CÂY NHO THỰC VÀ CÁC NHÀNH CỦA NÓ

CÂY NHO THỰC VÀ CÁC NHÀNH CỦA NÓ

Là những nhành nho có sự sống

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con chẳng làm được gì.” (Ga 15,5)

Khi suy niệm về Tin mừng này với các Chị Em của nữ đan viện Thánh Giacôbê ở Viglia, trong Tuần V Mùa Phục Sinh, chúng tôi nhận ra rằng hình ảnh cây nho mà Chúa Giêsu dùng để diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của chúng ta với Người ngụ ý muốn nói đến một sự thông truyền sự sống từ Người cho chúng ta, và từ chúng ta cho thế giới. Những cành không khô héo, tức là có sự sống, thì nhựa sống đến từ rễ và từ thân cây lưu chuyển qua chúng để rồi nuôi dưỡng những trái nho mà cây nho trổ sinh ra như là kết quả của nó. Loại trái cây mà sau đó nó được chuyển hóa thành rượu “làm vui lòng người” (Tv 103,15), nhất là khi nó được uống để cảm nhận vẻ đẹp của tình hiệp thông huynh đệ.

Hình ảnh này cho chúng ta thấy quan trọng biết bao về việc trở thành những cành có sự sống, sự sống của mạch sống bắt nguồn từ cây nho. Đó là điều quan trọng đối với thế giới đang chờ đợi niềm vui về hoa trái nơi toàn thể nhân loại, nhưng trước hết điều đó rất quan trọng đối với Chúa Kitô, “cây nho thực” mà Chúa Cha là người trồng nho (x. Ga 15,1). Từ sự thông truyền nhựa sống thông qua các cành nho, nó giống như là sự phụ thuộc vào sự hoàn thành của những gì mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi thụ tạo và sự hoàn thành của những gì tất cả mọi thụ tạo quy hướng về cho Thiên Chúa. Niềm hân hoan của Thiên Chúa là quà tặng sự sống. Niềm vui của thụ tạo là sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu những cành nào không để cho mình thông truyền sự sống của Chúa Kitô cho thụ tạo và cho toàn thể nhân loại, nó đã đánh mất đi mục đích và sự hoàn thành của chúng. Ngay cả Thiên Chúa cũng có lẽ sẽ cảm thấy đau khổ trước toàn bộ quà tặng mà Người tạo ra cho thế giới.

Thật là mầu nhiệm! Sự viên mãn của Thiên Chúa, niềm vui của Thiên Chúa, dường như phụ thuộc vào chúng ta, vào sức sống của cành nho. Sự sống không đến từ cành: sự sống chỉ đến từ Thiên Chúa, từ Ngôi Cha, trong Ngôi Con trong sự tặng ban của Thánh Thần. Nhưng sự thông truyền sự sống phụ thuộc vào các cành. Các cành được đón nhận sự sống trước tiên và nó có thể thông truyền sự sống chỉ trong mức độ mà nó đã được đón nhận.

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng, Chúa Kitô hay buồn rầu vì không thể trao ban sự sống của Người, bởi vì người ta chối bỏ nó. Thật vậy, Chúa Giêsu vô cùng buồn rầu khi thấy người thanh niên giàu có bỏ đi; lòng Người tràn ngập ưu phiền vì thấy một cành nho mà Người đã coi là quan trọng để thông truyền sự sống của Người cho thế gian, nhưng nó lại không muốn gắn liền với cây nho thật. Anh cần giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc bởi của cải để cho sự sống của Chúa Kitô tuôn chảy nơi anh, tức là tình yêu vô biên mà Chúa Giêsu đã ban cho anh không giới hạn (x. Mc 10,21-22).

