ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ

Con về bên Cha

ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ

XÂY DỰNG BÌNH AN CỘNG ĐOÀN

          Cristiana PICCARDO ocso

         Bình an là hồng ân của Thiên Chúa, và con người dù làm bất cứ điều gì cũng không thể tạo ra được bình an, mà chỉ có thể lãnh nhận từ bàn tay Thiên Chúa với tâm hồn khiêm nhu. Việc tìm kiếm và xây dựng bình an cộng đoàn có thể diễn đạt bằng nhiều từ khác nhau: hội nhập, chấp nhận nhau, liên đới, đối thoại, thiện cảm v.v. Tôi thích gọi công việc đó bằng một tên mà Đức Gioan Phaolô II nêu lên trong sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 1997: tha thứ [1].

        Đức Giáo Hoàng sử dụng một thành ngữ đầy sức thuyết phục, có hiệu năng kiến tạo bình an trong mọi xã hội, dù nơi các cộng đoàn chúng ta hay trên toàn thế giới: “tìm kiếm bình an bằng con đường tha thứ”, và cũng trong sứ điệp ấy: “hãy trao tặng tha thứ, hãy đón nhận bình an”, “không bao giờ có được bình an, nếu con người không quyết tâm tha thứ cách chân thành”, “không tha thứ, vết thương sẽ rỉ máu mãi”. Phải nói rằng trong thời sứ vụ giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II sự tha thứ là nội dung ưu tiên của bình an, sự tha thứ như cách diễn đạt một sự hài hoà sâu xa, khiêm tốn, tin tưởng, hoà giải với toàn thể nhân loại để mọi người nhận ra cách hiển nhiên hơn lòng thương xót của Thien Chúa.

        Tha thứ là gì?  Ai có thể trao tặng tha thứ? Chỉ người nào cảm thấy cần được tha thứ; người nào khát vọng sâu xa được Thiên Chúa và mọi người tha thứ; người nào nồng nhiệt ước ao được tha thứ, không phải vì nỗi băn khoăn muốn được hoàn thiện, nhưng vì đã cảm nghiệm được sự tha thứ như hơi thở của linh hồn, sự giải thoát con tim, chiếc áo lòng nhân hậu để đi dự tiệc Chúa thiết đãi; chỉ ai hiểu mình cần được tha thứ như một nhu cầu cốt tử mới có thể trao tặng tha thứ để mở đường đi tới bình an.

        Tha thứ là một hành vi, nhưng đặc biệt đó là một bầu khí, một dạng thức hiện sinh, một làn khí người ta hít thở trong một cộng đoàn nếu cộng đoàn này không ngừng hướng tới hoà giải và bình an đích thực. Tha thứ chẳng có gì liên can tới chủ trương duy luân lý, hay tới thuyết tương đối dễ dãi, như có thể thấy nơi một hình thức bao dung giả tạo và mơ hồ nào đó – hay nơi sự nâng đỡ nhau cách hời hợt. Tha thứ là một bầu khí trong đó con người được đón nhận toàn vẹn, không bị hạn chế vì những thiếu sót, những giới hạn hay sự yếu đuối của mình. Một sự đón nhận mang niềm hy vọng bền bỉ, một sự tin cậy vững chắc nơi những khả năng của con người. Một sự đón nhận, diễn đạt một cái nhìn tích cực, làm cho người khác vững tâm về điều tốt nơi họ, chứ không chỉ vạch ra cái xấu. Và, ngoại trừ cái xấu không thể tránh vì sự yếu đuối của con người, thì vẫn luôn luôn có cái “tốt”.

        Trong cuộc tranh luận với những người thuộc giáo phái “donatisme” là giáo phái muốn khai trừ các kitô hữu đã lẩn trốn hay vì sợ mà bội giáo trong cuộc bách hại thời Dèce, thánh Augustinô tuyên bố: Không, Giáo Hội hiểu, tha thứ và đón nhận lại. Giáo Hội mở rộng hết mức lòng nhân ái của mình: Giáo Hội không quên tội lỗi, không xóa bỏ cái xấu, không giảm nhẹ lỗi lầm, nhưng với tình thương tha thứ nồng nàn Giáo Hội đón nhận lại người nào đã sa vào đường bất trung.

