mời và anh ta muốn đáp lại. Anh ta đến vì Chúa và để quảng đại đáp lại lời mời gọi của ngài. Thỉnh sinh đáng tin tưởng không phải là người đến để cầu nguyện. Vả lại không cần thiết phải làm đan sĩ để cầu nguyện: rất may mắn là có những người thuộc mọi tầng lớp và mọi hoàn cảnh vẫn cầu nguyện đôi khi nhiều hơn và tốt hơn chúng ta.                                            

Khi một tu sĩ, một linh mục hay một chủng sinh xin vào đan viện để có thể cầu nguyện, chúng tôi nhận thấy mong muốn đó thật là mơ hồ. Phải chăng họ đến tìm nơi chúng ta điều họ thiếu, điều mà bình thường họ có thể tìm thấy được ở nơi họ đang sống? Những năm vừa qua, một số linh mục và tu sĩ đã gia nhập các đan viện chúng ta. Nhưng nhiều người trong họ bỏ cuộc. Và do kinh nghiệm đã trải qua, một số đan viện từ nay dứt khoát không nhận những trường hợp như thế nữa. Việc ái ngại hay từ chối này nói lên phần nào cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không vào đan viện để cầu nguyện.

Từ vài năm nay, nhiều vị giám mục mong muốn có các đan sĩ trong giáo phận các ngài, đặc biệt tại các thành phố lớn của giáo phận. Các ngài xin chúng tôi đến để lập những cộng đoàn cầu nguyện, để “thường xuyên” cầu nguyện hay làm “chứng nhân” cho việc cầu nguyện. Chúng tôi đã luôn luôn trả lời: không. Và chúng tôi có lý. Chúng tôi không thể thành lập những cộng đoàn như các ngài yêu cầu, vì chúng tôi cần dành sức lực cho những việc khác phải làm trong các xứ thuộc thế giới thứ ba. Nhưng trước hết vì lời yêu cầu của các ngài không am hợp với quan niệm của chúng tôi về đời sống đan tu và với bản chất đan sĩ của chúng tôi.

Đời đan tu là đời cầu nguyện, nói thế có lẽ chỉ là để định nghĩa ơn gọi của ẩn sĩ thôi. Với họ, hai điều ấy có lẽ hoàn toàn am hợp với nhau. Ẩn sĩ đúng là để cầu nguyện, nhưng lại là ơn gọi cực kỳ hiếm.

Về điểm này thiết tưởng không cần nhắc lại lệnh truyền “Hãy cầu nguyện không ngừng” của Phúc Âm và của thánh Phaolô. Dù rằng lệnh truyền ấy ghi đậm nét trên cuộc sống chúng ta và được nêu lên trong nhiều tư liệu đan tu, nhưng lại không thấy có trong Tu Luật thánh Biển Đức. Chẳng cần nói nhiều về chuyện này nữa. Chúng ta biết những chú giải có uy tín của thánh Basiliô và nhiều người khác, cũng như biết các Tu Luật đan tu đã điều chỉnh câu Phúc Âm đó theo những yêu sách nhân bản và thiêng liêng của mọi đời sống cộng đoàn. Chúng ta còn biết cả những thái quá do việc áp dụng câu ấy theo mặt chữ, và những giải đáp mà các linh phụ sa mạc, theo sự khôn ngoan cũng như tính hài hước của các ngài, đã ban cho những đồ đệ ngây ngô hoặc kiêu ngạo về việc “cầu nguyện không ngừng”.

Vậy, trước câu hỏi “Đời đan tu có phải là đời cầu nguyện không?” ta sẽ trả lời vừa xác định vừa phủ định, hay chẳng nói gì hết? Có lẽ phải rất uyển chuyển và dè dặt khi muốn trả lời câu hỏi được dùng làm nhan đề cho bài này. Thực vậy, ngôn từ luôn luôn có một ý nghĩa được hình thành do cảm tính của chúng ta. Từ ngữ “cầu nguyện” cũng thế. Có những triết gia, thần học gia, tác giả linh đạo nhấn mạnh tới trí năng hoặc ý chí, có những vị khác nhấn mạnh tới tri thức hoặc ước muốn, có những vị khác nữa lại nhấn mạnh tới chiêm niệm hoặc bác ái. Như thế là có nhiều chủ trương khác nhau về đời sống thiêng liêng. Vậy không nên tuyệt đối hoá cách trình bày hay xác tín của chúng ta. Đàng khác, ta thường gặp được chân lý nhờ những uyển chuyển khéo léo hơn là những điều “hiển nhiên” quá dễ dãi.

