SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH BIỂN ĐỨC

SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH BIỂN ĐỨC

     Pierre MIQUEL

        I. KHUNG CẢNH BIỂN ĐỨC

        Một thời đại như thời đại chúng ta

        Thánh Biển Đức sinh tại Norcia (cách Roma 100 cs về phía bắc) khoảng năm 480 và qua đời tại Mont-Cassin ở Campanie khoảng năm 547. Giữa hai niên biểu này, điều gì đã xẩy ra trên thế giới?

        Tây phương liên tục bị xâm chiếm bởi các đoàn quân đến từ phía Đông: năm 450 quân Huns của Attila, năm 455 quân Alamans chiếm đóng Alsace và Bavière, năm 463 quân Burgondes chiếm thung lũng sông Rhône. Từ 432 đến 494 quân Francs của Clovis tiến từ Tournai đến Poitiers. Năm 490 quân Lombards xâm nhập vùng Basse-Autriche và miền bắc nước Ý. 

        Khi ấy, hoặc từ phía những người “Romains” ở Constantinople, hoặc từ phía những người “Barbares” định cư ở phía tây, một số đáng kể luật lệ xuất hiện tại Tây Phương. Những người Barbares thấy có nhu cầu ban hành các bộ luật trong đó jus sanguinis và jus soli bổ túc cho nhau. Với người Barbares, đó là luật Gombette mà Gondebaud ra cho những người Burgondes năm 501, chính cuốn chỉ nam của Alaric xác định việc làm luật của người Wisigoths năm 506. Đó là bộ luật của người Francs khoảng năm 510. Nơi người Roma ở Constantinople, ngay từ năm 430, đó là bản cóp nhặt từ bộ luật của Théodore. Một thế kỷ sau, hoàng đế Jutinien công bố bộ luật Digeste và Institutes, và từ năm 534 tới 565 bộ luật Novelles.

        Thánh Biển Đức sống cùng thời với hai biến cố này: những cuộc xâm lăng của dân man di và việc thiết lập các bộ luật. Nếu thời đại chúng ta không còn (hay vẫn còn?) những cuộc xâm lăng của dân man di, thì vẫn có nhiều bộ luật được công bố, những luật ấy thường đánh dấu sự suy vong của các vương quốc; nhưng nhất là bối cảnh cuối thế kỷ V khá giống với bối cảnh cuối thế kỷ XX: bạo lực và chết chóc, thuế má nặng nề, lo âu về tương lai, tiếc nuối quá khứ mà người ta đã lý tưởng hóa.

        Một chương trình sống

        Tu Luật của thánh Biển Đức thành công nhờ discretio [sự dè dặt] (nghĩa là thế quân bình của cuộc sống do luật thiết định) và cũng nhờ ngắn gọn: không đi vào những chi tiết không cần thiết liên quan tới cuộc sống hằng ngày, thánh Biển Đức chỉ nêu lên những nét chính và nếu có những ấn định rõ ràng (phân phối cuốn thánh vịnh cho một tuần, lượng rượu mỗi ngày), ngài cẩn thận nhắc rằng viện phụ có thể định cách khác. Sự mềm dẻo và tự do này bảo đảm cho Tu Luật sống mãi được với thời gian.

        Khi mới đọc lần đầu, Tu Luật gây ngạc nhiên và làm thất vọng: người ta chờ đợi một cuốn sách về linh đạo mà lại gặp phải một bộ luật dành cho một nhóm người chung sống với nhau. Nhưng các qui định, dù là tản mạn nhất, của bộ luật này đều được cảm hứng từ một kinh nghiệm nhân bản và một phân định thiêng liêng khác thường. Giữa lời mở đầu và lời kết thúc (ch. 73) là bốn chương nêu những qui định thực hành: vâng phục (ch. 5), thinh lặng (ch. 6), khiêm nhường (ch. 7), lòng nhiệt thành tốt (ch. 72). Còn hơn là một chương trình chi tiết, Tu Luật tạo nên một tinh thần làm cho những thực tại ta thường coi là tương phản (quyền bính và tự do, cá nhân và cộng đoàn, cầu nguyện và làm việc) được quân bình và hài hòa với nhau. Nghệ thuật sống này không là của một câu lạc bộ những người độc thân đạo đức tìm kiếm cách ích kỷ một “cuộc sống có chất lượng”, trong khi lại xa lánh những phiền toái của đời sống hôn nhân, tiếng ồn ào của phố thị và những lo toan do công việc làm ăn, nhưng là của một cộng đoàn những con người được Thiên Chúa mời gọi chung sống với nhau để tìm kiếm, phục vụ và ca tụng ngài.

