LÒNG YÊU MẾN CHÚA KITÔ NƠI THÁNH BÊNAĐÔ

LÒNG YÊU MẾN CHÚA KITÔ NƠI THÁNH BÊNAĐÔ

Guerric Aerden, ocso

Vào năm 1144, cha Pierre le Vénérable, viện phụ đan viện Cluny, viết cho viện phụ Bênađô: “Cha đã được ban tặng cho thời đại chúng ta cách kỳ diệu để nên ánh sáng bằng lời nói và gương lành, không những cho các đan sĩ mà còn cho cả Giáo Hội la tinh” (thư 111). Quả thực, viện phụ Clairvaux đã gây ảnh hưởng đáng kể trên Giáo Hội và xã hội. Ba mươi năm trước,   khi gia nhập đan viện Xitô, một đan viện hầu như chưa ai biết tới, để sống đời ẩn dật và chiêm niệm, ngài đã trở thành lương tâm và phát ngôn viên của thời đại mình. Một thời đại, thế kỷ 12, mà linh đạo kitô giáo đang thực sự phục hưng. Một cách nhìn nhân bản hơn về Thiên Chúa và con người đang phát triển đồng thời với việc tái sử dụng những tư tưởng tinh túy nhất của các Giáo phụ hy lạp. Đặc biệt ở đan viện Clairvaux tư tưởng của Origène rất được đề cao. Thánh Bênađô cho rằng kinh nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa là phần thưởng tất nhiên cho những ai yêu mến Ngài. Trong tình yêu này, tình cảm sâu xa đối với Chúa Giêsu trần thế giữ vai trò quyết định. Với năng lực giống như năng lực của một bí tích, tình yêu này gắn bó con người yêu mến với Ngôi Lời vĩnh cửu và phục hồi nơi họ sự giống như Thiên Chúa lúc khai nguyên.

Trường phái Clairvaux, trường phái kinh nghiệm

Khởi đi từ Pháp, một làn sóng nhân bản, được liên kết với sự tôn sùng cảm tính, lan tràn trên các nước tây phương. Trong trào lưu rộng lớn này, cuộc cải cách của Xitô, khởi đầu vào năm 1098 do viện phụ Robertô của đan viện Molesme và các đồng bạn của ngài trong khu rừng vắng thuộc miền Bourgogne, chỉ là một con sóng nhỏ. Cuộc cải cách này hướng tới một nếp sống đan tu giản dị, tập trung vào Thiên Chúa theo những truyền thống tốt nhất của tu trào biển đức, và không bị liên tục ràng buộc bởi những đòi hỏi của chế độ phong kiến. Về điểm này, Xitô tách biệt rõ ràng với Cluny. Mười lăm năm sau, khi thánh Bênađô gia nhập Xitô, dưới thời viện phụ Stêphanô Harding, công việc cải tổ được xúc tiến mạnh mẽ. Rồi tại đan viện Clairvaux, thành lập năm 1115 tại miền Champagne, nảy sinh một công trình thiêng liêng và văn chương, trong đó thánh Bênađô kể lại kinh nghiệm thần bí rất riêng tư của ngài: “Điều tôi biết được, không phải nhờ đọc sách vở, nhưng những cây sồi và cây sến đã dậy tôi”. Chính theo cách này mà thánh Bênađô đã dậy dỗ các đan sĩ của ngài. Ngài không truyền đạt cho họ một khoa học hay một cách giải nghĩa Kinh Thánh theo lý luận, nhưng là điều tinh túy trong kinh nghiệm hiện sinh của ngài về lời Chúa. Nơi thánh Bênađô ta thấy xuất hiện trong thế giới tây phương thế kỷ 12 một thái độ hoàn toàn mới đối với Kinh Thánh và một cách sống đức tin cũng triệt để mới.

Với thánh Bênađô, Kinh Thánh không còn phải là nguồn mạch tri thức ta có thể có về Thiên Chúa nữa, nhưng là nguồn mạch sự sống và kinh nghiệm. Nếu vẫn đúng là ta phải hiểu được Lời Chúa đến trong tâm hồn con người để dẫn đưa họ về với ngài, thì trước hết ta phải sống Lời đó. Nơi thánh Bênađô, câu “Tôi tin để hiểu” của thánh Anselmô trở thành “Tôi tin để có kinh nghiệm”. Đó là kinh nghiệm trải qua về tình yêu của Thiên Chúa, đấng hiến thân cho con người và chỉ muốn con người đáp lại bằng một tình yêu tương xứng.