Sứ vụ của các cành nho

Khi chúng ta nhìn thấy tình trạng cằn cỗi, thiếu niềm vui, niềm an ủi và ý nghĩa mà nhân loại đang sống, – nhưng cũng là sự khô cằn và buồn bã thường trú ngụ trong tâm hồn chúng ta và cộng đoàn của chúng ta -, chúng ta hiểu rằng ngày nay hơn bao giờ hết về sự cấp bách lớn lao mà chúng ta được kêu gọi dâng hiến cuộc đời của mình, đó chính là việc để cho Chúa Kitô làm cho chúng ta trở nên những cành nho có sự sống của cây nho thật là chính Người, Đấng đã tử nạn trên Thập giá và phục sinh để cứu rỗi thế giới.

Cũng giống như tất cả các cách thức hoán cải được đưa ra, đến từ nhiều đặc sủng khác nhau của Giáo hội, người ta có thể đọc toàn bộ Luật của Thánh Biển Đức như một sự đồng hành mà Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong Giáo hội để giúp chúng ta trở nên những cành nho có sự sống bắt nguồn từ cây nho Chúa Kitô Cứu Thế. Trên thực tế, Thánh Biển Đức đòi hỏi như là điều kiện phải có đối với những người nam và người nữ muốn vào đan viện, đó là lòng khao khát cuộc sống và niềm hạnh phúc (xem Tu Luật, Lời mở 15; Tv 33,13). Những ai đáp lại lời mời gọi này thì không có nghĩa người đó đã đạt tới kinh nghiệm tức thì để thỏa mãn mong muốn này, nhưng là một hành trình biển đổi chúng ta thành những người và cộng đoàn mà hoa trái của nó chính là lòng bác ái được trổ sinh trong việc phục vụ tha nhân với tình mến và niềm hân hoan. Thật vậy, chính ơn gọi và sứ mệnh của các cành nho mà người ta đã tìm thấy sự hoàn thành của mình trong việc thông truyền và chuyển thông đến cho mọi người hoa trái mà chỉ Chúa Kitô mới có thể làm cho nó nảy sinh; đó là: lòng bác ái, niềm vui của Thiên Chúa và của con người.

Chính ân sủng của Lễ Hiện Xuống, mà lần đầu tiên diễn ra tại Giêrusalem và sẽ luôn là Lễ Hiện Xuống mới mà chúng ta chờ đợi, cũng biến đổi các môn đồ thành những cành có sự sống của Chúa Kitô. Thật vậy, Chúa Thánh Thần tràn đổ nơi chúng ta bằng sự sống của Chúa Kitô, làm cho Chúa Kitô sống trong chúng ta, giống như đã sống trong Đức Trinh Nữ Maria.

Nếu chúng ta không có mối quan tâm nền tảng này, tức là trở thành những cành nho có sự sống của Chúa Kitô, thì mọi vấn đề và khó khăn, thay vì là cơ hội để sống trong đức tin, đức cậy và đức mến, lại trở thành những cơn lũ lớn kéo trôi chúng ta ngày càng xa khỏi tảng đá mà trên đó chúng ta được mời gọi xây dựng ngôi nhà của cuộc đời chúng ta và của Giáo hội là nơi đón nhận chúng ta và làm cho chúng ta trở thành Kitô hữu. Trái lại, chúng ta cần hết sức bận tâm đến việc để Chúa Kitô sống trong chúng ta bởi ân sủng của Thánh Thần, chúng ta khám phá ra, với ngạc nhiên và an ủi, là ngay cả những hoàn cảnh tiêu cực và mệt mỏi nhất, đối với Chúa Giêsu, cũng có thể trở thành không gian của cuộc sống mới, không gian của yêu mến và sự bình an. Nếu Chúa Kitô sống, không có gì sẽ bị hư mất, và không có gì là vô ích. Nếu Chúa Kitô sống trong ta, cái “bản ngã” của chúng ta sẽ không bị sụp đổ trước bất cứ sự đe dọa nào, ngay cả là đối diện với sự chết. Cành nào được gắn liền với cây nho Chúa Kitô, nó sẽ vẫn sống và có khả năng kết trái, ngay cả khi sương giá của mùa đông, cái nóng thiêu đốt của mùa hè, hoặc những thiên tai khác có thể phá hủy tạm thời tất cả các lá và hoa trái của nó mà thôi. Từ Chúa Kitô, cây nho thật, sự sống sẽ luôn trỗi dậy.