        Nghệ thuật sống này gồm có việc từ bỏ ý riêng (oboedientia: vâng phục) và sự quyết chí dứt khoát dấn thân (conversation morum: hoán đổi cách sống) vào một cộng đoàn và liên kết với cộng đoàn ấy mãi mãi (stabilitas: bền đỗ). Ba lời khấn này tạo nên loại hình phong cách cộng đoàn biển đức: con người bất tuân, ích kỷ, hay thay đổi sẽ không thể sống ở đó được. Ba lời khấn ấy đòi hỏi khắt khe, nhưng khi được sống đàng hoàng chúng sẽ bảo đảm cho mỗi người được tự do và cả cộng đoàn được an bình.

            Một mẫu mực cho công việc cập nhật

        Đan tu trào kitô đã có trước thánh Biển Đức. Qua những hình thức đan tu khác nhau, đôi khi quá đáng, thánh Biển Đức nhận ra được cái nào thích hợp cho tính tự nhiên của con người, và ngài giữ lại hình thức nào mà truyền thống cho là tốt nhất. Ngài có tài lựa chọn hơn là sáng tạo. Trước nhiều loại hình đan tu khác nhau, trong Tu Luật thánh Biển Đức đã soạn thảo một bản giáo khoa được cảm hứng sâu sắc từ Phúc Âm và ghi dấu ấn kinh nghiệm ngài đã có trước hết trong cuộc sống ẩn dật rồi sau đó trong đời làm viện phụ một đan viện.

        Không tin tưởng nơi hiệu năng của cuộc sống khổ hạnh quá khắt khe và sự hăng say quá mức về thần bí, thánh Biển Đức đề nghị một con đường trung dung, nhưng là một con đường chắc chắn. Truyền thống đan tu mà ngài cảm hứng theo đã chứng tỏ điều đó: khiêm tốn đi theo con đường này sẽ đạt tới sự thánh thiện. Đan sĩ quyết tâm sống cuộc đời của con người đã được thánh tẩy trong một môi trường ưu đãi, nơi ấy không có gì lôi cuốn họ khỏi mục đích họ đã nhằm đạt tới: còn được hạnh phúc hay không là hoàn toàn tùy thuộc ở họ.

        II. VIỆC PHỤC VỤ CỦA ĐỜI ĐAN TU

        Phản kháng thế gian

        Không tìm dậy dỗ ai hay muốn làm gương cho ai, nhưng bằng cuộc sống họ đã dấn thân vào, các đan sĩ là một lời phản kháng âm thầm đối với thế gian.

Trước một xã hội tiêu thụ, các đan sĩ cố gắng sống thanh đạm, không dư thừa cũng không hoang phí.

Trước cuộc chạy đua tìm lợi nhuận, họ cố gắng sống thanh thoát, họ không tìm đạt hiệu quả bằng mọi giá: thời gian họ dành để cầu nguyện chứng tỏ điều ấy.

Trước làn sóng đi tìm lạc thú, họ cố gắng sống cách vui vẻ khả năng tình cảm của mình trong bậc độc thân, với ý thức rằng người ta không thể cái gì cũng nhìn, cái gì cũng nghe nếu muốn giữ con tim tinh tuyền để nhìn và nghe Chúa.

Trước sự phản kháng quyền bính của lề luật và của người làm cha, họ nhớ lại rằng, theo thánh Biển Đức, đan sĩ là người sống “dưới một tu luật và một viện phụ”.

Trước một thế giới luôn giao động, luôn di chuyển, và đôi khi lạc hướng, họ khấn hứa vĩnh cư; mãi mãi là những kẻ di dân và lưu đầy, họ lại từ khước những cuộc giải trí nơi xa và tốn phí.

            Giáo Hội đặt vấn đề

        Công đồng Vatican II nhấn mạnh việc đối thoại, sự cởi mở với thế giới, cộng đồng huynh đệ. Đấy là những giá trị khi ấy đã tới lúc nên nhắc lại cho một Giáo Hội mà trong đó cá nhân chủ nghĩa, sự co cụm lại với mình và chủ trương quyền lực đang hoành hành. Nhưng nếu không phải là kết án thì ít ra lời nhắc nhở đó lại không là một cảnh giác trước một số giá trị đan tu truyền thống: thinh lặng, xa lánh thế gian và phụ tính thiêng liêng sao? Có lẽ có những cách giải thích thiên lệch đã làm ta tưởng như vậy.