Với thánh Bênadô, thần học là bước khởi đầu cần phải được vượt qua. Các chân lý đức tin phải trở thành phương thức sống. Trực giác cho thánh nhân hiểu rằng chọn lựa thần học đúng nhất là một chọn lựa làm cho cuộc sống thêm nhiệt thành hơn. Ngài quan tâm đến chính thống trong thực hành hơn là chính thống trong giáo thuyết. Các tác phẩm của ngài nảy sinh từ bối cảnh cuộc sống hằng ngày. Ngài mở đầu một bài giảng cho các đan sĩ như sau: “Hôm nay chúng ta hãy đọc trong cuốn sách kinh nghiệm” (SCt 3, 1); hay ngài nói với họ: “Cha chia sẻ với anh em điều cha đã kinh nghiệm” (SCt 51, 3); và trong một bài giảng lễ Cung hiến thánh đường, ngài nói: “Cha không thể truyền đạt cho anh em điều gì ngoài điều cha đã nếm hưởng”. Nếm hưởng là một từ thuộc ngữ vựng thần bí. “Trái tim nếm hưởng điều nó yêu thích”. Với thánh Bênađô, yêu mến Chúa tức là thưởng thức ngài, nếm hưởng ngài. Điều ấy thuộc lãnh vực tình cảm cũng như thuộc lãnh vực hành động. Đó cũng là một cố gắng hành động để giữ trọn các giới luật của Chúa.

“Nhưng nếu cảm thấy nơi mình một tình yêu nồng nhiệt vượt quá tình yêu hành động, tới mức bạn hoàn toàn được thiêu đốt bằng tình yêu thần linh trong sự sung mãn của Thánh Thần, khi đó đúng là bạn đang nếm hưởng Thiên Chúa, tuy không nếm hưởng trọn vẹn, nhưng trong mức độ bạn có thể” (SCt 50, 6).

Yêu mến tình yêu

Duy chỉ tình yêu mới thực hiện được sự hiệp nhất hoàn hảo giữa những hữu thể triệt để khác biệt nhau như Thiên Chúa và con người. Yêu mến là dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Đề tài tình yêu rất rõ ràng trong các tác phẩm của thánh Bênađô, từ lá thư gửi Foulques (1120) tới bài giảng cuối cùng trước khi qua đời (1153). Tuy đề tài này cũng có cùng một vai trò như nơi thánh Augustinô – có thể là nguồn cảm hứng chính cho thánh Bênađô trong lãnh vực tình yêu – nhưng cũng có khác biệt về chức năng cấu trúc và hiện diện khắp nơi trong giáo thuyết thiêng liêng của thánh Bênađô.

Nơi viện phụ Clairvaux, mô tả về tình yêu dựa trên cơ sở thần học. Điểm khởi đi theo truyền thống là câu trong thư 1 Ga 4, 8: “Thiên Chúa là tình yêu”. Từ đó, thánh Bênađô quả quyết rằng tình yêu là chính hữu thể Thiên Chúa, nguyên lý sinh tồn của ngài. “Ngài hiện hữu và chính vì thế mà ngài yêu” (SCt 59, 1). Thiên Chúa không nhận tình yêu từ nơi khác. Bản thân ngài là nguồn mạch tình yêu. Con người đạt tới được định mệnh của mình cách trọn vẹn nhất khi trở lên với nguồn mạch của mình. Nói cách khác, chúng ta bắt đầu yêu khi cảm nghiệm mình được yêu. Chúng ta yêu, hoàn toàn là để đáp lại tình yêu. “Chúng ta yêu sau khi đã được yêu và bởi vì chúng ta yêu nên chúng ta đáng được yêu hơn nữa” (Ep 107, 8).

Nếu tình yêu là đề tài trung tâm của thánh Bênađô, đề tài này cũng nằm trong lãnh vực tâm lý của thế kỷ 12, thế kỷ của “tình cảm”.   Trong không gian vừa mới khám phá được nơi trái tim, con người tìm hiểu những khả năng tình cảm của mình. Một cách nhìn mới về con người và về Thiên Chúa xuất hiện. Với thánh Bênađô, con người là một tạo vật cao quí, tự bản tính có khả năng đạt tới Thiên Chúa được. Sứ điệp của thánh nhân hoàn toàn nằm trong đường hướng “bó buộc cao quí”. Con người chỉ có thể tăng trưởng nhờ tình yêu. “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người không thể mãn nguyện nhờ bất cứ tạo vật nào, nếu không phải là nhờ tình yêu Thiên Chúa”. (SCt 18, 6). Ai cậy dựa vào một thực tại nào thấp kém hơn tức là chối bỏ định mệnh của mình.

