LECTIO DIVINA NHƯ TRƯỜNG DẬY CẦU NGUYỆN NƠI CÁC LINH PHỤ SA MẠC

LECTIO DIVINA
NHƯ TRƯỜNG DẬY CẦU NGUYỆN
NƠI CÁC LINH PHỤ SA MẠC

Armand Veilleux ocso.

Thánh Kinh, trường dậy sống
Ơn gọi của thánh Antôn, theo như thánh Athanasiô tường thuật trong tác phẩm Cuộc đời thánh Antôn, đã được nhiều người biết tới. Khi ấy Antôn là một thanh niên trẻ tuổi, được giáo dục trong một gia đình kitô giáo thuộc Giáo Hội ở Alexandria, và được nghe Thánh Kinh từ thiếu thời. Một ngày nọ, anh đi nhà thờ và rất xúc động vì bài Sách Thánh đọc trong lễ hôm ấy. Đó là trình thuật về ơn gọi của người thanh niên giầu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy về bán hết của cải, đem tiền phân phát cho người nghèo, rồi đến theo tôi; anh sẽ có được kho tàng ở trên trời” (Mt 19, 21) .
Chắc hẳn Antôn đã nghe đoạn Kinh Thánh này nhiều lần rồi, nhưng hôm ấy anh được đánh động cách đặc biệt, và coi đó như lời Chúa mời gọi riêng mình. Thế là anh thực hiện ngay. Anh bán hết của cải cha mẹ để lại, đem tiền phân phát cho người nghèo, chỉ giữ lại vừa đủ để lo cho người em gái mà anh có trách nhiệm chăm sóc.
Ít lâu sau, khi đi lễ anh được nghe một lời Phúc Âm khác cũng đánh động anh như lần trước: “Đừng lo lắng cho ngày mai” (Mt 6,34) . Anh cũng coi lời này như nói riêng với mình. Thế là anh gửi gắm người em gái cho một cộng đoàn các trinh nữ (những cộng đoàn như thế đã có từ rất lâu), rồi bỏ hết mọi sự để sống khổ hạnh tại một nơi gần làng anh đã ở, theo sự hướng dẫn của các nhà khổ hạnh trong vùng.
Trình thuật trên đây cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của Thánh Kinh nơi các linh phụ sa mạc. Trước hết Thánh Kinh là trường dậy sống. Và vì là trường dậy sống, Thánh Kinh cũng là trường dậy cầu nguyện cho những người ước ao làm cho cuộc sống của mình thành lời cầu nguyện liên lỉ như Kinh Thánh đòi buộc.
Các linh phụ sa mạc muốn trung thành sống theo tất cả các chỉ thị của Thánh Kinh. Và trong Thánh Kinh chỉ thị duy nhất các ngài thấy về việc năng cầu nguyện lại không bảo phải cầu nguyện vào giờ này giờ nọ ban, ngày hoặc ban đêm, nhưng phải cầu nguyện không ngừng.
Thánh Athanasiô viết về thánh Antôn như sau: “Ngài tự tay làm việc, vì ngài đã nghe dậy: Ai không làm việc thì đừng ăn (2 Tx 3,10). Ngài dùng một phần thu nhập để mua bánh ăn, phần còn lại ngài phân phát cho người nghèo. Ngài liên lỉ cầu nguyện, vì đã học biết phải cầu nguyện không ngừng. Ngài hết sức chăm chú vào việc đọc sách tới độ không gì có thể làm cho ngài ngưng đọc Thánh Kinh và trí nhớ của ngài đã thay thế cho sách” .
Ta cần lưu ý ngay trong những lời thánh Athanasiô nói trên đây là việc cầu nguyện liên lỉ được đi kèm với những sinh hoạt khác, đặc biệt là lao động chân tay. Tôi trích dẫn những lời trên đây theo bản dịch của Benoît Lavaud, nhưng cách dịch “Ngài hết sức chăm chú vào việc đọc sách tới độ không gì có thể làm cho ngài ngưng đọc Thánh Kinh” thật là tối nghĩa. Ta có thể dễ dàng hiểu như là “ngài hết sức chăm chú đọc sách…”, trong khi nguyên nghĩa bản Hy lạp là “ngài nghe đọc sách với tất cả sự chăm chú”, như Evagre hiểu trong bản dịch la tinh của ông: “auditioni Scripturarum ita stadium commodabat…” (ngài nghe Sách Thánh cách rất cẩn thận).
Đương nhiên ta không thể nói tới Sách Thánh như trường dậy cầu nguyện nơi các linh phụ sa mạc, mà không qui chiếu về hai bài thuyết trình tuyệt diệu nói về cầu nguyện, đó là bài thứ chin và thứ mười, cả hai bài được gán cho viện phụ Isaac.

“Lecto divina” là gì?
Trước khi đi xa hơn, tôi muốn xác định ngay rằng khi nói về lectio divina nơi các linh phụ sa mạc trong bài này, tôi không hiểu thành ngữ lectio divina theo nghĩa chuyên môn như người ta hiểu trong ngôn ngữ thiêng liêng và đan tu những thập niên vừa qua.
Từ latinh lectio trước hết có nghĩa là việc giảng dậy, là bài học. Sau đấy và từ đấy, lectio cũng chỉ về một bản văn hay toàn bộ những bản văn là nội dung của việc giảng dậy đó. Như vậy, ta nói về những bài đọc Thánh Kinh được đọc trong phụng vụ. Sau cùng, theo một nghĩa rộng hơn nữa, lectio muốn nói về việc đọc sách.
Nghĩa sau cùng này là nghĩa người ta thường hiểu ngày nay. Quả thực, hiện nay người ta nói tới lectio divina như nói tới một việc đã được ấn định phải giữ; và người ta bảo chúng ta rằng đó là một hình thức đọc sách khác với mọi hình thức khác, nhất là không được lẫn lộn lectio divina thực thụ với những hình thức “đọc sách thiêng liêng” khác. Đó là một cách nhìn hoàn toàn tân thời, một quan niệm xa lạ với các linh phụ sa mạc.
Nếu tham khảo toàn bộ các tác phẩm latinh nguyên thủy, ta sẽ thấy rằng mỗi khi gặp thành ngữ lectio divina nơi các nhà văn latinh trước thời Trung cổ, thành ngữ này chỉ về chính Thánh Kinh, chứ không phải về một sinh hoạt của con người đối với Thánh Kinh. Lectio divina đồng nghĩa với sacra pagina (sách thánh), như khi nói “lectio divina dậy ta điều này điều kia”, hay “ta phải chăm chú đọc lectio divina”, hoặc “trong lectio divina Thầy Chí Thánh nhắc nhở ta yêu sách này yêu sách nọ” v.v.
Đó là ý nghĩa duy nhất của thành ngữ lectio divina ở thời các linh phụ sa mạc. Đó cũng là nghĩa tôi sẽ dùng trong bài này, chỉ trừ khi nào tôi ám chỉ về cách hiểu của thời nay. Tôi sẽ không nói về một khoản luật đặc biệt phải giữ mà đối tượng là Thánh Kinh, nhưng nói về chính Thánh Kinh như Trường dậy sống và Trường dậy cầu nguyện của các đan sĩ tiên khởi.