Cố gắng uyển chuyển tối đa, tôi muốn trả lời rằng sống đời đan tu không phải là để cầu nguyện, ngay cả khi, vì trung thành với thánh Biển Đức, ta phải dành cho việc cầu nguyện vị trí trung tâm trong cuộc đời làm đan sĩ của mình. Những dòng trên đây là do phản ứng tự nhiên và khá phổ biến, ít ra trong những cộng đoàn chúng tôi tại Pháp, cho thấy đối với chúng tôi đời sống đan tu còn hơn là đời cầu nguyện nữa. Sau những nhận xét và những luận cứ “theo kiểu con người” đó, chúng tôi sẽ thử nêu ra mà không lý sự quá đáng những luận cứ khác để bênh vực điều chúng tôi quả quyết và là xác tín cá nhân của chúng tôi.

Trước hết xin khởi đi từ Tu Luật. Chúng ta có một Lời mở đầu dài, rồi tiếp theo là bảy chương mang một tầm quan trọng rất lớn. Chỉ từ chương 8 mới bắt đầu nói về cầu nguyện. Còn giáo huấn dành riêng cho cầu nguyện chỉ gồm lại trong chương 19 và 20, hai chương thật là ngắn gọn. Dù rằng trong những chương khác cũng có nhắc tới cầu nguyện. Nếu thực sự đời đan tu là đời cầu nguyện, có lẽ Tu Luật sẽ có một dàn bài và một cấu trúc khác.

Cách bố trí nội dung Tu Luật cho ta thấy thánh Biển Đức áp dụng một đường lối sư phạm thật là khôn ngoan. Chúng ta không cầu nguyện nếu không chuẩn bị trước, nếu đã không ăn ở khiêm nhường và vâng phục như tiêu chuẩn khách quan chứng tỏ mình có khả năng cầu nguyện thực sự, và do đó như nền móng cho những cột trụ của cây cầu là việc cầu nguyện kitô giáo nối đất với trời, nối kết mỗi người chúng ta với mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Đọc Tu Luật và để ý tới truyền thống, chúng ta có thể nhận ra đời đan tu có những tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn cầu nguyện. Thiết tưởng nên nói tới một vài tiêu chuẩn ấy để thấy rằng thực thể đời sống đan tu mà chúng ta đã cam kết sống thì rộng hơn, bao hàm hơn là chỉ có cầu nguyện mà thôi.

Trước hết đan viện là một nơi. Thực thể về nơi là nét đặc thù đầu tiên của đan tu trào và ghi dấu ấn sâu xa trên tu trào này. Đan sĩ, “amator loci (người yêu quí nơi ở)”, được mời gọi sống “stabilitas in congregatione (bền đỗ trong cộng đoàn)”, cách sống này phân biệt họ với những tu sĩ khác khi mời gọi họ gây dựng nên một thánh địa, một nơi được biến đổi hình dạng và làm biến đổi hình dạng con người. Dĩ nhiên tại nơi đó cầu nguyện sẽ giữ vai trò của mình nhưng cũng còn có những yếu tố khác nữa. Và chúng ta biết rằng chúng ta luôn luôn chỉ là đan sĩ của một nơi (một đan viện) nào đó.

Đan viện, nhà Chúa. Tiêu chuẩn này rất gần với tiêu chuẩn trên và rất được thánh Biển Đức ưa chuộng khi ngài định nghĩa đan viện là “nhà Chúa – domus Dei”. Chính khi tìm được nơi ở và nhà của mình mà đan sĩ tìm được mình đồng thời tìm được Chúa của mình ở đó. Chính khi cùng với anh em mình trở nên viên đá sống xây dựng nên ngôi nhà này mà đan sĩ học biết thống nhất lòng mình, hiệp nhất với anh em và đi vào mối hiệp nhất của Thiên Chúa ba lần thánh. Chính khi ở nhà Chúa, phục vụ nhà Chúa, phục vụ những người ở trong nhà Chúa và những người vãng lai mà đan sĩ trở nên nơi chính mình đền thờ của Thánh Linh. Trước kia đan sĩ ở ngoài mình, nay dần dần đi vào trong bản thân mình. Đan sĩ cư ngụ và khi ấy khám phá ra mình được cư ngụ. Ở đây cầu nguyện cũng có vị trí và vai trò của nó, nhưng yếu tố “nhà” lại rộng hơn, bao hàm hơn và cũng thật hơn.