Đồng thời cũng phát triển một quan niệm về Thiên Chúa nhân hậu hơn những thế kỷ trước, khi mà hình ảnh đấng Thẩm phán công minh nổi bật: Thiên Chúa thưởng điều lành, phạt điều dữ. Có nhiều điều được sáng tỏ trong việc trình bày Đức Maria và Con của ngài. Thay thế tấm ảnh Đức Mẹ là “Sedes Sapientiae”, tòa Đấng Khôn Ngoan, bồng Chúa Con giống như một biểu tượng hơn là một nhân vật sống động, từ thế kỷ 12, các hình ảnh Đức Mẹ diễn tả mối tương quan thân mật giữa mẹ và con. Chúa Con cảm thấy an toàn trong vòng tay Đức Mẹ. Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa làm ta lo âu sợ hãi nữa, nhưng là người-Thiên Chúa, nghèo hèn trong máng cỏ, run sợ trước cuộc khổ nạn và trước cái chết thê thảm trên thập giá. 

Cấp độ tình yêu

Thánh Bênađô quan tâm đặc biệt tới việc phát triển tình yêu. Với ngài, tình yêu thích ứng hoàn hảo với sự tăng trưởng của cá nhân, từ lúc sống theo bản năng sơ đẳng tới độ phát triển thiêng liêng sau cùng. Con người chỉ tiến tới được định mệnh của mình trong tình yêu. Vì thế không có mức độ nào cho tình yêu cả. Mức độ của tình yêu là không có mức độ. 

Thánh Bênađô đã được đào tạo về hùng biện. Được tăng cường bởi thần học về Chúa Ba Ngôi, thuật hùng biện giúp thánh nhân trình bày với tất cả niềm hứng khởi. Nhưng lúc nói về tình yêu, tôi có thể tưởng tượng là ngài đã cảm nhận được niềm vui đặc biệt khi vượt qua mọi qui ước. Ngài nói về bốn giai đoạn hay bốn cấp độ. Tôi xin tóm lược như sau.

Ở cấp thứ nhất, con người ra khỏi tổ kén của tình yêu tự mãn và ấu trĩ để hướng tới một thực tại bên ngoài mình và lợi dụng thực tại ấy. Với tinh thần lạc quan, thánh Bênađô khám phá ra những tiềm năng lớn trong bước khởi đầu tự nhiên và có tính qui ngã này. Ở cấp độ thứ nhất đây, con người bị tham dục chế ngự. Họ có thể yêu thích những đối tượng bất xứng với mình. Tuy nhiên, sự cao quí bẩm sinh của linh hồn giúp con người hướng về tình liên đới, về lòng nhiệt thành muốn sống chính trực, về sự đồng cảm và tình thân ái với con người Giêsu. 

Ở cấp tiếp theo, tình yêu thiêng liêng hơn xét theo đối tượng bắt đầu phát triển, nhưng vẫn còn mang tính xác thịt khi thể hiện. Ta yêu mến Chúa vì những ân huệ ngài ban. Ta tìm Chúa vì có được những cảm nghiệm về ngài, mặc dầu phải từ bỏ những đối tượng khác có thể làm ta thỏa mãn.

Ở cấp thứ ba, việc năng tiếp xúc với Chúa giữ vai trò tích cực và có tính chữa lành. Sức thu hút mạnh mẽ của ngài đẩy lui dần dần cái tôi ti tiện vào bóng tối. Tình yêu lớn lên cách nhưng không.

Ở cấp cuối cùng, tình yêu có thể tự giải thoát hoàn toàn khỏi tính ích kỷ không? Con người có thể yêu như Thiên Chúa yêu không? Thánh Bênađô không dám chắc. Ngài chỉ biết rằng cuộc sống trong tương lai sẽ được hoàn toàn cuốn hút vào Thiên Chúa. Hiện tại càng ngày càng hướng về tương lai đó, dù rằng chẳng bao giờ đạt tới được hoàn thiện ở thế gian này. Đó là lộ trình của tình yêu.