        Trong các cộng đoàn chúng ta, điều cản trở việc xây dựng bình an dựa trên tiến trình hoà giải trường kỳ không phải là những xung đột – luôn luôn có xung đột bởi vì chúng ta được làm nên bằng xương bằng thịt, bằng cảm xúc, bằng dục vọng; “Người biết chúng ta được nắn nên bằng gì, Người nhớ chúng ta chỉ là cát bụi” (Tv 102, 14). Điều thực sự chống lại bình an đó là ba căn bệnh nơi con người: lãnh đạm, bàng quan, quyền lực.

        Đức Gioan Phaolô II định nghĩa lãnh đạm là căn bệnh xã hội trầm trọng, là bi kịch của con người và so sánh nó với câu Cain trả lời Thiên Chúa: “Con đâu phải đứa giữ em”. Trước hết lãnh đạm là tập trung vào mình, là quá quan tâm đến bản thân, làm ta tìm cách đề phòng, gây nên những mối ngờ vực và cả một loạt những lý lẽ biện minh như một chiếc áo giáp mong manh để bảo vệ tính dễ bị tổn thương của mình. Đó là phạm vi cá nhân chủ nghĩa mù quáng, nại tới một thứ tự do cũng mù quáng để đẩy bản thân tới chỗ tự vẫn và khiến cho tình yêu thành trống không chẳng được đón nhận cũng chẳng được trao tặng đi.

         Bàng quan hay căn bệnh kỳ thị thống trị thế gian và xâm nhập cả vào các đan viện. Mọi phong trào thiện cảm hay ác cảm không được bác ái thanh tẩy, mọi liên minh có tính toán, mọi tương quan khép kín loại trừ một người anh em, đều tiêu diệt bình an và nhốt con người vào cảnh cô độc không lối thoát. Linh hồn kín ẩn của mọi tương quan là tình bạn:

        Linh đạo hiệp thông, có nghĩa là […] trao tặng một tình bạn chân thực và sâu xa, tức là chia sẻ niềm vui nỗi khổ của anh em; đoán trước điều họ mong muốn và chăm lo cho những nhu cầu của họ […], đón nhận và trân trọng (người khác) như hồng ân Chúa ban; đó là biết tôn trọng người anh em mình khi cùng vác gánh nặng cho nhau [2]. 

        Sự “chia sẻ” tới độ cảm thấy được ước muốn của anh em sẽ đi rất xa. Từ chiến thắng trên căn bệnh kỳ thị sẽ nảy sinh mọi khí cụ mang lại bình an: tình liên đới, sự hợp tác, hội nhập, chấp nhận nhau, niềm vui chung sống; từ một con tim cởi mở và tự do sẽ trào lên sự khâm phục, tâm trạng này sẽ vô hiệu hóa chứng kỳ thị. Nếu có khâm phục, chúng ta sẽ có được con tim mô tả trong chương 72 của Tu luật thánh Biển Đức, trong đó tôn trọng lẫn nhau và nồng nhiệt yêu thương nhau là những tiêu chuẩn làm nền cho việc chung sống. Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ có nói tới “ý thức về sự độc lập […] : mỗi người tìm được ơn cứu độ khi đảm nhận trách nhiệm làm việc cho ơn cứu độ của người khác” [3]. Thành ngữ “ý thức về sự độc lập” cho thấy một con đường hoán cải rất chính xác.