Học cách trở thành cành có sự sống

Trong tiệc cưới Cana, tại sao Chúa Giêsu phản đối Mẹ Người rằng, giờ của Người chưa đến để trao rượu mới cho tiệc cưới được có niềm vui trọn vẹn? Thực tế là vấn đề thiếu rượu cho thấy rằng Gioan, khi thuật lại tình tiết này, đã nghĩ đến những lời mà Chúa Giêsu tự mạc khải về mình là “cây nho thật” trong Bữa Tiệc Ly. Thật vậy, ngay trong Chương 15 của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã nói về hoa trái của cây nho, về niềm vui trọn vẹn, về sự ở lại trong tình yêu thương lẫn nhau, như tương quan giữa vợ chồng. Tại Cana, giờ chưa đến để Chúa Giêsu mang đến nhiều hoa trái, hoa trái của sự sống nơi Người được trao ban trọn vẹn qua cái chết trên Thập giá. Có lẽ Chúa Giêsu nghĩ rằng để sự sống của Người sinh hoa kết trái, thì cần phải đợi các cành nho, tức là các môn đệ, mà bắt đầu từ các tông đồ, lớn lên. Cần phải đợi đến Lễ Hiện Xuống để các môn đệ trở nên những cành nho có sự sống, có khả năng thông truyền rượu mới từ Máu của Người đã đổ ra để trổ sinh hoa trái của Giao Ước Mới, tức là sự hiệp thông trong tình yêu của Chúa Kitô.

Đức Maria, cành nho hoàn hảo từ khi thụ thai, dường như thấm nhuần tư tưởng của Chúa Giêsu. Vậy Mẹ đã làm gì? Mẹ dạy chúng ta trở nên những cành nho có sự sống như Mẹ, gắn liền với cây nho, để Chúa Kitô làm trổ sinh hoa trái trong Giờ Phục sinh của Người. Thật vậy, tại Cana, Đức Maria dạy những người phục vụ ở tiệc cưới làm theo cách mà chính Mẹ nói xin vâng đối với quà tặng và sứ vụ trở thành một cành nho có sự sống của quà tặng Con Thiên Chúa: «Mẹ Người nói với những người phục vụ: “Bất cứ điều gì mà Người nói với các anh, các anh hãy làm theo”» (Ga 2,5).
Để trở thành những cành nho có sự sống và sinh hoa trái của Chúa Kitô, chúng ta bị đòi hỏi phải lắng nghe lời của Người, một sự lắng nghe luôn sẵn sàng để những gì Chúa Kitô muốn thực hiện qua chúng ta sẽ được hoàn thành. Lắng nghe và phục vụ là những phẩm chất thiết yếu của các cành nho của Chúa Kitô. Chúa Giêsu muốn mang đến những hoa trái qua chúng ta, và hoa trái của Người là rượu sẽ làm cho tiệc cưới được vui trở lại, niềm vui phong nhiêu của tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta trở nên giống hình ảnh của Người. Hoa trái này là sự Cứu Chuộc trong Máu Thánh của Chúa Kitô, trong sự sống của Người đã ban cho chúng ta cho đến cùng. Điều này đã nằm trong tâm trí của Chúa Giêsu tại Cana, và cả của Mẹ Maria khi Mẹ bảo các người phục vụ hãy vâng theo lời Chúa Giêsu để biến họ trở thành công cụ của quà tặng sự sống của Người, tức là trở thành những cành nho của Chúa – Đấng Tử Nạn và Phục Sinh cho chúng ta.