Tuy nhiên con người mang nơi mình những tình cảm phức tạp khiến họ hướng về đủ mọi thứ. Mỗi con người đều có thể tốt và có xu hướng lành mạnh. Nhưng sự vẹn toàn của một con người đi đôi với việc mang trách nhiệm trực tiếp về những điều ưu tiên. Bản chất của các sự vật đặt ra một trật tự trong kinh nghiệm yêu thương. Với thánh Bênađô, thứ tự trong tình yêu rất đơn giản: đối tượng càng thiêng liêng, càng ở chỗ cao hơn trong danh sách các ưu tiên. Ý chí ngay thẳng là ý chí gắn bó mạnh nhất với đối tượng ở cao nhất – đó là Thiên Chúa và những thực tại thiêng liêng – và không hướng xuống những đối tượng thấp. Một thái độ nơi thân xác sẽ tương ứng với tính nội tâm “ngay thẳng” hoặc “cong queo” này. Từ căn bản con người được mời gọi tới hiệp nhất.

Phẩm giá con người được tìm lại (Bài giảng Mùa Vọng 1, 7)

Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, vì thế chúng ta có thể đụng chạm tới ngài, nhìn thấy ngài, nghe ngài nói. Thánh Benađô viết cho một nhà chú giải Cựu Ước, giáo sư Henri Murdac người Anh, như sau: “Tại sao ngài lại đi tìm trong một lời Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và đang ở trước mắt chúng ta?” (Ep 106, 1).

Trong Chúa Kitô, con người đã nhận lấy Lời và Ngôi Lời đã nhận lấy con người. Hai bên thâm nhập vào nhau mà không hủy diệt lẫn nhau. Trong Ngôi Lời của Chúa Cha, sự giống nhau giữa Thiên Chúa và con người nên trọn vẹn. Theo mức độ chúng ta ở trong Ngôi Lời, việc chúng ta giống như Thiên Chúa lúc nguyên thủy được phục hồi. Chúa Kitô là miệng Thiên Chúa dùng để hôn thế gian. Theo mức độ chúng ta ở trong Ngôi Lời, chúng ta sẽ nhận được cái hôn từ miệng Thiên Chúa và biết được Thiên Chúa. Chỉ hai cái giống nhau mới biết nhau. Vì có ánh sáng trong chúng ta nên chúng ta cũng nhận ra ánh sáng bên ngoài. Đó là những hình ảnh, những ẩn dụ thánh Bênađô mượn từ Thánh Kinh và từ minh triết hy lạp để diễn dịch mối quan hệ thân thiết giữa chúng ta với Thiên Chúa. Biết, đó là yêu. “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8).

Sự gắn bó giữa thánh Bênađô với Ngôi Lời nhập thể hoàn toàn tương ứng với giáo thuyết của ngài về tình yêu, như được trình bày ở trên. Để có thể yêu mến Ngôi Lời, là Thần Khí và  Khôn Ngoan của Thiên Chúa, phải bắt đầu yêu mến Ngôi Lời nhập thể bằng “tình yêu xác thịt”. Con đường tình yêu là con đường nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày nhiều hơn theo dáng vóc nhân loại của ngài, để sau đó nên giống Ngôi Lời theo “hữu-thể-hướng-về Chúa Cha” của ngài. Điều này hàm ẩn một sư phạm thần linh. Trong một bài giảng ngắn thánh Bênađô đặt vào miệng Thiên Chúa câu hỏi làm cách nào Chúa có thể lấy lại được con người, tạo vật cao quí của ngài.

“Nếu Ta ép buộc nó, Ta sẽ bắt được một con lừa, chứ không gặp lại được con người. Liệu có phải đem Vương quốc của Ta mà cho lừa không? Bấy giờ Thiên Chúa thử đe dọa xem sao, nhưng không khá hơn. Sau đó ngài hứa ban cho con người tất cả những gì họ muốn, nhưng cũng chẳng có tác dụng gì. Thiên Chúa liền nói: nơi con người không chỉ có sợ hãi và ham muốn, mà cũng có tình yêu nữa. Thế là ngài đi vào xác phàm và tỏ cho con người thấy ngài thật dễ thương. Còn gì có thể làm cho ngươi mà Ta đã không làm?” (Div. 29, 2).