Việc đọc?
Nói về “việc đọc” Thánh Kinh nơi các linh phụ sa mạc sẽ đưa tới lầm lẫn. Việc đọc sách như ta hiểu ngày nay phải nói là hiếm thấy ở thời các ngài. Chẳng hạn các đan sĩ pacôm, đa số là những người đến từ dân ngoại, ngay khi tới đan viện họ phải tập đọc, nếu chưa biết đọc, để có thể học hỏi Thánh Kinh. Tu luật có chỗ nói rằng trong đan viện không được có ai không thuộc lòng ít là Tân Ước và các Thánh vịnh. Và khi đã được thuộc lòng rồi, các bản văn này sẽ trở thành đối tượng để nghiền ngẫm liên tục suốt ngày và phần lớn thời gian ban đêm, nơi riêng tư cũng như trong cộng đoàn. Việc nghiền ngẫm Thánh Kinh nói đây không phải là một lời cầu ngoài miệng, nhưng là sự tiếp xúc liên lỉ với Thiên Chúa qua Lời của ngài. Đó là sự chú tâm không hề gián đoạn và trở thành việc cầu nguyện liên lỉ.
Một trình thuật trong các “cách ngôn” diễn tả sự quan trọn tương đối của việc đọc sách so với sự quan trọng tuyệt đối của nội dung Thánh Kinh:
“Vào lúc trời gía rét, viện phụ Serapion gặp thấy ở Alexandria một người nghèo trần trụi. Ngài tự nhủ: ‘Đó là Chúa Kitô, và tôi sẽ mang tội sát nhân nếu người ấy chết trước khi tôi tìm cách giúp đỡ họ’. Ngài liền cởi áo của mình ra để cho người nghèo ấy, rồi ở trần mà đi ngoài đường với một vật duy nhất còn lại là cuốn Phúc Âm trên tay… Một người đi qua nhận ra ngài và hỏi: ‘Thưa viện phụ, ai lấy mất áo của cha rồi?’ Viện phụ Serapion chỉ vào cuốn Phúc Âm mà nói: ‘Đây là người đã lấy hết áo của tôi’. Ngài đi tiếp đến một nơi khác và thấy một người đang bị dẫn vào tù vì không có tiền trả nợ. Động lòng thương, ngài cho anh ta cuốn Phúc Âm để anh ta bán đi mà trả nợ. Khi ngài run cầm cập mà về tới tu phòng, người môn đệ của ngài hỏi áo ngài đâu, ngài trả lời là đã trao cho người cần đến nó hơn thân xác ngài. Môn đệ lại hỏi; ‘Phúc Âm của cha đâu?’ Viện phụ Serapion đáp: ‘Cha đã bán đi đấng không ngừng bảo cha: Hãy bán của cải của con đi mà lấy tiền cho người nghèo. Cha đã cho người nghèo để được vững tin hơn trong ngày phán xét” .
Như chúng ta đã thấy ở đầu bài, là kitô hữu từ lúc mới sinh, thánh Antôn bắt đầu sống khổ hạnh nhờ lectio divina được công bố nơi cộng đoàn Giáo Hội địa phương trong buổi cử hành phụng vụ.
Còn thánh Pacôm, đến từ một gia đình ngoại giáo thuộc miền Thượng Ai Cập, cũng hoán cải nhờ Thánh Kinh, nhưng là Thánh Kinh được giải thích và nhập thể trong một cộng đoàn kitô cụ thể đang sống bằng Phúc Âm, đó là cộng đoàn Latopolis. Như chúng ta đã biết, tiểu sử của ngài kể rằng thanh niên Pacôm được đang ký vào quân đội Rôma và được đưa xuống tầu để cùng với các đồng bạn mới nhập ngũ đi tới Alexandria. Một buổi chiều, con tầu cập bến Latopolis và các tân binh bị tống giam. Các kitô hữu nơi đó mang đồ ăn thức uống đến cho họ. Đó là lần đầu tiên Pacôm tiếp xúc với Kitô giáo.
Với thánh Antôn, đại diện thời danh cho phong trào ẩn tu, cũng như với thánh Pacôm, đại diện cho phong trào cộng tu, Thánh Kinh trước hết là Luật sống. Đó là Luật đích thực duy nhất của đan sĩ. Thánh Antôn cũng như thánh Pacôm đã không viết Luật theo nghĩa được hiểu trong truyền thống đan tu sau các ngài, dù rằng một số những qui định thực tiễn của thánh Pacôm và các vị kế nhiệm đã được tập hợp lại dưới cái tên “Luật thánh Pacôm”.