        Đức Giáo hoàng diễn tả căn bệnh quyền lực như việc tìm kiếm lợi ích, uy thế, ý riêng, sự thống trị. Và chúng ta biết quyền lực sẽ luôn luôn dẫn tới chỗ “sử dụng” sự vật như của riêng mình và “sử dụng” con người như “sự vật”. Đôi khi quyền lực được dấu ẩn dưới một tác phong hoàn thiện, hay dưới một hình thức che chở: tình phụ tử, tình mẫu tử, tất cả những gì hơn kém giống như một loại sở hữu. Nhưng luôn luôn vẫn là quyền lực, là đế quốc trên một sự vật hay một con người nào đó, mà về lâu về dài không thể không gây nên chống đối, bác bỏ và chắc chắn là mất bình an. Quyền lực không chỉ là thống trị, nhưng còn luôn luôn nhấn mạnh tới cái tiêu cực của một cá nhân, một tình huống hay của cộng đoàn mình. Người nào nhấn mạnh tới cái xấu, tới bóng tối, tới cái tiêu cực thì ít tham gia vào quá trình tích cực chữa trị và hoán cải, họ rửa tay rút lui như Philatô, họ không dám chấp nhận rủi ro, không muốn thiệt hại đến bản thân mình. Họ không thấy rằng thái độ tiêu cực của họ chỉ là thống trị để giữ thể diện thôi chứ chẳng có gì khác.

        Tới điểm này, xin nói thêm rằng để xây dựng bình an cộng đoàn cần thiết phải có một chút hài hước, phải biết dễ dàng tự cười mình, và khá thông minh để không quá nghiêm nghị và không quá suy sụp vì những thất bại. Phải biết giữ khoảng cách với mình để gặp gỡ được một thực tại sâu xa hơn những cái vẻ bên ngoài giả tạo mà chúng ta dựng nên do tính nhạy cảm đã bị tổn thương của mình.

        Một yếu tố cơ bản khác để tạo lập bình an cộng đoàn là sự phục vụ của viện phụ và đoàn sủng làm cha của ngài. Thánh Biển Đức nói nhiều về phụ tính của viện phụ và đặt việc tạo lập bình an cộng đoàn trên một ý thức rất mạnh về sự bình đẳng và công bằng, trên một tình yêu mạnh mẽ và không thiên vị do đoàn sủng làm cha của viện phụ:

        Viện phụ không được thiên vị ai, không thương người này hơn người kia […]. Ngài không quí người tự do hơn người thuộc hàng nô lệ […] vì tự do hay nô lệ, chúng ta  là một trong Chúa Kitô, và tất cả chúng ta đều chiến đấu để phục vụ cùng một Chúa (TL 2, 16-18).

        Một phân biệt duy nhất viện phụ có thể làm, ấy là đối với những người yếu kém hơn và những người nhân đức hơn. Rõ ràng thánh Biển Đức rập khuôn phụ tính của viện phụ theo phụ tính của Thiên Chúa “đấng cho mưa trên người lành kẻ dữ”. Xa hơn, thánh Biển Đức còn nhấn mạnh đến phụ tính này khi đòi viện phụ phải “thuận hợp và thích ứng” với tính khí của con cái mình: “người này cần được hướng dẫn bằng cử chỉ nhẹ nhàng, người khác bằng những lời khiển trách, người khác nữa bằng sự thuyết phục”, và như thế là để “không mất một con chiên nào”, nhưng được “vui mừng vì đoàn chiên tăng số” (TL 2,30-32).