Bằng việc nhập thể, Thiên Chúa tự thích ứng với thân phận con người chúng ta. Ngài đi tìm chúng ta tại nơi chúng ta ở. Ngài đi xuống và tự hiến mình theo như thân phận chúng ta đòi hỏi (SCt 16, 13). Bằng tình yêu cứu độ dành cho loài người, ngài muốn lôi kéo đến với ngài những con người chỉ có thể yêu theo “xác thịt”, và từ từ dẫn đưa họ tới tình yêu thiêng liêng tinh ròng. Đó là đường con người phải đi qua.

Nhưng Thiên Chúa cũng phải thực tập. Điều ngài biết, ngài đã phải học qua kinh nghiệm. Bằng việc Nhập thể, ngài kinh nghiệm được mọi nhu cầu của con người. Bằng kinh nghiệm, ngài học cho biết nỗi khốn cùng của con người và trở nên nhân hậu xót thương. Ngài trở nên như ngài đã vẫn là và học biết điều ngài đã vẫn biết.

Ý thức về Chúa Kitô

Thánh Bênađô nồng nhiệt yêu mến Chúa Giêsu. Mọi giai đoạn cuộc đời Chúa đều lôi cuốn chú ý ngài cách đặc biệt và khơi dậy tình yêu nơi ngài. Nhiều lần ngài nói về “Chúa Giêsu của tôi” và cho thấy chẳng có cuốn sách hay cuộc trò chuyện nào làm ngài vui thích nếu không nhắc đến tên Chúa Giêsu. Tên Giêsu là mật ngọt nơi miệng ngài (SCt 15, 6). Các bài giảng của ngài viết theo chu kỳ phụng vụ những ngày lễ kính Chúa Kitô như được cử hành lúc đương thời. Hiện có 31 bài về việc đản sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong khi có 29 bài về công trình cứu chuộc. 

Trong những thế kỷ vừa qua, người ta đã giới thiệu thánh Bênađô như vị khởi xướng phong trào sung kính nhân tính Chúa Kitô. Trong số những bài viết của ngài đã hình thành một thể văn về việc đản sinh, cuộc đời và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Các nhà họa ảnh thường trình bày thánh Bênađô với những dụng cụ cuộc khổ nạn của Chúa. Cần lưu ý rằng thánh nhân quan tâm đặc biệt tới những mầu nhiệm nhập thể, cứu chuộc nhưng tuyệt đối không để ý tới bất cứ chi tiết nào, như về nơi chốn hay các hoạt cảnh. Máng cỏ và chuồng bò trong sự kiện giáng sinh có thể gợi lên nơi ngài tâm tình trìu mến, nhưng trước hết đó là dịp để nhấn mạnh tới việc Ngôi Lời hạ mình đi xuống. Vào thời thánh Bênađô, hình ảnh Chúa Kitô chịu khổ hình đẫm máu chưa phải là nguồn mạch khơi dậy lòng thương cảm và yêu mến – thánh Bênađô không viết gì về những đau khổ thể lý của Chúa Giêsu – nhưng nguồn mạch đó là Chúa Kitô khiêm tốn. Nói cách khác, thánh nhân hoàn toàn chìm đắm trong tầm mức rộng lớn về luân lý và thần bí nơi các mầu nhiệm lớn của Chúa Kitô, như Thánh Kinh và Thánh Truyền lưu lại.

Cuộc đời Chúa Giêsu như là bí tích

 Tư tưởng cũng như tình cảm của thánh Bênađô và của thời đại ngài không có tính tưởng tượng (mơ hồ) cũng không phải hiện thực (phân tích), nhưng mang tính biểu tượng (liên kết). Có nghĩa là ngài sống trong tương quan trao đổi theo hình thức xã hội, trong đó Thiên Chúa, con người và vũ trụ trao đổi với nhau. Với thánh Bênađô, cuộc đời Chúa Giêsu có sức mạnh liên kết mọi sự. Ngài nói về sacramentum (bí tích): những dấu chỉ khả giác có tính cách tích cực và tốt lành. Những diện khác nhau trong đời sống tại thế của Chúa Giêsu, cho tới việc phục sinh và lên trời, nối kết con người với ngài cũng như lôi cuốn con người vào tác động hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Với điều kiện ta có thể đồng nhất với Chúa Kitô.