Thánh Kinh như “Luật” duy nhất của đan sĩ
Với một nhóm anh em muốn xin thánh Antôn cho một “lời”, ngài nói: “Anh em đã nghe Thánh Kinh. Thánh Kinh rất thích hợp cho anh em”.
Một người khác hỏi thánh nhân: “Con phải làm gì để được đẹp lòng Chúa?” Ngài đáp: “Hãy thực hiện như cha nói đây: dù đi bất cứ nơi đâu, con cũng phải luôn có Chúa trước mặt; dù làm bất cứ việc gì, con cũng phải làm theo chứng từ của Kinh Thánh” .
Chúng ta hãy lưu ý tới ba điều trong “cách ngôn” ngắn trên đây. Trước hết, người đan sĩ tham vấn thánh Antôn không tìm kiếm một lời chỉ dậy theo lý thuyết hay trìu tượng. Giống như câu hỏi của người thanh niên trong Phúc Âm, lời yêu cầu của đan sĩ ấy rất cụ thể. “Tôi phải làm gì?” – “Con phải làm gì để được đẹp lòng Chúa?” (Đó là thái độ ta thường gặp trong các “cách ngôn”). Sau đó, câu trả lời của thánh Antôn gồm hai ý: -Ta sẽ được đẹp lòng Chúa, nếu ta luôn có Chúa trước mặt, nghĩa là thường xuyên sống trước sự hiện diện của Chúa; đây là quan niệm của các linh phụ sa mạc về việc cầu nguyện liên lỉ. -Và điều ấy chỉ có thể thực hiện được nếu ta làm theo hướng dẫn của Thánh Kinh.
Một hôm, thầy Theodore, môn đệ ưu ái của thánh Pacôm, với tất cả nhiệt tình của một tân tòng đã hỏi ngài phải ăn chay mấy ngày trong Tuần Thánh. (Luật Giáo Hội và thói quen thời đó là ăn chay thứ sáu và thứ bảy trước lễ Phục sinh. Nhưng một số người nhịn cả ba hay bốn ngày không ăn gì). Thánh nhân truyền cho thầy giữ theo Luật của Giáo Hội là ăn chay hoàn toàn trong hai ngày cuối để, như ngài nói, có sức thi hành những điều Kinh Thánh dậy: cầu nguyện liên lỉ, thức khuya dậy sớm, đọc luật Chúa và làm việc chân tay.
Điều quan trọng trước hết đối với các linh phụ sa mạc không phải là đọc Kinh Thánh nhưng là sống Kinh Thánh. Dĩ nhiên để sống thì phải biết. Và cũng như mọi kitô hữu, việc trước tiên phải làm đối với đan sĩ là học biết Kinh Thánh khi nghe công bố trong buổi cử hành phụng vụ. Đan sĩ cũng học thuộc lòng những phần quan trọng của Kinh Thánh để có thể nghiền ngẫm suốt ngày. Sau cùng, một số đan sĩ tìm những thủ bản Kinh Thánh để đọc riêng. Việc đọc riêng không hẳn là quan trọng nhất, nhưng chỉ là một trong nhiều hình thức miệt mài tìm hiểu lời Chúa.

Khoa chú giải của các linh phụ sa mạc
Vài câu chuyện tôi vừa nhắc tới ở trên cho chúng ta thoáng thấy những đường nét chủ lực của điều ta có thể gọi là khoa chú giải của các linh phụ sa mạc – một khoa chú giải không dựa theo những nguyên tắc trừu tượng. Các bậc thầy về khoa chú giải hiện đại đều coi việc giải thích Thánh Kinh như một cuộc đối thoại giữa bản văn và độc giả hay thính giả, và đối với họ, việc giải thích ấy thường phải dẫn tới biến đổi hay cải hoán. Đó là cách chú giải mà các linh phụ sa mạc đã thực hiện.
Trong sa mạc Thánh Kinh không ngừng được giải thích. Cách giải thích này không thể hiện theo hình thức diễn nghĩa hay giảng huấn, nhưng thể hiện qua hành động và cử chỉ, trong cuộc sống thánh thiện được biến đổi nhờ cuộc đối thoại liên lỉ giữa đan sĩ và Thánh Kinh. Ý nghĩa các bản văn Kinh Thánh càng ngày càng sáng tỏ không những cho các đan sĩ đọc hoặc nghe, mà còn cho những ai gặp họ là những người đã thể hiện các bản văn ấy trong cuộc sống của mình. Người của Chúa sau khi hấp thụ Lời Chúa đã trở nên một “bản văn” mới và một đối tượng mới để giải thích. Chính trong bối cảnh này mà ta hiểu được rằng nơi sa mạc lời của vị Cao niên được coi như có quyền lực như lời Kinh Thánh vậy.
Trên đây tôi đã nói tới “cách ngôn” của thánh Antôn khi ngài bảo các đan sĩ: “Anh em đã nghe Kinh Thánh. Kinh Thánh rất thích hợp cho anh em rồi”. Nhưng họ không hài lòng và xin ngài: “Thưa cha, chúng con muốn được nghe lời cha chỉ dậy”. Bấy giờ ngài bảo họ: “Phúc Âm nói: nếu ai tát con má bên phải, con hãy giơ má trái nữa”. Họ thưa: “Chúng con không làm vậy được”. Ngài nói tiếp: “Nếu không giơ má khác được ít là anh em hãy bằng lòng chịu tát một má”. Họ lại thưa: “Chúng con cũng chẳng chịu nổi”. Bấy giờ thánh Antôn mới bảo môn đệ của ngài: “Con nấu cháo cho họ ăn đi. Vì mấy anh em này bệnh rồi”. Sau đó ngài nói với họ: “Nếu anh em không thể làm điều này, cũng chẳng muốn làm điều kia, thì tôi còn biết sao được. Chỉ còn cách cầu nguyện cho anh em thôi”.