        Tuy nhiên, đối thoại mà Giáo Hội khuyến khích vẫn muốn và thấy phải tôn trọng thinh lặng. Hơn nữa, chẳng cuộc đối thoại nào mang lại kết quả nếu trước đó đã không có thinh lặng lâu dài. Bao nhiêu lầm lẫn và hiểu lầm đã xẩy ra vì thiếu lắng nghe người khác. Ngay cả việc cầu nguyện, được định nghĩa quá đáng như một cuộc đối thoại, đúng hơn lại chẳng là thinh lặng lắng nghe và ý thức về một lời mời gọi đó sao?

        Cởi mở với thế gian do Công Đồng khởi xướng, không hề chối bỏ sự cần thiết, ở những mức độ khác nhau, phải vì Giáo Hội mà xa cách thế gian, dự kiến rằng một Giáo Hội địa phương sẽ chỉ trưởng thành nếu có một trung tâm chiêm niệm (Sắc lệnh Ad Gentes 18).

        Sau cùng việc nhấn mạnh tới cộng đoàn huynh đệ chỉ là sự chuyển vị tính tập đoàn của các Giám Mục sang nếp sống tu trì và được cảm hứng từ cùng một khuynh hướng muốn cho có sự cân bằng. Nhưng tính tập đoàn giám mục không gây thiệt cho quyền bính giáo hoàng cũng như cộng đoàn huynh đệ không gây thiệt cho phụ tính thiêng liêng. Nếu trong Giáo Hội và trong đan viện biển đức sự vâng phục có tình con cái là vì ở những nơi đó quyền bính có tình cha.

        Như vậy chẳng phải đối thoại, cởi mở với thế gian và cộng đoàn huynh đệ gây thắc mắc về đời sống đan tu, nhưng đúng hơn đó là những giá trị đan tu của thinh lặng, sự xa cách thế gian và phụ tính thiêng liêng mà Giáo Hội ngày nay có thể cảm hứng theo đúng lúc.

        Một mẫu mực cho người khác chăng?

        Theo tiểu sử thánh Biển Đức, do thánh Grêgôriô viết, các môn sinh tụ tập quanh ngài đề đuợc ngài dậy dỗ. Ngài đã viết Tu Luật cho họ. Ngài không nghĩ tới việc thành lập một “dòng” đan tu, càng không có ý đề nghị lấy Tu Luật của ngài làm khuôn mẫu cho xã hội đương thời.

        Tu Luật thánh Biển Đức có hữu dụng cho những người không phải là đan sĩ chăng? Trả lời câu hỏi này không phải là việc của các đan sĩ. Chính những người nêu lên câu hỏi đó phải coi xem họ có thể dựa theo Tu Luật ấy để “sống cách khác” không. “Sống cách khác” có nghĩa là không muốn làm đan sĩ, không tiếc nuối vì không phải đan sĩ, nhưng cố gắng áp dụng những nguyên tắc của Tu Luật vào cuộc sống cá nhân hay cộng đoàn của mình.

        Nhiều cộng đoàn xuất hiện từ vài thập niên qua có thể đã tránh được những thất vọng và thất bại nếu áp dụng Tu Luật của thánh Biển Đức. Nhưng các đan sĩ phải tránh tự hào mà cho rằng Tu Luật mình đang sống là sưu tập các phép lạ để cứu vãn một nền văn minh. “Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của ngài, những gì khác sẽ được ban thêm cho các con”.

        Đề nghị đón tiếp khách

        Đón tiếp khách là “tác vụ” duy nhất được Tu Luật thánh Biển Đức dự kiến. Việc phục vụ này được tố chức cẩn thận: có một đan sĩ chuyên trách; tiếp đón theo loại hình phụng vụ: đón tiếp khách chính là đón tiếp Chúa Kitô.

        Là nơi tạm cư cho khách hành hương, là nhà tĩnh tâm cho những người đạo đức, nhà khách đan viện từ bao năm nay đã trở thành trung tâm thu hút những “khách hàng” rất đa dạng. Khách đến với đan viện vì nhiều lý do, nhưng khuynh hướng chung là: tĩnh dưỡng, tìm thinh lặng, để hồi tâm. Theo Tu Luật thánh Biển Đức, đan viện đón tiếp khách trước hết là đón tiếp trong cầu nguyện. Không quá chú trọng tới việc đào tạo kỹ thuật đón tiếp cho bằng xác tín rằng đan viện là một “trường học phục vụ Chúa” nơi đó ngưòi ta học tin, hy vọng và yêu mến.