Cùng với một cung cách và cùng một đức tin mà Đức Maria hiện diện trong Nhà Tiệc Ly, trong Giáo Hội sơ khai, và bây giờ trên Thiên Đàng, Mẹ vẫn tiếp tục là Mẹ và là Thầy. Với sự thinh lặng, lời cầu bầu, sự vâng phục đầy lòng tin, lòng mến và hy vọng của Mẹ, Mẹ Maria luôn hiện diện trong Giáo hội và không ngừng nhắc lại trong Giáo Hội về lời mời gọi thiết yếu của Mẹ: “Bất cứ điều gì Người bảo các con, các con hãy làm theo!”. Như thể Mẹ nói với chúng ta: “Hãy hiệp nhất với Lời sự sống, hãy ở trong tình yêu của Người, và sự sống của các con sẽ sinh hoa trái của Con Ta, hoa trái của Chúa Thánh Thần!”

Hoa trái của sự hiệp thông huynh đệ

Giống như hoa trái của cây nho là rượu của giao ước, hoa trái của Chúa Kitô là sự hiệp thông trong Máu của Người, là sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi đã ban cho chúng ta để sống với Người và ở giữa chúng ta. Không có cành nho đích thực nào mà lại không sinh hoa trái của sự hiệp thông huynh đệ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban thông điệp Fratelli tutti về hoa trái thiết yếu và phổ quát của Giáo hội và của đời sống Kitô hữu của chúng ta. Điều cấp bách là chúng ta phải làm việc này, vì bản thân và vì lợi ích của toàn thế giới.

Để các cành nho có thể trổ sinh hoa trái, Thiên Chúa Cha thường cắt tỉa những cành nho của Thân Thể Chúa Kitô. Người lấy đi khỏi chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta những gì không phục vụ cho sự hiệp thông trong bác ái, đó là những gì phát sinh ra mà không phải là hoa trái đích thực của Chúa Kitô, là những trái nho dại có lẽ có vẻ đẹp bề ngoài, nhưng thực tế nó không có ích lợi gì cho niềm vui nơi lòng chúng ta và niềm vui của Thiên Chúa. Thường thì chúng ta cảm thấy cay đắng trong các mối tương quan của mình, bởi vì nơi mỗi người và nhất là nơi lòng chúng ta, nảy sinh sự khinh miệt, chỉ trích, dối trá, đạo đức giả, sự khác biệt. Do đó, chúng ta đặt mình vào sự phản kháng để bảo vệ những lời nhận định và những thái độ của chúng ta, và điều này chỉ làm tăng thêm sự khô cằn đầy cay đắng của đời sống Kitô hữu và đời sống đan tu của chúng ta.
Cắt tỉa là một nghệ thuật mà không thể tranh luận với những gì là cằn cỗi, nó là một vết cắt để bỏ đi những gì khô héo, những gì không kết trái, những gì không còn để cho sự sống có thể thông chuyển; nhựa sống của cây nho thật là: tình yêu của Chúa Kitô, Tin Mừng, ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Trong toàn Giáo Hội và trong Dòng, chúng ta đang sống trong một thời kỳ được cắt tỉa nhiều. Chúng ta dường như trở nên nhỏ bé hơn, ít nhận thấy hơn, ít quan trọng hơn. Cuộc khủng hoảng thế giới mà chúng ta đang trải qua cũng đã làm trầm trọng thêm nhiều tình trạng mỏng giòn trong chúng ta. Trong thực tế, nếu chúng ta để cho Chúa Cha cắt tỉa mình, với sự tin tưởng rằng Người yêu thương chúng ta và muốn làm cho chúng ta có sự sống trong sự sống của Chúa Con, thì chúng ta khám phá ra rằng việc cắt tỉa là làm cho chúng ta tốt hơn, làm cho chúng ta hạnh phúc hơn và sinh hiệu quả hơn cho Triều đại Thiên Chúa, ngay cả khi dường như chúng ta đang chết đi. Đây là sự khiêm nhường theo Tin Mừng mà Thánh Biển Đức không ngừng dạy chúng ta, bởi vì Thánh Biển Đức là một người cha nhiệt thành mong muốn chúng ta sống như những con cái của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho chúng ta như Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải ý thức rằng sự hiệp thông giữa chúng ta là sự hiệp thông của những cành nho của cây nho đích thực duy nhất là Chúa Kitô. Mỗi nhánh có trách nhiệm sinh hoa trái riêng và luôn ở lại trong Chúa, nhưng chúng ta không được quên rằng hoa trái của chúng ta chính là hoa trái của Chúa Kitô và các cành khác nhau được Người kết hợp để lưu chuyển hoa trái này cho thế gian. Hoa trái này là sự hiệp thông của tình yêu mà Chúa Kitô ban cho thế gian, và thật là ngớ ngẩn khi các cành lưu chuyển sự hiệp thông đó lại không cảm nhận được sự hiệp thông với nhau. Vào hôm của tiệc cưới tại Cana, có lẽ một tình huynh đệ thấm đượm niềm hân hoan đã được trổ sinh trong số những người phục vụ là những người đầu tiên biết và nhìn thấy công việc của họ vâng phục Chúa đã để cho một phép lạ diệu vời đã xảy ra! Cũng chính tình huynh đệ thấm đượm niềm hân hoan đó mà các tông đồ và tất cả các kitô hữu tiên khởi đã cảm thấy gắn bó với nhau trong sứ mệnh mà họ bắt đầu ngay sau Lễ Ngũ Tuần.