Những người con của Giáo Hội bên Ai Cập và Alexandria
Quan niệm Kinh Thánh như Luật sống không chỉ là quan niệm riêng của đan sĩ. Đừng quên rằng các linh phụ sa mạc mà chúng ta biết được qua các Cách ngôn, qua các văn bản của thánh Pacôm, của Pallade và Cassien v.v. trước hết là những đan sĩ Ai Cập ở cuối thể kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư. Các đan sĩ này là con cái của Giáo Hội. Các ngài thuộc về một Giáo Hội cụ thể, Giáo Hội Ai Cập, được đào tạo trong truyền thống thiêng liêng Alexandria.
Huyền thoại cho rằng phần đông các đan sĩ tiên khởi, trong đó có thánh Antôn, là những người mới biết đọc và dốt nát không thể đứng vững được. Nhiều nghiên cứu mới đây, đặc biệt là của Samuel Rubenson về các Lá thư của thánh Antôn, cho thấy thánh Antôn và các đan sĩ tiên khởi trong sa mạc Ai Cập đã hấp thụ giáo huấn thiêng liêng của Giáo Hội Alexandria, ghi đậm tư tưởng của các bậc thầy có thế giá trong Trường phái Alexandria, và đặc biệt đậm nét thần bí của vị thầy nổi tiếng nhất là Origène.
Giáo Hội Alexandria sinh ra ngay từ thế hệ kitô đầu tiên, giữa một cộng đoàn di dân Do Thái rất học thức, theo Pilne, gồm chừng một triệu thành viên. Điều đó giải thích lý do tại sao ngay từ khởi thủy Giáo Hội Alexandria và Ai Cập đã mang một đường hướng do thái-kitô rất rõ. Điều đó cũng đồng thời cho thấy lý do việc Giáo Hội ấy cởi mở đón nhận truyền thống thánh kinh và thần bí nổi bật nơi các Giáo Hội do thái-kitô của những thế hệ kitô tiên khởi.
Trường phái sa mạc, về nhiều quan điểm, là sự lặp lại trong nơi cô tịch Trường phái Alexandria nơi mà Origène đã sống, cùng với các môn đệ của ông, cuộc sống đan tu trước khi ông viết bức thư hoàn toàn tập chú vào Lời Chúa. Theo như thánh Giêrônimô thuật lại, đó là cuộc sống diễn ra giữa sự thay đổi liên tục từ cầu nguyện tới đọc sách và từ đọc sách tới cầu nguyện, ban đêm cũng như ban ngày .
Vả lại điều đó không chỉ riêng ở Ai Cập. Gần như vào cùng thời kỳ, Cyprien de Carthage nói lên như một qui luật mà sau đó hầu như tất cả các Giáo phụ latinh đều trưng dẫn: “Hoặc là bạn hãy chuyên cần cầu nguyện, hoặc là hãy đọc; có lúc bạn hãy nói với Chúa, có lúc hãy nghe Chúa nói với bạn” .
Nếu không phải mọi đan sĩ Ai Cập đều là những Évagre, và nếu rất ít người trong họ đã đọc chính bản văn gốc của Origène, họ cũng vẫn được đào tạo theo linh đạo kitô nhờ giáo huấn của những mục tử chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi đường hướng mà Origène đã cống hiến cho Giáo Hội Alexandria qua Trường phái ông điều khiển trong nhiều năm.
Điều đó giải thích lý do hiện hữu của linh đạo thánh kinh vững chắc của đan tu trào nguyên thủy. Ta có thể chất vấn ngay là trong các “Cách ngôn” ít thấy những trích dẫn thánh kinh, trong khi lại thường thấy hơn nơi các bản văn của thánh Pacôm. Câu trả lời là Thánh Kinh đã nhào nặn nên cách sống của các vị ẩn sĩ này tới độ những trích dẫn như thế chẳng cần thiết nữa. Người đan sĩ mang thần khí là người, khi sống bằng Thánh Kinh, được tràn đầy cùng một Thần Khí đã linh ứng Thánh Kinh.
Truyền thống về điều hiện nay gọi là lectio divina, tức là mối bận tâm để mình được chất vấn và biến đổi bởi ngọn lửa Lời Chúa, sẽ không hiểu được nếu không liên kết nó với truyền thống tu đức kitô giáo của ba thế kỷ đầu và ngay cả với cội rễ của nó trong truyền thống Israel.
Nhờ giáo lý đã học trong Giáo Hội địa phương, đan sĩ biết mình được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng hình ảnh này đã biến dạng vì tội lỗi và cần được tái tạo. Muốn được thế, họ phải để mình được biến đổi và nên đồng dạng với hình ảnh Chúa Kitô. Nhờ tác động của Thánh Thần và nhờ sống theo Phúc Âm, việc giống như Thiên Chúa nơi họ dần dần được phục hồi và họ có thể nhận biết Chúa.
Mục đích của cuộc đời đan sĩ, như Cassien nói, là cầu nguyện không ngừng. Việc cầu nguyện này được ông diễn tả như thái độ kiên trì chú tâm vào sự hiện diện của Chúa, nhờ có trái tim tinh tuyền. Ta đạt được thái độ ấy không phải vì tuân giữ điều nọ điều kia, ngay cả đọc và suy niệm Kinh Thánh, nhưng nhờ việc để cho Kinh Thánh biến đổi mình.
Tiếp xúc với Lời Chúa – qua bài đọc trong phụng vụ, qua giao huấn của cha thiêng liêng, hay khi đọc Kinh Thánh riêng tư hoặc khi nghiền ngẫm một câu hay vài lời đã thuộc lòng – là khởi điểm cuộc đối thoại với Chúa. Cuộc đối thoại này hình thành và tiếp tục tùy theo mức độ tinh tuyền của con tim và của ý hướng mà đan sĩ đã đạt được, cũng như tùy theo mức độ họ thực hiện các phương thế để có và duy trì sự tinh tuyền ấy. Cuộc đối thoại này, trong đó Lời không ngừng thôi thúc đan sĩ hoán cải, sẽ duy trì sự liên tục hướng tâm hồn lên Chúa. Đó là cuộc đối thoại được các linh phụ coi như một lời cầu nguyện liên lỉ, và chính là mục đích của cuộc sống các ngài.
Với các đan sĩ nơi sa mạc, việc đọc lời Chúa không chỉ đơn giản là một thực tập đạo đức của lectio (đọc) để chuẩn bị tinh thần và trái tim đi dần đến meditatio (suy niệm) rồi oratio (cầu nguyện), với hy vọng có thể đạt tới ngay cả contemplatio (chiêm niệm) nữa (…nếu có thể, trước khi kết thúc nửa giờ hay một giờ lectio). Các đan sĩ sa mạc quan niệm rằng tiếp xúc với Lời là tiếp xúc với thứ lửa thiêu đốt, gây phiền hà, quyết liệt mời gọi hoán cải. Đối với họ, tiếp xúc với Thánh Kinh không phải là một phương pháp cầu nguyện, nhưng là một cuộc gặp gỡ nhiệm mầu. Cuộc gặp gỡ này thường làm họ khiếp sợ, khi họ ý thức những đòi hỏi của nó.