Khoa tu đức thế kỷ 12 là tu đức về việc nên giống Chúa Kitô: “nghèo với Chúa Kitô nghèo”. “Chúa Kitô kéo dài cuộc sống của ngài trong nỗi khốn khổ chung của con người để cái nhìn xoi mói của ma quỉ không nhận ra được bí tích về lòng nhận hậu của Thiên Chúa” (Thứ Tư Tuần Thánh, 10). Khi trở thành con người, Ngôi Lời của Chúa Cha, nguyên lý của việc chúng ta nên giống Thiên Chúa lúc nguyên thủy, tự đặt mình vừa tầm với chúng ta. Khi trở nên giống Chúa Giêsu trong hình hài nhân loại của ngài, chúng ta vượt ra khỏi những gì không phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa để lại giống ngài như thủa khai nguyên. Như thế cuộc đời Chúa Giêsu không còn chỉ là nguyên lý sống cho tình yêu của ta, nhưng là con đường duy nhất dẫn ta tới hiệp nhất với Thiên Chúa.

Thánh Bênađô nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải làm quen với các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu bằng cách đọc về cuộc đời ngài và sống theo gương ngài. “Tất cả những gì chúng ta đọc về Chúa Giêsu đều là thuốc chữa trị linh hồn chúng ta. Mong rằng mỗi người tự kiểm để thấy được tác dụng của những phương dược cứu độ này nơi mình” (Div. 44, 1). Thánh Bênađô khẩn khoản kêu mời ta coi trọng mọi hồng ân Chúa Kitô, trên hết là hồng ân cứu chuộc. Đó là những bảo đảm về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với con người. Sự khẩn khoản ấy khác nào như một phương pháp thiêng liêng của thánh nhân. “Hồng ân lớn nhất và quan trọng nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa, tôi muốn nói tới công trình cứu độ chúng ta, không bao giờ được phai nhạt khỏi ký ức những người được cứu” (SCt 11, 3).

“Lạy Chúa Giêsu, đối với con, Chúa vừa là tấm gương về đức nhẫn nại vừa là phần thưởng cho người nhẫn nại. Cả hai đều manh mẽ thúc đẩy con và khiến con cháy lửa nhiệt thành. Dù khi con nhìn ngắm Chúa chiến đấu, dù khi con chờ đợi để không những được Chúa thưởng mà để Chúa là phần thưởng cho con, trong trường hợp nào Chúa cũng lôi cuốn con đến với Chúa cách diệu kỳ”. (SCt 47, 6).

Tính thời sự

Thánh Bênađô là người thành thạo về kinh nghiệm. Để đào tạo các tu sĩ, ngài đã khai triển ở Clairvaux nền giáo dục vừa dựa trên thần học vừa dựa trên lý tính, được áp dụng vào thời đó trong các trường nhà thờ chính tòa do sự thúc đẩy của các vị thầy nổi tiếng như Guillaume de Champeaux và Pierre Abélard. Thánh Bênađô cũng có cạnh tranh với các trường này như nhiều trí thức trẻ theo ngài vào Clairvaux cho thấy. Dưới sự dẫn dắt của thánh nhân, đan viện lại phát triển như ngôi trường kinh nghiệm. Không phải bằng “tranh luận”, nhưng chính bằng thinh lặng và kinh nghiệm nội tâm mà người ta có thể tìm gặp được khôn ngoan và chân lý. Trong thinh lặng và nếp sống huynh đệ, đồng thời được nuôi dưỡng bằng Thánh Kinh và tư tưởng giáo phụ, đan sĩ lớn lên về đời sống nội tâm cũng như về việc biết mình để đi tới chỗ “học biết” kinh nghiệm. Trong lãnh vực này, thánh Bênađô là người hướng đạo hoàn hảo. Ngài giảng dạy kinh nghiệm cho môn đệ mình. 

“Cha không thể chia sẻ cho anh em điều chính cha chưa nếm hưởng. Tuy nhiên cha sẽ nới với anh em những điều đôi khi cha cảm thấy xẩy đến cho mình, để nếu có người nào trong anh em thấy là hữu ích, họ sẽ bắt chước cha” (Dec 5, 2).