Đan viện, cuộc sống thành cộng đoàn. Đây là tiêu chuẩn cơ bản. Hẳn là cộng đoàn sẽ hình thành trong cầu nguyện, và chính Chúa qui tụ chúng ta mỗi ngày để cử hành lễ tạ ơn và thần vụ. Chính khi đó chúng ta là Giáo Hội cách rất đặc biệt, và là cộng đoàn theo nghĩa chặt của từ này. Tuy nhiên, có một bước đi trước và một bước theo sau cầu nguyện và cử hành lễ tạ ơn. Cộng đoàn phải hiện hữu rồi mới có thể cầu nguyện. Do đó phải có hợp nhất trong đức ái, trong lý tưởng, trong mối hiệp thông huynh đệ chân thật, trong thinh lặng được cùng nhau tuân giữ, trong niềm vui chia sẻ cho nhau, trong sự tha thứ trao tặng nhau, và cũng cần phải có cả sự gắn bó với nhau về mặt nhân bản trước đã. Hơn nữa, cầu nguyện và nhất là lễ tạ ơn là “vì” Giáo Hội và “vì” cộng đoàn. Mục đích của lễ tạ ơn là sự hiệp nhất của thân thể Giáo Hội.

Cuộc sống thành cộng đoàn cũng phải giữ một vai trò lớn trong ơn gọi của mỗi người anh em. Họ sẽ chỉ sống đời sống thiêng liêng được khi là con người bình thường đầy đủ nhất, hạnh phúc nhất có thể. Chúng ta đừng mơ tưởng tới một cuộc sống thiêng bên ngoài cuộc sống của con người. Kinh nghiệm cho thấy rằng cầu nguyện và sự quân bình nhân bản không thể tách rời nhau. Chính trong cộng đoàn mà người anh em học biết vừa sống cô tịch vừa sống hiệp thông để đạt tới con người nhân bản đích thực. Do đó, một cộng đoàn vừa mạnh mẽ vừa âm thầm là điều quan trọng để củng cố và bảo vệ cùng một lúc sự cô tịch và toàn bộ những tương quan chân thật. Chúng ta chỉ là “người” trong một cộng đoàn những con người.

Đan viện, một cộng đoàn nơi ta làm việc. Chúng ta nhớ rằng Tu Luật bàn tới lectio (đọc sách) trong chương nói về lao động, điều đó chứng tỏ hai sinh hoạt này liên kết mật thiết với nhau, và có lẽ sức mạnh của Tu Luật hệ tại sự quân bình và hòa điệu giữa cả hai chứ không ở riêng một phía nào. Trong câu châm ngôn nổi tiếng, tuy không phải của thánh Biển Đức, “Ora et labora” (Cầu nguyện và lao động), tiếng “et”   thật là đáng kể. Chẳng cần phải nhấn mạnh tới vị trí của lao động đối với cuộc sống của các cộng đoàn chúng ta, đối với tương lai, chỗ đứng trong xã hội, việc từ thiện, sự liên kết và sức năng động nhân bản của các cộng đoàn, cũng như đối với việc đào tạo các thành viên.

Ta có thể chắc được rằng một cộng đoàn mà ở đó lao động không nghiêm chỉnh và không có tổ chức sẽ không phải là một cộng đoàn cầu nguyện, ít ra theo tinh thần thánh Biển Đức.