Chú giải Kinh Thánh
Mỗi lần đọc Thánh Kinh ta đều nhận được một ý nghĩa mới. Về việc này, khoa chú giải hiện đại cũng gặp được những trực giác của các linh phụ sa mạc. Ta gặp lại tư tưởng của các ngài trong những lời thánh Augustinô quả quyết: “Hôm qua bạn đã hiểu một ít, hôm nay bạn hiểu hơn, ngày mai bạn sẽ còn hiểu thêm nữa. Ánh sáng của Chúa mỗi lúc mỗi trở nên mạnh hơn nơi bạn” .
Đối với các đan sĩ sa mạc, lời Kinh Thánh (cũng như lời các vị Cao niên) vượt trên chiều kích hạn hẹp của “biến cố” mà chúng diễn tả và nơi ấy họ hiểu được ý nghĩa của chúng. Những lời đó chiếu tỏa ra cả một “vũ trụ ý nghĩa” mà họ muốn thử đi vào. Tiếng mời gọi bán hết của cải, đem tiền cho người nghèo rồi đi theo Chúa Kitô (Mt 19,21), lời khuyên đừng kéo dài cơn giận sau khi mặt trời đã khuất bóng (Ep. 4,25), giới luật yêu thương; tất cả những lời Kinh Thánh này đã đào tạo cuộc đời các linh phụ sa mạc cách đặc biệt và chiếu tỏa ra một “vũ trụ ý nghĩa” mà các ngài đã cố gắng đi vào, cố gắng làm cho trở thành vũ trụ riêng của mình. Sự thánh thiện nơi sa mạc hệ tại việc làm cho “vũ trụ ý nghĩa” tuôn trào từ các bản văn Thánh Kinh có được một hình thức cụ thể, khi giải thích và áp dụng vào cuộc sống của riêng mình.
Viện phụ Nesteros (trong bài Thuyết trình 14 của Cassianô) nói rằng chúng ta phải hăng say học thuộc lòng cho hết cả bộ Thánh Kinh và ôn đi ôn lại không ngừng trong tâm trí. Ngài bảo việc ôn đi ôn lại hay suy niệm liên tục đó sẽ đưa tới hai kết quả. Trước hết, nó giữ gìn ta khỏi những tư tưởng xấu. Thứ hai, nó giúp ta càng ngày càng am hiểu Thánh Kinh hơn. Và viện phụ Nesteros đã nói một câu rất hay: “Tinh thần chúng ta càng thay đổi, nhờ việc học thuộc lòng Kinh Thánh, thì Kinh Thánh cũng càng mang nhiều bộ mặt mới”. Chúng ta càng tiến tới, càng am hiểu cách sâu nhiệm hơn và càng thấy vẻ đẹp của Kinh Thánh hơn.
Theo phương pháp hiện đại của lectio divina, ta phải đọc chậm và ngừng lại ở một câu bao lâu nó còn nuôi dưỡng trái tim hoặc tinh thần ta, và đọc tiếp câu khác khi thấy đã hết sốt sắng chú tâm vào câu ấy. Còn các đan sĩ nguyên thủy thì lại nghiền ngẫm mãi một câu chừng nào họ chưa áp dụng được vào cuộc sống cụ thể.
Có người anh em đến tìm viện phụ Pambo để xin ngài dậy cho một thánh vịnh. Ngài dậy anh ấy thánh vịnh 38. Nhưng ngài vừa đọc xong câu thứ nhất “Tôi phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm”, thì người anh em ấy không muốn nghe thêm nữa. Anh nói với viện phụ Pambo: “Một câu đó là đủ rồi. Xin Chúa cho con có sức học hiểu và thực hiện được”. Mười chín năm sau anh ta vẫn còn cố gắng thực hiện câu đó… ..
Cũng vậy, có anh em xin viện phụ Abraham, một kinh sư nổi tiếng và một con người cầu nguyện, viết cho anh thánh vịnh 33. Ngài chỉ viết câu 15 “Hãy tránh dữ, làm lành; tìm kiếm và theo đuổi bình an”, và bảo người anh em ấy: “Thực hiện đi đã, rồi cha sẽ viết thêm…” .
Đối với các linh phụ sa mạc, Kinh Thánh không phải là để học biết bằng trí khôn hay bằng con tim, như ngày nay người ta thường nói. Với các ngài, người ta học biết Kinh Thánh bằng cách đồng hóa Kinh Thánh tới độ diễn tả ra được trong cuộc sống. Mọi cách học biết không đưa tới điều đó đều là vô ích cả.

Am hiểu Kinh Thánh
Nhưng như thế không có nghĩa là không cần tìm hiểu Kinh Thánh bằng trí khôn. Các đan sĩ vẫn quan tâm học hiểu ý nghĩa bản văn Kinh Thánh trước khi đem ra thực hành. Chẳng hạn trong các đan viện thánh Pacôm, mỗi tuần có ba lần học giáo lý, khi ấy bề trên đan viện giải thích Thánh Kinh cho cộng đoàn, rồi anh em trao đổi với nhau về những gì đã lĩnh hội được để chắc rằng mọi người đều đã hiểu.
Giải thích một bản văn khó đòi trí khôn phải cố gắng, nhưng cố gắng cũng vô ích nếu thiếu ánh sáng siêu nhiên mà ta cần phải cầu xin cho có được. Như vậy cầu nguyện phải đi trước cũng như có thể là kết quả của lectio. Có hai đan sĩ hỏi viện phụ Antôn ý nghĩa của một đoạn văn khó hiểu trong sách Lêvi, ngài bảo họ đợi, rồi đi cầu nguyện xin Chúa cho ông Môsê tới chỉ cho ngài ý nghĩa của đoạn văn ấy . Trước đó Origên cũng đã làm như vậy. Ông xin các mộn đệ của mình cùng cầu nguyện với ông để được ơn hiểu biết một đoạn Kinh Thánh đặc biệt khó hiểu, ngõ hầu gặp được “sự xây dựng thiêng liêng” hàm chứa trong đoạn văn đó . Chúng ta hãy lưu ý tới kiểu nói «hàm chứa trong bản văn». Ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh không phải là cái gì được thêm vào cách giả tạo, nhưng là điều hàm chứa trong bản văn và ta phải khám phá ra.
Cũng thế, một đan sĩ nổi tiếng là Isaac de Ninive đã viết : «Chớ đọc những lời đầy mầu nhiệm trong Thánh Kinh mà lại không cầu xin Chúa : ‘Lạy Chúa, xin cho con hiểu được sức mạnh tiềm ẩn trong đó’» . Điều ta tìm trong bản văn không phải là một ý nghĩa trìu tượng, phi thời gian, nhưng là một sức mạnh có thể biến đổi người đọc.
Những lý thuyết hiện đại về lectio divina thường nhấn mạnh rằng lectio hoàn toàn khác với học hỏi. Chắc hẳn các linh phụ sa mạc đã không hiểu được sự tách biệt và phân chia thành những ngăn khác nhau như vậy. Việc các ngài tiếp cận Thánh Kinh mang tính đồng nhất. Tất cả nỗ lực học và hiểu Thánh Kinh rồi áp dụng vào thực tế là một nỗ lực duy nhất để đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa và để được ngài biến đổi qua cuộc đối thoại ấy, một cuộc đối thoại đã trở thành lời cầu nguyện liên lỉ. Có lẽ các ngài, cũng như Origên, một chuyên gia nổi tiếng về Thánh Kinh, và nhất là thánh Giêrônimô, người đã cho rằng không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô, đều không hiểu được làm sao việc học hỏi Thánh Kinh lại không phải là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.
Với thánh Giêrônimô, cầu nguyện không khởi đầu từ trái tim, nhưng từ trí khôn (sau đó mới chuyển qua trái tim). Trước hết phải biết Chúa đã rồi mới yêu mến ngài được. Người nào biết thật sự thì nhất thiết là sẽ yêu. Vì thế điều quan trọng là học hỏi đến nơi đến chốn và am hiểu Thánh Kinh bằng trí khôn.
Bà Marcella đã chăm chú học hỏi Thánh Kinh cặn kẽ hơn tất cả những môn đệ khác của thánh Giêrônimô, nên thánh nhân đã nói về bà như sau : «Bà ấy hiểu rằng suy niệm không phải là lặp đi lặp lại các bản văn Thánh Kinh… vì bà ấy biết mình chỉ am hiểu Thánh Kinh sau khi đã thực hiện các giới răn trong cuộc sống» .
Như một phát ngôn viên của linh đạo sa mạc Ai Cập, nơi ông đã sống nhiều năm, trong bài Thuyết trình 14, Cassianô phân biệt hai hình thức thông hiểu : thông hiểu thực hành và thông hiểu lý thuyết. Thông hiểu lý thuyết là chiêm niệm những sự siêu nhiên và hiểu biết những ý nghĩa thánh thiêng nhất. Ông cũng gọi thông hiểu lý thuyết, hay chiêm niệm những sự siêu nhiên, là « sự thông hiểu đích thực về Thánh Kinh » mà ông chia làm hai phần, đó là giải thích lịch sử và tri thức thiêng liêng. Cả hai đều thuộc về chiêm niệm.
Ông nói : «Nếu bạn muốn đạt tới sự thông hiểu đích thực về Thánh Kinh, trước hết hãy có lòng khiêm tốn không lay chuyển. Lòng khiêm tốn này sẽ dẫn bạn tới sự thông hiểu không phải để khiến bạn kiêu căng nhưng để soi sáng cho bạn nhờ được hoàn thành trong đức ái». Vậy việc học hỏi Thánh Kinh có là một sinh hoạt chiêm niệm hay không thì không do phương pháp đọc hay giải thích, nhưng do thái độ tâm hồn.

