NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CHIÊM NIỆM

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CHIÊM NIỆM

Claudette Jacques

         Cầu nguyện chiêm niệm bao hàm một phạm vi kinh nghiệm rộng lớn và chúng ta không thể giới hạn vào một kinh nghiệm duy nhất nào. Chúng ta phải nhìn việc cầu nguyện này trong đường hướng có phần sáng tạo và rất tự do. Để hiểu được sự phong phú của cầu nguyện chiêm niệm này, chúng ta sẽ khai thác những mức độ khác nhau qua đó chúng ta có thể có được kinh nghiệm về cầu nguyện chiêm chiệm. Chúng ta sẽ thấy ba mức độ chiêm niệm: cầu nguyện chan hòa trong cả cuộc sống, cầu nguyện suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm thực sự. Chúng ta sẽ khám phá từng kiểu cầu nguyện này và thử coi xem chúng được thể hiện trong cuộc sống của người cầu nguyện như thế nào.

        CẦU NGUYỆN CHAN HÒA TRONG CUỘC SỐNG

        Cách cầu nguyện này dễ dàng đi vào cuộc sống thường ngày vì nó đặt chúng ta trong thái độ sống trước nhan Thiên Chúa. Thánh Phaolô khuyên chúng ta cầu nguyện theo cách này khi nói: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Chúa” (1 Cr 10,31). Khi sống như thế dưới cặp mắt của Chúa, chúng ta mời ngài đồng hành với chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Tất cả tùy thuộc ở mức độ ý hướng và con tim sẵn sàng sống trước sự hiện dìện của ngài.

        Liên quan tới chủ đề này, thánh Augustinô nói đến những lời nguyện tắt. Đây là những lời nguyện lặp đi lặp lại giúp chúng ta sống trước mặt Chúa. Nhiều người lại dùng thánh vịnh để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của mình. Tôi đặc biệt nghĩ đến những lời nguyện tắt mà chúng ta thường nghe nói tới, như: “Chúa là mục tử của tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì; Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ của tôi; Lạy Chúa là cha của con, con yêu mến Chúa”. Trong Mùa Vọng, nhiều người dùng lời nguyện tắt này: “Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin Chúa hạ sinh vào lòng con và lòng mọi người”.

        Những lời nguyện lặp đi lặp lại thường xuyên này làm thành sợi giây liên kết hoạt động của chúng ta với cuộc sống kết hợp với Chúa. Như vậy, tôi nghĩ là trọn cuộc sống chúng ta diễn ra trước mắt Chúa và trở thành lời cầu nguyện. Chúng ta sống hiệp nhất với Chúa qua sinh hoạt haèng ngày. Không nên coi thường mức độ chiêm niệm thứ nhất này, nhưng phải vun trồng và phát triển tư thế hiện diện trước nhan Chúa bằng việc dùng những lời cầu nguyện phát xuất tự con tim chân thành.

         CÂU NGUYỆN SUY NIỆM-LẶP ĐI LẶP LẠI

        Mức độ chiêm niệm này cần đến sự tĩnh niệm và đi vào nội tâm. Đó là nghiền ngẫm Lời Chúa và làm cho Lời ấy lắng đọng vào tâm hồn rồi sinh hoa kết trái. Trong cách cầu nguyện này, chúng ta dành thời gian để tiếp xúc với Chúa và Lời của Ngài. Khi ấy cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa đan kết với nhau trong ta và quanh ta. Việc suy niệm-lặp đi lặp lại này được thể hiện dưới những hình thức quen thuộc như Lectio divina (Đọc Lời Chúa), Thần Vụ, các kinh cầu, nguyện gẫm. Trong cách cầu nguyện này chúng ta phải dành nhiều thời gìờ hơn cách cầu nguyện trước.