Chúng ta có ý thức rằng chúng ta đang ở cùng nhau để phục vụ hoa trái của sự hiệp thông huynh đệ, tức là phép lạ lớn lao được thực hiện bởi tình yêu của Đấng Phục Sinh trong quà tặng của Thần Khí hay không? Sự mỏng giòn không bao giờ là lí do để bác bỏ điều đó, vì hoa trái của tình yêu Chúa Kitô luôn luôn hoàn hảo, cho dù chúng ta chỉ là hai hay ba cành gắn kết vào Người để cưu mang hao trái đó, để cho nó lớn lên và để trao ban hoa trái đó cho thế gian.

Anh chị em của người nghèo

Gần đây tôi đã có một trải nghiệm khiến tôi thắc mắc rất nhiều. Do lơ là mà tôi đã lỡ một chuyến tàu để đi Pháp, và tôi phải lùi lại vào ngày hôm sau. Tôi giận bản thân mình và buồn vì đã gây ra sự bất tiện cho cộng đoàn mà tôi phải đến thăm. Tuy nhiên, trên chuyến tàu mà tôi đi, tôi gặp một bà mẹ trẻ người Phi với đứa con gái sáu tuổi của cô ấy. Giống như rất nhiều người di cư, cô đã vượt Địa Trung Hải trên một chiếc thuyền cao su để chạy trốn mối đe dọa đối với đứa trẻ và cũng như tìm cách điều trị bệnh. Họ đã ở một tháng trong trại tị nạn ở Ý. Bây giờ họ sẽ đến Pháp là nơi mà họ có mối liên lạc nào đó. Tại hải quan, cảnh sát đã phải thả một số người nhập cư bất hợp pháp, tất cả đều từ châu Phi. Biết bao là những cảnh đau đớn và đôi khi là bạo lực, chắc chắn cũng gây ra sự thương tâm ngay cả đối với cảnh sát, những người phải làm nhiệm vụ của họ, ngay cả khi đó là một vấn đề cần được giải quyết trên phạm vi quốc tế. Người mẹ với đứa con gái nhỏ của mình cũng đã được đưa xuống tàu, nhưng sau khi kiểm tra, họ đã để họ lên tàu và tiếp tục cuộc hành trình. Đứa trẻ vô cùng sợ hãi, khóc nức nở và lên cơn sốt. Họ đã kể cho tôi câu chuyện của họ. Khi chúng tôi đến Nice, tôi hỏi họ sẽ nghỉ đêm ở đâu. Thực sự, họ nghĩ rằng họ có thể tiếp tục cuộc hành trình ít nhất là đi đến Paris và chắc chắn sẽ qua đêm trong nhà ga hoặc một nơi trú ẩn tạm thời nào đó. Tôi gọi cho Viện mẫu của đan viện Castagniers, người đang đợi tôi ở nhà ga. Tôi hỏi Viện mẫu là có biết là ở Nice có nơi nào đón nhận những người di cư như này hay không. Viện mẫu trả lời rằng là sẽ cố gắng hỏi xem, mặc dù đã muộn. Nhưng ngay lập tức Viện mẫu nói với tôi: “Nếu không chúng con sẽ đưa họ theo chúng con về đan viện chúng con và họ sẽ ngủ ở đó”. Tôi cảm thấy khả năng này không thuận lợi lắm, nhưng ngay lập tức tôi hiểu rằng đó là bởi vì điều này có nghĩa là tôi phải đảm nhận lấy việc đón nhận những người mà Chúa đã đặt trên con đường