Hiểu biết trước
Khoa chú giải của Ricoeur dậy rằng khi đọc một tác phẩm cổ ta không tiếp xúc với tư tưởng của tác giả cho bằng tiếp xúc với chính thực tại mà tác giả nói đến. Vì vậy không thể hiểu một bản văn nếu không có sự hiểu biết trước do mối tương quan sẵn có giữa người đọc và thực tại mà bản văn nói tới. Ở cuối bài Thuyết trình thứ mười của ông, ta thấy nơi Cassianô một trực cảm giống như thế. Sau khi cắt nghĩa những phương tiện để đạt tới lời cầu nguyện tinh tuyền, viên phụ Isaac thêm : «Được nuôi sống bằng thức ăn này (thức ăn của Kinh Thánh), họ được thấu nhập bằng mọi tâm tình diễn tả trong thánh vịnh, tới độ từ nay họ đọc các thánh vịnh ấy mà dường như không phải do vị tiên tri sáng tác nữa mà như chính họ là tác giả, và như kinh nguyện của riêng họ vậy… ». Và ngài thêm : «Quả thực, Thánh Kinh được khám phá rõ ràng hơn và có thể nói trái tim, cốt tủy của Thánh Kinh được bày tỏ cho chúng ta, khi kinh nghiệm giúp chúng ta có thể, không những hiểu mà còn hiểu trước nữa, và khi ý nghĩa các từ được phát hiện cho ta không phải nhờ giải thích, nhưng nhờ chúng ta đã chứng nghiệm» . «…Được dậy dỗ bởi điều chính chúng ta cảm nhận, đó không phải là những điều chúng ta học biết do nghe, nhưng có thể nói chúng ta sờ mó được thực chất của chúng để am hiểu cách thấu đáo. Chúng không phải là những điều chúng ta ghi trong ký ức, nhưng được ta sinh ra từ đáy lòng mình, như những tâm tình tự nhiên và là thành phần của hữu thể chúng ta. Không phải nhờ đọc mà ta thấu đạt ý nghĩa của lời, nhưng nhờ kinh nghiệm đã có trước» .
Không hiểu và không giải thích được nếu không có hiểu biết trước. Theo quan điểm này, rõ ràng cuộc đời hoàn toàn thinh lặng, cô tịch và khổ chế của đan sĩ trong sa mạc là một hiểu biết trước, như điều kiện giúp họ am hiểu Thánh Kinh. Thinh lặng và con tim tinh tuyền được coi như những điều kiện phải có để nghe và giải thích Thánh Kinh với đầy đủ ý nghĩa.
Ta chỉ hiểu điều ta đã thấy rồi, ít ra trong một mức độ nào đó. Vì thế thánh Giêrônimô ấn định thứ tự cho việc học Thánh Kinh như sau : trước hết là sách Thánh vịnh, rồi tới sách Châm ngôn và sách Giảng viên, sau đó là Tân Ước. Và chỉ sau khi đã được chuẩn bị lâu dài nhờ tình yêu thắm thiết đối với Chúa Kitô linh hồn mới có thể đọc sách Diễm ca cách hiệu quả.

Lời các vị Cao niên
Đôi khi các linh phụ sa mạc đáp lại câu người ta hỏi bằng một lời Thánh Kinh. Nhưng các ngài cũng dùng những lời khác mà người ta cho là quan trọng như lời Thánh Kinh vậy. Người ta xác tín rằng những lời ấy có được sức mạnh là do cuộc sống rất mực tinh tuyền của vị cao niên đã nói ra, vì chính ngài đã được biến đổi nhờ Kinh Thánh.