        Có những kitô hữu, linh mục hay giáo dân, năng đến các đan viện thường nói: “họ đến để sạc lại bình điện”, “họ đến để bơm thêm hơi”. Nói như vậy là hơi mơ hồ. Điều đó cho thấy một não trạng quá chú tâm tới bản thân: như thân xác tôi cần nghỉ ngơi, cần thư giãn, cần xả hơi, linh hồn tôi cũng thế. Khi ấy, thinh lặng, thanh vắng, hồi tâm được đánh giá như phương tiện đem lai lợi ích thiêng liêng hơn là để tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa hằng sống là nguồn mạch phát sinh lợi ích đó. Khi ấy Thiên Chúa được xử dụng như một sức mạnh, chứ không được tôn thờ chỉ vì ngài là Thiên Chúa. Mà tôn thờ là thái độ thiêng liêng căn bản. Dĩ nhiên chúng ta “cần Thiên Chúa” để hoạt động, nhưng trước hết chúng ta phải nhận biết ngài như nguyên lý của hữu thể mình. Dĩ nhiên chúng ta “cần Thiên Chúa” để sống, nhưng trước hết chúng ta phải nhận biết chính ngài là sự sống của ta. Dĩ nhiên chúng “cần Thiên Chúa” để yêu nhưng không thể không nhận biết chính ngài là tình yêu của ta.

        III. TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG

Sứ điệp của thánh Biển Đức trước hết không phải là một sứ điệp chính trị, xã hội hay kinh tế. Trong quá khứ hiện tượng đan tu thường được coi như một tác nhân ưu tú của nền văn minh, hoặc để chuyển giao gia sản của thời thượng cổ ngoại giáo cho các dân man di, hoặc để mang những phúc lợi của nền văn minh châu Âu tới cho những dân tộc xa xôi. Nhưng trước hết đan sĩ biển đức không phải là người sao chép các thủ bản hay người đi khai phá rừng. Vai trò văn minh hóa này là chuyện đương nhiên, nhưng nó là hậu quả chứ không phải tiền đề của việc Phúc Âm hóa.

Sứ điệp của thánh Biển Đức trước hết không phải là một sứ điệp trí thức. Tất nhiên đan sĩ biển đức làm việc, nhưng đó không nhất thiết là “công việc của đan sĩ biển đức”. Tuy nhiên, trong Giáo Hội hiện nay, đan viện biển đức – nếu không phải là một môi trường văn hoá cao – ít ra vẫn là trung tâm khiêm tốn về linh đạo kitô, về phụng vụ sống động, về tiếp xúc đại kết, về lịch sử địa phương, nhờ thư viện và việc đón tiếp kín đáo. 

Sứ điệp của thánh Biển Đức trước hết là một sứ điệp thiêng liêng, tuy đan sĩ không phải là một “chuyên gia cầu nguyện” (dù theo hình thức phụng vụ). Đan sĩ là con người cầu nguyện, nhưng không phải là một “thường trực viên cầu nguyện”, như đôi khi nghe nói, theo nghĩa đan sĩ cố gắng làm cho cả đời mình thành một kinh nguyện, nghĩa là một sự hiện diện hiến dâng trước nhan Thiên Chúa.

        Nếu đời đan tu là một đời “chiêm niệm”, đan sĩ vẫn hơi ái ngại mà tự hào vì danh hiệu đó: theo kinh nghiệm họ biết rằng trong lãnh vực này người ta có nguy cơ tự hài lòng với những lời nói suông, và họ cũng biết rằng đời chiêm niệm là một hồng ân của Chúa và là bí mật của Đức Vua. Đời đan tu tất nhiên là một đời chiêm niệm, nhưng chẳng có xuất thần hay ngất trí. Nếu đan sĩ bị “ngất”, thì đó cũng như là con lừa trong máng cỏ miền ở quê trước mầu nhiệm Giáng Sinh; nếu đan sĩ sửng sốt, thì đó là sửng sốt trước những điều kỳ diệu Thiên Chúa làm trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử của riêng mình.

        Ở vào một thời đại như thời đại chúng ta, khi thuyết vô thần già cỗi suy tàn, vì bị giam hãm trong các thành kiến, và khi những thế hệ mới đi tìm kiếm điều gì đó trổi vượt hơn mình và giải thoát mình để mang lại cho đời mình một ý nghĩa, sứ điệp của thánh Biển Đức có tính thời sự sâu sắc: nó nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa…

Collectanea Cisterciensia

T 42, 1980, 4.