        Charles A.Bernard định nghĩa Lectio divina như là “đọc Kinh Thánh cách chăm chú và thú vị nhờ đó linh hồn tìm kiếm và tiếp xúc được với Mầu Nhiệm cách khách quan”. Điều đó tương ứng phần nào với việc làm cho Lời ta đọc và đưa vào nội tâm trở thành của riêng mình. Chúng ta đọc một lời, chúng ta để lời ấy lắng đọng trong ta, chúng ta lặp lại lời ấy và đi vào thực tại của mầu nhiệm được bầy tỏ như Giáo Hội đã nhận thấy. Khi sử dụng phương tiện này, chúng ta hiểu hơn chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa và chúng ta chấp nhận để Chúa biến đổi chúng ta từ trong nội tâm. Nếu chúng ta cần mẫn và kiên trì lắng nghe Lời Chúa, Lời Chúa sẽ thực hiện nơi chúng ta một cuộc canh tân thiêng liêng. Khi thực hiện cách chiêm niệm này, chúng ta làm cho hoạt động của Thánh Thần trong tâm hồn ta được dễ dàng. Chúng ta có thể so sánh kinh nghiệm này với thái độ của Đức Maria khi ngài ghi nhớ tất cả “những điều đó” trong lòng và suy đi nghĩ lại. Lectio divina đích thực hệ tại việc biến đổi mà Lời Chúa thực hiện trong chúng ta khi chúng ta hiểu, thưởng thức và hấp thu Lời ấy.

        Một phương thế khác rất quen biết và phổ biến khắp thế giới là Thần Vụ. Kinh nguyện phụng vụ này laøm cho chúng ta hiệp thông với mầu nhiệm Chúa Kitô khi liên kết chúng ta với kinh nguyện chung của Giáo Hội. Tham dự hằng ngày các giờ kinh, như Kinh Sáng, Kinh Chiều, sẽ cho chúng ta sống theo các mầu nhiệm của Thiên Chúa trình bày trong suốt năm phụng vụ. Việc đọc Thần Vụ, trước đây được dành riêng cho đan sĩ, tu sĩ và linh mục, càng ngày càng phổ biến trong Giáo Hội. Nhiều giáo hữu đọc kinh phụng vụ cùng với cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì hay họp lại với nhau để đọc.

        Một cách suy niệm khác được thực hiện bằng một loại kinh cầu hay lời kinh của tâm hồn. Đó là một kinh cầu hay việc lặp đi lặp lại một lời kinh ngắn diễn tả một tâm tình hay một thái độ của tâm hồn chúng ta. Lời kinh chúng ta thường nghe nhất là: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” hoặc “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin hãy là sức mạnh và ánh sáng cho con”.

        Lại có những người thích thực hành suy niệm. Để làm việc này, họ sử dụng trí nhớ, trí khôn, ý chí để tìm hiểu các mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong cách suy niệm này, chúng ta có thể nói đến linh thao của thánh Inhatiô là cách giúp chúng ta đắm mình vào mầu nhiệm Chúa Kitô và làm cho ta kinh nghiệm được những trạng huống khác nhau của tâm hồn khi chiêm ngắm những cảnh sống trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chẳng hạn, chúng ta tưởng tượng mình đang ở trước mặt Chúa Giêsu trên mặt hồ Galilê khi ngài làm cho bão táp yên lặng, hay trước máng cỏ với các mục đồng và chúng ta suy niệm về các chủ đề ấy. Cách suy niệm này đòi chúng ta dành một thời gian trong ngày để đi vào những kinh nghiệm nối kết chúng ta lại cách mật thiết với Thiên Chúa.