Ý niệm hiện đại về lectio divina
Bây giờ tôi muốn nêu vài suy nghĩ về quan niệm hiện nay đối với lectio divina, chiếu theo giáo huấn các linh phụ sa mạc như tôi vừa trình bầy.
Ngày nay lectio divina được coi như một phương pháp đọc Kinh Thánh cũng như Giáo phụ và các linh phụ đan tu trào. Đó là cách đọc chậm và suy tư về bản văn, đọc bằng tâm hồn hơn là bằng trí năng, như người ta nói, không phải với mục đích thực hành, nhưng chỉ để được thấm nhuần Lời Chúa.
Phương pháp này có nguồn gốc từ thế kỷ 12 và có liên quan với cái người ta gọi là «thần học đan tu». Vào thời kỳ này, trường phái tiền kinh viện đã khai triển phương pháp diễn tiến từ lectio (học) tới quaestio (chất vấn), rồi tới disputatio (tranh luận). Khi ấy các đan sĩ phản ứng lại bằng cách khai triển phương pháp của mình: lectio dẫn tới meditatio (suy niệm) rồi tới oratio (cầu nguyện)… và ít lâu sau có thêm contemplatio (chiêm niệm) được phân biệt với oratio.
Trong khi cách tiếp cận Kinh Thánh mà tôi đã mô tả như là cách thức của các linh phụ sa mạc, nhưng thực ra là cách tiếp cận chung cho toàn dân Thiên Chúa, thì cách tiếp cận mới hay «phương pháp» mới, vì là một khoản luật quan trọng phải giữ trong cuộc sống đan tu, lại được thực hành trong các đan viện.
Mãi lâu sau, «việc đọc sách thiêng liêng» trở nên phổ biến và được phân biệt với lectio divina của đời sống đan tu. Tiếp theo một trào lưu phổ quát, đời sống thiêng liêng được chuyên biệt hoá hay được phân chia thành những phần khép kín.
Thiết tưởng không thích hợp khi đem phân tích ở đây cuộc biến chuyển lâu dài đó. Nhưng tôi cũng xin có vài nhận định. Thứ nhất là ta có thể tự hỏi làm sao thần học tiến triển được nếu các đan sĩ đã không tiếp thu phương pháp mới xuất hiện. Quả thực, cái người ta gọi là «thần học đan tu» thì, mãi cho tới thế kỷ 12, đã chẳng có gì là đặc biệt đan tu cả. Đó là cách làm thần học trong toàn thể dân Chúa, với khá nhiều tính đa dạng ở trong cũng như ở ngoài các đan viện. Cho tới lúc ấy cách làm thần học có tính minh triết và chiêm niệm này đã biết tiếp nhận và biến đổi những hỗ trợ đến từ nhiều phương pháp và nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau. Người ta có thể có lý mà tự hỏi thần học ở những thế kỷ tiếp theo phát triển như thế nào được, nếu các đan sĩ đã không tiếp thu phương pháp mới nảy sinh và không biết đồng hóa nó như trước đây họ đã đồng hóa bao nhiêu phương pháp khác. Vẫn có một cách làm thần học, gọi là đan tu, được duy trì trong các đan viện và thần học kinh viện được khai triển trong các trường ngoài đan viện. Nơi thánh Tôma Aquinô, phương pháp mới còn được sử dụng trong một viễn cảnh chiêm niệm sâu sắc. Nhưng nơi các nhà bình giải những tác phẩm của thánh Tôma, phương pháp ấy ngày càng tàn lụi đi.
Đối với việc học hỏi Thánh Kinh cũng thế. Cho tới lúc đó, các đan sĩ đã giữ một vai trò trổi vượt trong việc giải thích và sử dụng Thánh Kinh, tuy cách tiếp cận của họ cốt yếu không khác với cách tiếp cận của toàn thể dân Chúa. Từ khi vô tình chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng mới, các đan sĩ khai triển phương pháp đọc sách riêng của mình, song song với phương pháp của kinh viện, thì trong Giáo Hội có hai cách tiếp cận Kinh Thánh khác biệt nhau rõ ràng: một cách muốn tiếp cận bằng con tim (và ở một số thời kỳ thường quên kèm theo trí năng), một cách có khuynh hướng khoa học và đã tàn lụi dần.
Đàng khác, chúng ta cần biết rằng khi xác định phương pháp lectio của mình, các đan sĩ đã lệ thuộc vào tâm thức mới, tiền-kinh viện, một tâm thức đã tạo ra nhu cầu phải có phương pháp. Chứ các đan sĩ tiên khởi đã chẳng có phương pháp nào. Nhưng các ngài lại có một thái độ đọc sách.
Qua nhiều thế kỷ, các đan sĩ đã thường quên mất cách thức đọc Thánh Kinh, Giáo phụ cũng như làm thần học riêng của họ, và sử dụng cách thức chung của mọi người. Vào thời đại chúng ta, các đan sĩ cần phải trở lại với cách thức làm thần học khác với thần học trong các sách giáo khoa kinh viện, và trở lại với cách thức đọc Thánh Kinh, Giáo phụ khác với cách thức của khoa chú giải có tính khoa học hiện đại. Chúng ta phải biết ơn Dom Jean Leclercq rất nhiều vì đã đưa đan tu trào hiện nay đi vào hướng đó. Vả lại, ta có thể nói những khái niệm thần học đan tu và lectio divina, như ta hiểu ngày nay, là do Dom Leclercq sáng tạo ra.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là đan tu trào tìm lại được cách đọc Thánh Kinh và làm thần học đó. Nhưng còn phải đi xa hơn nữa: phải nhận ra rằng cách thức ấy chẳng có gì là chuyên biệt đan tu cả. Toàn thể dân Chúa đều phải trở lại với cách thức ấy, vì đó là cách mà toàn dân Chúa đã một thời sử dụng để đọc Thánh Kinh và làm thần học.
Tuy nhiên cũng còn một bước nữa. Phải vượt qua được thói quen phân chia cuộc sống của đan sĩ cũng như của các kitô hữu khác thành từng ngăn riêng biệt. Phải tìm lại được tính duy nhất nguyên thủy đã bị mai một với thời gian.
Quả thực, nếu ta có thể vui mừng về vị trí của lectio divina trong cuộc sống của đan sĩ cũng như của nhiều kitô hữu sống ngoài đan viện, thì ta cũng có thể thấy rằng thái độ hiện nay đối với lectio divina không phải không có nguy cơ.
Nguy cơ là người ta đã rất thường, tuy đôi khi khó nhận thấy, biến lectio thành một trong những sinh hoạt khác, dù có cho nó là quan trọng hơn cả. Mỗi ngày đan sĩ trung thành thực hiện lectio nửa giờ hay một giờ hoặc hơn nữa, rồi tiếp đến đọc sách thiêng liêng, học hành và những sinh hoạt khác. Họ sẵn sàng lắng nghe Chúa trong nửa giờ, rồi sau đó suốt ngày họ hăng say miệt mài thực hiện những công việc khác với bao nhiêu là phân tâm chia trí, như thể họ đã chằng hề chọn sống cuộc đời cầu nguyện liên lỉ và không ngừng tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa vậy.