        Mặc dầu ở thời ngài vẫn còn chế độ nô lệ cũng như những khác biệt lớn trong xã hội, thánh Biển Đức đã thiết tha đề cao sự bình đẳng và đặt giá trị của nhân vị con người lên hàng ưu tiên tuyệt đối. Dưới cái nhìn hoàn toàn có tính phúc âm và tính tiên tri rất cụ thể của thánh Biển Đức, đan viện phải là nơi mà mọi phân biệt đều bị triệt tiêu trong chiều kích sâu xa của sự bình đẳng phát sinh từ tình phụ tử. Vấn đề ở đây là sự dịu dàng khiêm tốn và ân cần của viện phụ để thích ứng với sự khác biệt nơi mỗi người, và lợi dụng được sự khác biệt đó để giúp đương sự phát triển tới độ trưởng thành: ngài khích lệ và khiển trách, ngài củng cố và sửa chữa, ngài khuyên nhủ và lắng nghe, ngài nhẫn nại và thúc đẩy, ngài thinh lặng và lên tiếng, ngài nhẫn nại, trên tất cả là nhẫn nại. Theo thánh Biển Đức, viện phụ là một người cha có tương quan với mỗi người, tùy theo nhu cầu của họ, để mọi người đều sống vui trong nhà Chúa. Cùng đích đặc thù của niềm vui, như hoa quả của phụ tính được sống và đón nhận, là duy nhất và khác thường trong Tu Luật của thánh Biển Đức. Ngài rất có thể nói về sự hoàn thiện, về việc giữ kỷ luật, về hội nhập, nhưng không, ngài nói về niềm vui. Từ phụ tính không những nẩy sinh sự bình an mà còn cả niềm hân hoan lễ hội nữa. Việc qui chiếu về niềm hân hoan lễ hội dành cho người con hoang đàng trong Phúc Âm là hiển nhiên. Đó là niềm hân hoan lễ hội của sự nhưng không, của một tình yêu được trao hiến và được đón nhận, của một tình cha và một tình con gặp gỡ nhau nhờ hiểu biết nhau, tôn trọng nhau, nhờ lòng khoan dung và tha thứ, nhờ cảm nghiệm đích thực được sự bình an.

        Trong tiểu sử thánh Bênađô, có một câu chuyện đầy tính hài hước và chan hoà bình an khiêm tốn đáng cho ta nhắc lại. Đó là câu chuyện được kể lại do cha Herbert, viện phụ Mores [4]. Lúc ấy viện phụ Bênađô ở trong phòng vừa lau chùi đôi dép, một công việc được coi như thấp hèn, vừa nói chuyện với vài đan sĩ. Bỗng quỉ xuất hiện dưới dáng một đan sĩ, nó nói: “Thưa viện phụ, con đã từ rất xa đến thăm cha, thế mà con lại thấy cha đang lau dép. Cha đừng làm vậy, đó là việc của tôi tớ”. Viện phụ Bênađô trả lời là ngài không có tôi tớ nhưng chỉ có con cái thôi. Câu chuyện tiếp tục nói nhiều về lòng khiêm tốn của viện phụ Bênađô và kết thúc khi thằng quỉ xin ngài để nó lau dép cho ngài. Và đây là những dòng lạ lùng nhất trong toàn bộ các tác phẩm đan tu: Viện phụ Bênađô nhận ra kẻ đến thăm ngài là ai và đáp lại lời yêu cầu của hắn như sau: “Không, không thể nào kẻ đã được Thiên Chúa tạo dựng từ ban đầu trong hạnh phúc và vẻ đẹp tuyệt vời lại đi lau dép cho Bênađô chỉ là tro bụi”.

        Lòng tôn kính và tình yêu đối với công trình tạo dựng của Thiên Chúa lại đi xa tới độ được dành cho cả ma quỉ thì thật không phải là chuyện tầm thường. Trong cuộc đời các thánh người ta thấy các ngài tiếp đón cả đến ma quỉ nữa là vậy.

        Cơ cấu tổ chức cộng đoàn biển đức có tính gia đình và huynh đệ, đó là cơ cấu hiệp thông: nếu chúng ta loại bỏ sức mạnh đoàn sủng nơi phụ tính của viện phụ, cơ cấu này sẽ tan rã hoàn toàn trong một cách chung sống giả tạo và thuần túy theo chức năng, chứ không giúp gì cho việc hội nhập, không nuôi dưỡng sự bình an.