Sau khi nêu lên những tiêu chuẩn trên đây – tuy vẫn còn những tiêu chuẩn khác nữa – chúng ta xác nhận, nếu cần phải xác nhận, rằng đời sống đan tu đúng như thánh Biển Đức muốn không phải là để cầu nguyện, hay ít ra không phải chỉ để cầu nguyện.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào Phúc Âm. Khi gọi chúng ta theo ngài, Chúa Giêsu cho ta thấy gì về cuộc đời ngài? Trong Phúc Âm thánh Luca, việc Chúa Giêsu cầu nguyện được nhấn mạnh đặc biệt. Những thời điểm lớn trong cuộc sống công khai của ngài luôn luôn được ghi dấu bằng cầu nguyện: ngài cầu nguyện nơi sa mạc và tại vườn Gêtsêmani, ngài cũng cầu nguyện trên thập giá. Tuy nhiên, ta không thể cho rằng trung tâm của đời ngài là cầu nguyện, mà còn có gì sâu xa hơn, dường như là: ý muốn của Chúa Cha, và như vậy là ngài vâng phục ý Cha, ngài sống khó nghèo, khiêm tốn, đó không phải chỉ là những nhân đức mà nhân tính rất thánh của ngài thực hiện và nêu gương cho ta, nhưng      triệt để hơn đó là những cách hiển linh, những cách ngài mạc khải cho ta chính cuộc sống Chúa Ba Ngôi. Hẳn là lời cầu nguyện, rất tinh tuyền và hồn nhiên, có thể trào dâng từ một đời sống như thế và vươn lên tới cõi thâm sâu nhất của cung lòng Chúa Cha, nhưng ta không thể nói cuộc đời Chúa Giêsu là đời cầu nguyện hay ngài sống để cầu nguyện. Đúng hơn, Phúc Âm cho thấy đó là cuộc đời vâng phục Chúa Cha. Vậy thì cuộc đời chúng ta, tại sao lại có thể đi theo một hướng khác?

Cũng xin nhắc lại là phải cẩn thận để không có gì cứng nhắc, nhưng nên uyển chuyển. Thực vậy, vâng phục và lắng nghe có cùng một nguồn gốc. Lắng nghe và cầu nguyện có lẽ lại không thể tách biệt nhau. Vậy nếu Chúa Giêsu sống để hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, hiển nhiên là cầu nguyện có một vai trò trong việc vâng phục của ngài, thấm nhập sâu xa vào đó và bày tỏ sự vâng phục ấy cách triệt để. Nhưng thật chính đáng khi công nhận rằng Phúc Âm nhấn mạnh tới vâng phục hơn cầu nguyện.

Chúa chỉ ban một giới răn là giới răn yêu mến, mến Chúa yêu người. Yêu mến chứ không phải cầu nguyện. Vậy nếu đời sống đan tu là đời sống kitô giáo của những người đã rửa tội, – đó là điều chúng ta chấp nhận, là điều chúng ta xác tín -, thì mục đích của đời chúng ta là yêu mến hơn là cầu nguyện, tuy vẫn ý thức rằng cầu nguyện và yêu mến không loại trừ nhau, mà còn ngược lại.

Ta hãy nhớ đến phần cuối chương 7, một trong những đoạn văn hay nhất của Tu Luật: “Khi đã leo lên hết những bậc khiêm nhường ấy, đan sĩ sẽ mau chóng yêu mến Chúa cách hoàn hảo mà không còn sợ hãi”. Điều mà đan sĩ đạt tới và phải đạt tới là lòng yêu mến, và không phải bất cứ lòng yêu mến nào, nhưng là lòng yêu mến mau lẹ mà từ “mox” (mau lẹ) của Tu Luật nêu lên. Một lòng yêu mến giống như tia chớp, như luồng sáng chan hòa và xuyên thấu qua cả cuộc đời, một lòng yêu mến chói chang. “Đó là điều Chúa sẽ nhờ Thánh Thần của ngài mà khấng tỏ ra (demonstrare) cho người thợ đã được thanh tẩy khỏi nết hư và tội lỗi”. Đây là đoạn văn cơ bản trong thần học của thánh Biển Đức. Phải cho từ “demonstrare” một ý nghĩa mạnh. Đó là biểu lộ lòng yêu mến Chúa Kitô bằng cuộc sống của chúng ta. Chính bằng việc giãi tỏa lòng yêu mến được ghi khắc trong cõi thâm sâu nhất của lòng chúng ta, khi chúng ta kết thúc cuộc đời dài tận tình phục vụ, triệt để vâng lời và khiêm tốn, mà Thiên Chúa tỏ mình ra nơi chúng ta khi đổ tràn đầy lòng chúng ta Thánh Thần tình yêu của ngài. Chúng ta cũng biết rằng mục đích của cuộc sống kitô giáo – như thánh Séraphim de Sarov nhắc nhở – là lãnh nhận được Thánh Thần, Thánh Thần và tình yêu chỉ là một, ngài ngự đến thống nhất hóa cuộc đời chúng ta trong chính mầu nhiệm của Thiên Chúa, đấng là Tình yêu và là Ba Ngôi tình yêu.