Thánh nhân xác tín rằng chỉ có kinh nghiệm, nhận thức và xúc cảm mới giúp ta am hiểu và thấu đạt. Theo ngài, chẳng ai có uy tín để nói về một bản văn Thánh Kinh, nếu đã không có kinh nghiệm về bản văn ấy. Bằng một cách gần như theo phương pháp học, ngài đặt rõ nguyên tắc ngay từ đầu các Bài giảng về sách Diễm Ca:

“Hãy hồi tâm và mỗi người hãy hỏi lòng mình xem phải nói gì ở đây. Cha muốn biết ai trong anh em có được ơn nói lên với tất cả sự am hiểu: “Mong ngài hôn con bằng miệng ngài!”. Vì quả thật, không phải mọi người đều nói được câu ấy do kinh nghiệm của mình. Nhưng ai, dù chỉ một lần, đã nhận được cái hôn thiêng liêng từ miệng Chúa Kitô, và thấm thía sâu xa kinh nghiệm riêng tư này, mới có thể ước ao được hôn lần nữa. Cha nghĩ không ai biết được điều đó là thế nào nếu đã không có kinh nghiệm”. (SCt 3, 1).

Thánh Bênađô chỉ cho thấy con đường kinh nghiệm và chính ngài đi trước. Ngày nay chúng ta có thể đặt câu hỏi: Trong mức độ nào, ngôn ngữ giáo hội và thần học hiện thời tìm ra được nguồn mạch từ kinh nghiệm?

Mặc dầu là người từng trải, thánh Bênađô biết mình chỉ là môn đệ trong trường Chúa Kitô. Chúa Kitô làm cho ngài say sưa cách lạ lùng và lôi cuốn ngài bằng những mối giây bền chặt nhất (x. SCt 3,1). Nỗi khát khao sâu xa nhất của ngài là khát khao Chúa Kitô. Nên không lạ gì khi thấy ngài ước mong biến đổi mỗi người nên môn đệ Chúa Kitô (Ep 106, 1). Ai nghiêm chỉnh sống theo quan điểm về nhân loại học của thánh Bênađô sẽ thấy mình hiệp nhất với Chúa Kitô trong một quá trình năng động, suốt quá trình ấy sẽ có những biến đổi quan trọng xẩy ra. Với thánh nhân, cái cốt lõi nơi con người được liên kết với ước ao, với gắn bó và tình cảm: một vận hành tự nhiên của linh hồn. Nhờ ân sủng lôi kéo, linh hồn muốn trở lại với Nguồn Cội, với Nguyên Lý của mình. Chính Thiên Chúa tạo nên ước ao đó. Do yếu tính, con người có hình dạng thần linh. Trên nẻo đường dẫn tới trung tâm sâu thẳm nhất này, chính Chúa Giêsu là bạn đồng hành của chúng ta. Như với các môn đệ trên đường đi Emmaus, Chúa Giêsu đến với ta bất kỳ ta ở đâu và cùng ta tiến bước. “Vì được Chúa Giêsu lôi cuốn chính là nhận từ nơi ngài lòng ước ao được ngài lôi cuốn” (SCt 58, 1).

Thực ra, không phải thánh Bênađô, nhưng Chúa Giêsu, đấng là thầy dậy kinh nghiệm, “ngài đã trở nên con người để nhờ kinh nghiệm mà học biết nỗi cùng khổ của con người” (SCt 56, 1). Vì ai nương tựa vào Chúa Kitô là đứng trên tảng đá không thể lay chuyển được (Div. 5, 4). Ngài là đầu đã đi vào Vương quốc trước chúng ta và chúng ta sẽ chỉ vào được khi đã liên kết với ngài và nên đồng hình đồng dạng với ngài (Div. 28). Nơi con người, Chúa Kitô là khuôn mặt xinh đẹp muốn hướng về Thiên Chúa. Và nơi Thiên Chúa, Chúa Kitô là khuôn mặt nhìn xem vẻ đẹp trong con người và nâng con người lên, biến đổi con người cho am hợp với thần tính của ngài. Việc biến đổi căn bản này – việc thần hóa – được liên kết chặt chẽ vào sự gắn bó với Chúa Kitô và vào sự kiện được ngài chiếm đoạt.

“Được tác động như thế, chính là được thần hóa […]. Lạy Thiên Chúa của con, con đã tìm Chúa; lạy Chúa, con sẽ tìm thánh nhan ngài” (Dil 10, 28).

Nếu ở thế kỷ 12, thánh Bênađô đã là một trong những điểm sáng trên bản đồ thiêng liêng của Âu châu, ngài vẫn còn là điểm sáng cho những ai muốn học nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu qua kinh nghiệm cá nhân của mình.

Trích từ Collectanea Cisterciensia 65 (2003) 137-146.