của tôi. Tôi hiểu rằng Chúa Giêsu, Thánh Biển Đức và ĐTC Phanxicô khiến chúng ta không nghi ngờ gì về việc làm thế nào để đáp ứng nhu cầu này và rằng tôi được kêu gọi để mình trở nên như người Samaritanô nhân hậu. Vì vậy, tôi rất vui khi nghe Viện mẫu nói rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa họ đến Castagniers. Ở đó, các nữ tu chào đón họ “với tất cả lòng nhân đạo” mà Thánh Biển Đức đòi hỏi (RB 53,9), và trong đó phụ nữ như là những chuyên viên. Đối với cộng đoàn này, cũng như đối với nhiều cộng đoàn khác trong Dòng, việc chào đón những người di cư và tị nạn không có gì là mới mẻ.
Hoàn cảnh xảy ra là, sau thời gian ngắn ở trong đan viện, người mẹ đó và đứa con gái nhỏ của cô ấy tiếp tục cuộc hành trình với tôi, và điều đó là quan trọng vì tôi có thể giúp họ khi đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác trong giao thông đường sắt mà chúng tôi gặp phải. Người mẹ cứ lặp đi lặp lại với tôi: “Chính Chúa đã gửi cha tới!” Tôi nhận ra điều này là đúng. Chắc chắn không phải tôi là người tốt mà là Chúa, trong tình yêu ưu đãi mà Người dành cho những người nhỏ bé và người nghèo, đã biến tôi trở thành một công cụ, cùng với các Nữ tu Castagniers, để chăm sóc họ cho họ. Thiên Chúa thực sự làm cho chúng ta trở thành “thiên thần”, tức là “được sai đến”, của lòng bác ái của Người nếu chúng ta để cho mình can dự vào những nhu cầu của tha nhân. Đôi khi chỉ cần đáp lại một chút đối với nhu cầu của tha nhân là đủ để hoàn toàn cộng tác vào sự quan phòng của Cha, Đấng thực sự chăm sóc mọi thứ, ngay đến từng chi tiết nhỏ nhặt.

Câu chuyện này không phải là điều mới trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Nhưng nó đã xảy ra với tôi vào thời điểm mà tôi đặc biệt cảm thấy sự mệt mỏi mà nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy thế khi tiếp tục cuộc hành trình trong thời điểm đầy bị kịch này của thế giới và đối với tất cả chúng ta. Điều đó khiến tôi một lần nữa hiểu được tầm quan trọng của việc để cho mình trợ giúp những người nhỏ bé và người nghèo lấy lại sức sống từ cây nho đích thực là Chúa Kitô là quan trọng như thế nào. Chỉ cần một cử chỉ đơn giản là đón nhận nhu cầu của tha nhân cũng đủ để có thể lưu chuyển trong chúng ta, những cành của cây nho, nguồn mạch của ân sủng, của lòng bác ái, không chỉ mang lại hoa trái là sự an ủi cho những người gặp khó khăn, mà còn phục hồi sự sống và niềm vui cho chính cành nho, là chúng ta.