Vì chúng ta là đan sĩ và do danh xưng của mình nên mục đích của chúng ta là ở nơi sự duy nhất, sự thống nhất hóa này trong mối hiệp thông của Thánh Thần với Chúa Cha và với mỗi người anh em chúng ta. Khi đó mầu nhiệm vượt qua sẽ ở trung tâm cuộc sống cá nhân và cộng đoàn, mầu nhiệm ấy như là nguồn mạch của Thánh Linh, khai mở nơi chúng ta những khả năng và tự do của hồng ân mà không những chúng ta phải sống, nhưng còn phải trở nên, phải là hồng ân ấy nữa.

Chúng ta cử hành mầu nhiệm vượt qua trong phụng vụ, đúng vậy, nhưng là để trọn cả cuộc đời chúng ta đón nhận mầu nhiệm ấy và để thể hiện trong ta cuộc Vượt qua của những tư tưởng, những ước muốn, những tình cảm chúng ta. 

Chính như thế mà đan sĩ là mục đích “cuối cùng” của đời sống đan tu. Đan sĩ “không có sẵn” rồi, nhưng phải “trở nên”, và trong Thánh Thần phải “sinh ra” để sống sự thật, sống  tự do, sống thánh thiện, sống làm người cách viên mãn. Nghĩa là đan sĩ sẽ sinh ra để sống nhẫn nại, tin tưởng, dịu hiền, tự chủ, sống trong bình an và niềm vui, để sống theo những hồng ân của Thánh Thần.

Còn cái chết nữa. Chúng ta sống để chết hơn là để cầu nguyện, nếu quả quyết như thế không quá gây hấn. Tới giây phút cuối đời, chúng ta còn phải thực hiện cuộc Vượt qua sau cùng này nữa, thực hiện giờ tự do và sáng tạo của ta. Công trình lớn của con người, của đan sĩ là cái chết. Chính lúc đó đan sĩ là của hiến dâng thực thụ, không phục hoàn, không lấy lại. Chính vì thế, trong các cộng đoàn chúng ta cái chết của một người anh em luôn luôn rất đẹp. Không phải cuộc đời đan sĩ lúc nào cũng thành công, đan sĩ cũng không thành đạt mọi sự trong đời mình, nhưng trong ân sủng, cái chết của đan sĩ bao giờ cũng đẹp. Và như thế các thánh vịnh họ đã đọc mang một ý nghĩa khác thường. Tất cả đều thật, tất cả đều có thể nói lên không do dự. Từ đây sống là cầu nguyện, nhưng như thể là qua cái chết.

Về cầu nguyện cũng giống như về lao động, về ngày sabat. Cầu nguyện được làm ra vì con người, chứ không phải con người được dựng nên để cầu nguyện.

Đời đan tu và cầu nguyện không thể lẫn lộn  nhau, hai bên không hoàn toàn tương ứng. Tuy nhiên về chủ đề này, ta đã có thể trình bày bằng những cách khác, và với một tính nhậy cảm khác, khi nhấn mạnh nhiều hơn về vị trí và giá trị của cầu nguyện. Ta cũng có thể dễ dàng biện minh bằng những quan điểm khác, với những luận cứ khác. Không bao giờ lại chỉ có một giải đáp cho câu hỏi đã được nêu lên. Lịch sử cũng như sự khác biệt về tính nhậy cảm cho thấy điều đó. Không bao giờ đã chỉ có một đan tu trào duy nhất.