        Tư tưởng tân thời khai triển đề tài cái chết của người cha. Thuyết macxit kết án mọi hình thức phụ tính trong tương quan xã hội, nhưng khai triển một hình thức chủ nghĩa cha chú từ phía nhà nước, cực kỳ cưỡng bức, chiếm đoạt, mang tính cảnh sát. Còn thuyết hư vô, chỉ dựa trên giá trị hữu hình, có thể tính toán được, cân lường được và thay đổi được bằng sức mạnh kỹ thuật, thì dẹp bỏ hết không gian của tự do, của khác biệt. Thuyết hiện sinh xuất hiện như một đoạn tuyệt với tất cả những phức cảm mà con người đã phải gánh chịu từ hồi niên thiếu trong khung cảnh gia đình. Cụ thể là thuyết này tuyên bố rằng con người không thể đạt tới tuổi trưởng thành nếu không giải thoát mình khỏi bị lệ thuộc quyền bính của người cha. Chẳng khác nào quá trình tăng trưởng đòi buộc phải loại trừ mầu nhiệm phụ tính (hay mẫu tính) ra khỏi cuộc sống, nhân danh một thứ quyền tự chủ mơ hồ và bất trị. Khoa sư phạm hiện nay ở bắc Mỹ nhấn mạnh tới điểm không được làm bất cứ điều gì giới hạn tự do phát triển và tự do diễn đạt của trẻ em để chúng có thể hành động theo khuynh hướng, theo sở thích, theo lựa chọn của chúng hầu tránh hình thành những tước đoạt đến từ việc giới thiệu cho chúng các giá trị và từ kinh nghiệm của truyền thống. Mọi giá trị truyền sinh đều bị loại bỏ.

        Như thế phụ tính chỉ còn là cái gì thuần túy thuộc lãnh vực di truyền và tình cảm, đồng thời kinh nghiệm nhân bản bị loại bỏ hết ý thức về nguồn gốc. Nhưng như chúng ta biết, nếu không ý thức rằng có một điểm khởi nguồn, con người cũng không thể quan niệm được về một tương lai, nếu không phải chỉ là một tương lai ở bình diện thuần túy vật chất, kỹ thuật, chẳng có một giá trị nhân bản nào. Bình an là kết quả của ý thức về một nguồn gốc và một định mệnh, mang đến cho con người khả năng duy nhất và cụ thể gặp gỡ người khác, trong ân sủng bất tận của   của Thiên Chúa đang hiện diện, đấng thấu nhập mọi sự và làm cho nên phong phú. Thiếu ý thức ấy sẽ chỉ có sợ hãi và trốn tránh thực tại đã trở thành kẻ thù, sự trốn tránh ấy biểu lộ qua việc đi tìm những cái bù trừ cách vô vọng và qua sự mất cảm thức sinh tồn.

        Chỉ có cái nhìn kitô giáo mới giúp chúng ta hiểu được rằng mọi phụ tính và mẫu tính đều đến từ phụ tính của Thiên Chúa và bắt nguồn từ tác động tin. Khi thánh Phaolô nói với các tín hữu Galat: “Không còn người do thái hay người hy lạp, kẻ nô lệ hay người tự do, không còn người nam hay người nữ”, ngài không thêm “không còn cha cũng chẳng còn con”. Trái lại, trong kinh nghiệm kitô giáo phụ tính và tử hệ có chiều kích thiêng liêng sâu xa nhất: chúng phản ánh mầu nhiệm phụ tính và tử hệ thần linh trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Đối với tôi, đoàn sủng phụ tính là dụng cụ tinh tế và phong phú nhất để xây dựng sự bình an cộng đoàn, là chiều kích cần thiết trong đó sự bình an triển nở.

 Collectanea Cisterciensia

65 (2003) 244-250

[1] “Trao tặng tha thứ, đón nhận bình an”, Doc. Cath. 2152, 17 janvier 1997,  tr. 51 tt.

[2] Huấn thị của Bộ Dòng tu, 29, Doc. Cath. 2273, tr. 627.

[3] Doc. Cath. 2151, 7, tr. 5tt.

[4] Cha Herbert là đan sĩ khoảng năm 1167 tại Clairvaux, khi ấy vẫn còn nhiều môn đệ cũ của thánh Bênađô sống tại đó. Ngài làm viện phụ của Mores gần Clairvaux trong vài ba năm. Ngài là tác giả một cuốn sách có tên Sách các Phép lạ mà một phần được dùng trong Grand Exode (Cuộc Xuất hành lớn) của Xitô.