         CHÍNH VIỆC CHIÊM NIỆM

        Ở tầm mức này, việc chiêm niệm đạt tới độ cao nhất. Đây là gì đoạn của kinh nghiệm cá nhân về sự gặp gỡ Thiên Chúa và hiện diện trước tôn nhan ngài. Từ nội tâm, chúng ta cảm thấy đấng mời gọi chúng ta đối thoại với ngài đang cư ngụ trong chúng ta. Trong cách thức kinh nghiệm chiêm niệm này, suy luận bị gạt ra bên lề vì tất cả đều diễn ra ở chiều sâu, trong niềm tâm sự với Thiên Chúa. Chúng ta không cần nói, chúng ta cảm thấy thân cận với Chúa, chúng ta thích được ở trước mặt ngài. Nhận thức thần bí về Thiên Chúa đây khác với nhận thức người ta cảm nghiệm theo bình diện nhân bản. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Đó là nhận thức siêu nhiên về Thiên Chúa, về thế giới thần linh nơi chúng ta học cách nhận biết ngài”. Chúng ta hãy phân biệt hai thế giới này. Thế giới con người đòi hỏi một nhận thức có liên hệ với các sự vật khả giác, trong khi đó thế giới thần linh mời gọi ta thoát ra khỏi giác quan, từ bỏ tất cả và tin. Tất cả đều diễn ra trong niềm xác tín rằng chúng ta được yêu thương và nhận biết bới Thiên Chúa, đấng tỏ mình ra cho chúng ta.

        Việc chiêm niệm này làm cho ta thêm sẵn sàng đón nhận các hồng ân của Thánh Thần. Điều đó không có được nhờ gắng sức nhưng nhờ một ân huệ Thiên Chúa ban không cho ai hết lòng tin tưởng đến với ngài và chăm chú vào các thực tại thần linh. Đó là một thứ khôn ngoan làm cho ta nếm hưởng và cảm nghiệm  những sự thuộc về Thiên Chúa. Việc chiêm niệm này cũng giúp ta phó thác hoàn toàn cho Chúa. Bao giờ cũng chính ngài đi bước trước để gặp gỡ chúng ta. Ngài đến với ta qua nhiều từ bỏ và thanh tẩy tạo nên trong ta khoảng trống mà ngài có thể đặt để tình yêu của ngài vào.

        Ở tầm mức này, chúng ta sống các thực tại đức tin cách sinh động. Nói về lòng thương xót không chỉ là diễn đạt những ngôn từ nhưng còn là một trao đổi tình yêu giữa Thiên Chúa và chúng ta, một sự thông hiệp mật thiết. Sự trao đổi vả thông hiệp ấy thấu nhập vào cuộc sống hằng ngày của ta và ta trở nên thân quen với những sự thuộc về Chúa, như sự âu yếm, lòng xót thương và tha thứ. Thiên Chúa trở nên một ai đó đối với ta và biến đổi cuộc đời ta, khi ấy nhiều điều sẽ có được chiều kích thật của chúng.

         CHIÊM NIỆM, CHÍNH LÀ… 

        -Thông hiệp với các mầu nhiệm của Thiên Chúa và sống dưới cái nhìn của ngài.

        -Mở lòng mình ra để Thánh Thần tác động lên nó.

        -Nuôi dưỡng đời ta bằng Lời Chúa.  

        -Làm chứng cho tình yêu Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

        -Lắng nghe Chúa nói với lòng ta trong thinh lặng.

        -Bày tỏ lòng tri ân của ta đối với Thiên Chúa nhân từ.

        -Cầu nguyện thành khẩn trước nhan Chúa, đấng mời gọi ta phó thác nơi ngài.

        -Ca ngợi lòng nhân hậu, sự dịu dàng và niềm tín trung của Thiên Chúa, đấng không ngừng hoạt động.

        -Tôn thờ thánh ý của ngài, đấng dẫn chúng ta tới Sự Sống và Sự Thật.

        -Đụng chạm tới một phần hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành để cho ta.

        -Chăm chú lắng nghe những tiếng mời gọi của Đấng Dấu Yêu.

        -Hiến dâng lên thân phận nghèo nàn của ta, những kẻ đang mỏi mòn khát khao Thiên Chúa.

        -Đi trên đại dương bao la và huyền nhiệm của tình yêu ngài.

Trích từ Tạp chí SELON SA PAROLE (QUÉBEC)

tập 23, số 3, 15.3.1997.