Nếu có thể có một giải đáp chắc chắn hơn và thật hơn thì, như tôi nghĩ, ta có thể tìm ra được khi trở lại với chương trình sống cụ thể và đọc lại lời thánh Biển Đức theo đó đời đan tu hệ tại sống “theo một Tu Luật”. Với chúng ta đó là Tu Luật thánh Biển Đức, trong ấy không chỉ nói đến cầu nguyện, nhưng là một tổng thể vừa chắc chắn vừa mềm dẻo những qui định và luật lệ phải giữ. Những luật lệ này dẫn chúng ta vào con đường dành cho những ai muốn làm môn đệ Chúa Kitô. Chúng ta phải chạy trên con đường ấy để gặp được ngài trong đức ái hoàn hảo và trong mối hiệp thông của Thánh Thần. Bản Tu Luật này cho thấy sự khôn ngoan của người soạn thảo và là một toàn bộ chặt chẽ mà ta không thể sống từng khoản tách rời hay từng khoản tiếp nhau. Đan sĩ phải được đào tạo cả về vâng lời, lao động cũng như lectio (đọc sách), cả về hát thánh vịnh cũng như cử hành phụng vụ. Họ phải tập giữ thinh lặng vì Chúa, cũng như tập ăn nói ân cần thân ái với người cùng ở  trong nhà Chúa hay với khách vãng lai.

Như vậy họ sẽ dần dần được hoán cải. Khả năng hoán cải và lời đáp trả yêu sách đầu tiên này của Phúc Âm là nét đặc thù trong ơn gọi của đan sĩ, như thánh Biển Đức nói trong chương 58 về việc tiếp nhận anh em: veniens quis ad conversationem (khi có ai đến xin hoán  cải). Việc hoán cải này sẽ giúp họ thực hiện cuộc vượt qua từ bên ngoài vào bên trong, một cuộc vượt qua nội tâm hóa, như thánh Augustinô đã thực hiện. Không được đi tìm ở bên ngoài đấng đang ở bên trong, ở nơi thâm sâu nhất của bản thân ta, ở tận nguồn sự sống của ta.

Khi tìm thấy lòng mình đan sĩ cũng tìm thấy  Thiên Chúa của mình và tất cả những gì được ban thêm cho mình: sự tinh tuyền và bình an, sự an nghỉ và cầu nguyện. Công trình mà Lời Chúa và Thánh Thần thực hiện nơi họ là đào đến tâm điểm sâu kín nhất, từ đó một dòng suối sẽ tuôn trào đến sự sống đời đời. Từ nơi kín nhiệm này, từ cung thánh nội tâm, họ sẽ tìm được sự sống trong khi đành để mất nó đi, khi mọi sự đều là quà tặng và chính bản thân họ cũng chỉ còn là một món quà. Món quà trao tặng cho anh em họ qua những việc phục vụ khiêm tốn nhất, trao tặng cho Giáo Hội và thế gian, trao dâng Chúa của họ trong cầu nguyện và nhẫn nại, vì đó là cách họ chết đi và dự phần vào thập giá.

Cuộc đời đan sĩ trước hết là cuộc trở về trung tâm, từ đó mọi sự đều có thể trong tự do của Thánh Thần và trong mối hiệp thông huynh đệ. Phải chăng đó lại không là ý nghĩa câu hỏi thánh Biển Đức đặt ra cho thỉnh sinh khi họ đến xin vào đan viện để được hoán cải: Họ có thật lòng tìm Chúa không? Họ có đi theo ơn gọi tới cùng không? Có gắng công trèo lên tới đầu cây thang khiêm nhượng không?

Có lẽ truyền thống đã lầm khi chỉ giới hạn ý nghĩa của “opus Dei” vào việc cử hành giờ kinh phụng vụ mà thôi. Với các đan sĩ xưa kia, “opus Dei” không phải chỉ như vậy, nhưng là toàn bộ cuộc sống đan tu. Có lẽ sẽ ích lợi lớn cho chúng ta khi tìm lại được ý nghĩa trọn đầy đó để lòng chúng ta được nở ra và trong lòng Giáo Hội, một cách chân thật hơn, bằng tất cả cuộc đời, chúng ta ngợi khen những điều kỳ diệu của Thiên Chúa trên mặt đất này, nơi ngài mời gọi chúng ta khiêm nhường phục vụ trong sự vâng phục hằng ngày đối với Tu Luật và truyền thống. Đan sĩ được kêu gọi vào cuộc sống này. Chính trong cuộc sống này, nếu họ trung thành, họ sẽ có thể dần dần khám phá ra con đường cầu nguyện và thánh thiện.

Trích từ Collectanea Cisterciensia

              T. 44 – 1982 – 4