Tất cả thái độ đó không những hoàn toàn xa lạ với tinh thần các đan sĩ sa mạc, nhưng còn trái ngược với bản chất của lectio divina. Điều cốt yếu của lectio divina, như các lý thuyết gia có thế giá nhất cho hay, đó là thái độ nội tâm. Thái độ này không phải là như chiếc áo người ta có thể chỉ khoác lên mình trong vòng nữa giờ hay một giờ mỗi ngày. Nó phải bao trùm suốt cả ngày sống, nếu không lectio sẽ là một trò chơi vô nghĩa.
Để cho mình được Chúa chất vấn, để cho mình được hạch hỏi và đào tạo qua những mọi sinh hoạt của ngày sống, qua công việc cũng như những gặp gỡ huynh đệ, qua lao động trí óc nghiêm chỉnh cũng như qua cử hành phụng vụ và những căng thẳng tinh thần trong cuộc sống chung – tất cả đều yêu sách kinh khủng. Dồn nén thái độ hoàn toàn cởi mở này vào một việc mà tự nó phải thấm nhuần mọi sinh hoạt khác trong ngày thì có lẽ là cách quá dễ dàng để thoát khỏi yêu sách đó.
Với các linh phụ sa mạc, đọc, suy gẫm, cầu nguyện, phân tích, chú giải, nghiên cứu, phiên dịch Thánh Kinh – tất cả chỉ là một sinh hoạt duy nhất. Như thánh Giêrônimô chẳng hạn, có lẽ ngài không thể nghĩ rằng việc phân tích thấu đáo bản văn Thánh Kinh tiếng Do Thái để hiểu hết sự tinh tế của nội dung là một công việc không đáng được gọi bằng danh xưng lectio divina.
Thật sự may mắn khi nhận ra tầm quan trọng của việc đọc lời Chúa bằng con tim, đọc để mình được biến đổi. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ sai lầm nếu chỉ coi đó như một việc để làm hơn là một thái độ phải thấu nhập vào cả ngàn lẻ một phương diện khác nhau của việc tiếp cận Thánh Kinh.
Hơn nữa, tin rằng bản văn Thánh Kinh có thể đi sâu vào cuộc sống của tôi, chất vấn và biến đổi tôi chỉ khi nào tôi đọc chính bản văn mà không cần nhờ tới những dụng cụ có thể giúp tôi hiểu được ý nghĩa ban đầu, sẽ rất có nguy cơ dẫn tới thái độ chính thống hoặc tới thuyết thần bí sai lạc.
Vì ngày nay người ta thường cho rằng đối tượng của lectio divina không chỉ là Thánh Kinh, nhưng còn các Giáo phụ, và riêng với các đan sĩ thì đặc biệt là các linh phụ của đan tu trào. Nên tôi cũng xin có một suy tư về điều đó.
Là một giải thích của Lời Chúa được thể hiện trong cuộc sống, truyền thống đan tu có tầm quan trọng giống như Lời Chúa, mặc dầu vẫn là tùy phụ. Và Lời Chúa thể hiện trong cuộc sống, tức là truyền thống đan tu, cũng cần được giải thích và liên tục được giải thích lại.
Ngày nay trong các cộng đoàn đan tu người ta đã tái khám phá tư tưởng của các linh phụ. Điều này thật đáng hoan nghênh. Nhưng sứ điệp của các ngài, còn hơn cả sứ điệp Thánh Kinh nữa, được gói ghém trong một dữ kiện văn hóa không phải là văn hóa đan tu – nếu như đã có một văn hóa đan tu -, nhưng là bối cảnh văn hóa của một thời kỳ đặc biệt nào đó, trong bối cảnh ấy các đan sĩ xưa kia đã sống ơn gọi đan tu của mình. Độc giả thời nay phải sẵn sàng đón nhận sức biến đổi của ân sủng mà các ngài đã sống và lưu chuyển lại. Nhưng họ chỉ có thể làm được vậy sau khi, với một ý thức phê bình tinh tế, đã lột bỏ được cái vỏ văn hóa bao bọc quanh sức biến đổi ấy.
Như chẳng có một văn hóa kitô song song với mọi văn hóa thế tục, nhưng chỉ có những văn hóa địa phương đã được kitô hóa – ở những mức độ khác nhau, thì cũng chẳng có văn hóa đan tu, nhưng là những văn hóa khác nhau được biến đổi nhờ tiếp xúc với đặc sủng đan tu. Việc sử dụng tác phẩm của các linh phụ như chất liệu cho lectio divina đòi phải có chú giải và nghiên cứu nghiêm túc để bắt gặp được thực thể mà các ngài đã sống, một thực thể được bao bọc trong lớp áo văn hóa. Làm khác đi, ta sẽ chỉ đọc chính mình trong những tác phẩm ta ca ngợi; và đương nhiên, càng gặp thấy mình người ta càng ca ngợi những tác phẩm ấy.
Đan sĩ ngày nay chỉ được chất vấn, được mời gọi hoán cải, chỉ được biến đổi nhờ đọc các linh phụ, với điều kiện họ để cho các ngài tác động tới mình trong toàn bộ các phương diện của đời sống đan tu. Và điều ấy sẽ chỉ có được tùy theo mức độ họ dõi theo các ngài trong toàn bộ cuộc sống của các ngài. Điều này đòi hỏi phân tích chuyên sâu ngôn ngữ, tư tưởng triết học và thần học của các ngài, cũng như bối cảnh văn hóa trong đó các ngài đã sống. Tôi nghĩ phân biệt việc phân tích trên đây với lectio thực thụ là điều giả tạo và nguy hiểm, như thể đó mới chỉ là bước chuẩn bị…
Đan sĩ ngày nay nhất thiết thuộc về một nền văn hóa, về một Giáo Hội địa phương, và như vậy là thuộc về một nền văn hóa kitô giáo. Nơi bản thân họ, nền văn hóa ấy gặp gỡ truyền thông đan tu và phải để cho truyền thống này chất vấn cũng như biến đổi mình. Tôi sợ rằng khi tiếp cận các linh phụ đan tu, chúng ta lại quá thường thúc ép các đan sĩ trẻ và tiếp nhận nền văn hóa đan tu của thời quá khứ như một chiếc áo khoác bên ngoài, với nguy cơ biến đổi các đan viện chúng ta thành những trại tị nạn văn hóa.

Kết luận
Các linh phụ sa mạc nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng hàng đầu của Thánh Kinh trong đời sống kitô giáo và sự cần thiết phải để mình được biến đổi không ngừng trong cái lò tinh luyện của Lời Chúa.
Vả lại, một nghiên cứu dù ngắn gọn như chúng ta đã làm cũng có mục đích giúp chúng ta đặt lại vấn đề một số phương diện của quan niệm hiện nay về lectio divina, hay chính xác hơn, nhắc nhở chúng ta vượt qua những phương diện đó để tìm lại ý thức sâu sắc hơn về tính duy nhất trong cuộc sống. Hơn ai hết, đan sĩ không được để mình bị phân tán. Danh xưng monachos (đan sĩ) không ngừng nhắc nhở họ về tính duy nhất trong mối bận tâm, nỗi khát vọng và thái độ thích hợp với những ai đã chọn sống cho chỉ một tình yêu bằng con tim không chia sẻ.

Trích từ Website O.C.S.O.