Do đó, tôi ngày càng xác tín rằng Chúa Thánh Thần mong muốn phục hồi sức sống cho mỗi người chúng ta và cho cộng đoàn của chúng ta, khi thường cảm thấy mệt mỏi và buồn phiền vì sự mỏng giòn của mình. Trong cơn khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua, tất cả phải tự hỏi: người nghèo nào mà tôi được mời gọi đón nhận vào cuộc sống của mình hôm nay để Chúa có thể biến tôi thành một “thiên thần” và một công cụ của sự dịu dàng, chăm sóc và yêu mến của Người? Nhận thức được nhu cầu của người khác, những người thường ở gần chúng ta hoặc đang ở gần chúng ta, và sống với họ trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, như Mẹ Maria ở Cana, làm cho chúng ta trở thành những người phục vụ của lòng yêu mến của Thiên Chúa, Đấng ngay lập tức thực hiện một sự biến đổi kỳ diệu về thực tại, phục hồi chúng ta trong niềm vui của sự sống, được yêu và được yêu lại. Để rồi, chúng ta khám phá ra rằng người nghèo làm cho chúng ta trở nên quà tặng để trao ban sự sống của mình, tức là trở thành những cành nho có sự sống của Chúa Kitô, Đấng cùng với Chúa Cha muốn ban Chúa Thánh Thần cho thế gian.

Chúng ta hãy giúp bản thân mình trở thành những cành nho có sự sống

Đối với tôi, dường như giây phút hiện tại mà thế giới, Giáo Hội và Dòng của chúng ta đang trải qua, trên hết đòi hỏi chúng ta một sự sẵn sàng canh tân để trở thành những cành nho của Chúa Kitô và giúp chúng ta sống trong thời khắc này. Chúng ta không ở cùng nhau trong Giáo hội và trong một ơn gọi cụ thể để được chiêm ngưỡng như những bông hoa rực rỡ được đánh giá cao hay như những trái mọng nước, nhưng trở thành những cành cây phục vụ sự sinh hoa kết trái của Chúa Kitô Cứu Thế. Một sự phong nhiêu luôn huyền nhiệm, âm thầm và đồng thời gây ngạc nhiên. Nhiệm vụ của các Kitô hữu, đặc biệt là của nam nữ đan sĩ, thường khiêm tốn và ẩn mình, nhưng nó nảy sinh từ một trìu mến thực sự, từ sự ưa thích của Chúa Giêsu đối với chúng ta, từ một tình bạn mà chúng ta không xứng đáng, nhưng trao ban cho chúng ta. Thật vậy, cành nho gắn bó với Chúa Kitô hơn, kết hợp với Người hơn là lá và hoa trái của cây nho. Sự sống trao ban của Đấng Cứu Thế luôn lưu chảy trực tiếp vào từng cành nho. Nếu chúng ta thực sự ý thức được điều này, chúng ta sẽ cảm thấy biết ơn biết bao đối với ơn gọi của mình và sự phục vụ đòi hỏi chúng ta!

Anh chị em thân mến, Chúa đã kết hợp chúng ta như các môn đệ tụ họp trong Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, để an ủi nhau, bằng lời cầu nguyện và tình huynh đệ, và cùng nhau sống gắn bó với Chúa Kitô làm cho chúng ta trở nên những cành nho có sự sống nhờ hồng ân của Đấng Bảo Trợ. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh nữ Maria và những người bạn của chúng ta trên Thiên đàng về quà tặng là một con tim luôn sẵn sàng cho ân sủng và sứ mệnh này!

Mauro-Giuseppe Lepori OCist
Tổng phụ