ĐƯỢC MỜI GỌI BIẾN ĐỔI NÊN HÌNH ẢNH CHÚA KITÔ

ĐƯỢC MỜI GỌI BIẾN ĐỔI
NÊN HÌNH ẢNH CHÚA KITÔ

(2 Cr 3, 18)
Suy Tư Về Đào Tạo Đan Tu
Armand Veilleux.ocso

I. Hình ảnh Thiên Chúa

Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như ngài, nhưng bị tổn thương vì tội lỗi, nên chúng ta cần phải phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Đó là cùng đích của đời sống kitô giáo cũng như đời sống đan tu.
Con Thiên Chúa, dù là đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, đã không ngại từ bỏ đặc quyền của mình, tự hạ mình xuống (Pl 2, 6-7), làm một con người ở giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi (Dt 4, 15). Ngài đã chấp nhận mất hình dạng, mất vẻ đẹp của mình. Ngài đã biến dạng tới độ không còn ai nhận ra ngài nữa (Is 53, 2). Ngài đã chấp nhận cái chết. Nhưng Chúa Cha đã cho ngài sống lại, đặt ngài ngồi bên hữu mình và tôn ngài làm đấng Kitô (Pl 2, 9). Đó là con đường trở lại với Hình ảnh Thiên Chúa, đã được hoạch định và bày tỏ cho chúng ta. Bị biến dạng vì tội lỗi, chúng ta phải tự canh tân để dần dần được biến đổi nên hình ảnh Chúa Kitô phục sinh.
Cuộc biến đổi sau cùng này, trải qua một tiến trình canh tân hay hoán cải thật dài, là đối tượng của việc đào tạo đan tu. Trước hết không được hiểu việc đào tạo này như công việc mà nhà đào tạo thực hiện nơi một con người, nhưng phải hiểu như là việc biến đổi tiệm tiến và liên tục, không bao giờ kết thúc, nơi một con người, trong khi sử dụng các phương thế của việc hoán cải đan tu, để cho Thánh Thần phục hồi nơi mình hình ảnh Thiên Chúa đã bị biến dạng và sự giống như Thiên Chúa đã mất đi.
Đề tài về Hình ảnh Thiên Chúa là đề tài trung tâm trong linh đạo đan tu nguyên thủy. Giáo thuyết này, bắt nguồn từ Sáng thế 1, 26, được các Giáo phụ, là những vị miệt mài tìm hiểu mầu nhiệm cứu độ, đặc biệt quan tâm. Vì mỗi vị đã bàn một cách khác nhau, với tự do riêng của các nhà thơ và các nhà thần bí, nên giáo thuyết ấy đã trở nên khá phức tạp và được trình bày với những sắc thái khác nhau rất nhiều. Ta có thể tóm tắt như sau: Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như ngài. Là tạo vật ưu tuyển, con người được mời tham dự vào sự sống thần linh. Tình trạng này đã bị tội lỗi đảo lộn, nhưng con người vẫn còn khả năng hướng về Thiên Chúa. Nhờ ân sủng do công trình Cứu chuộc và nhờ noi gương Chúa Giêsu Kitô, con người có thể dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Nếu tư thế của con người hướng về Thiên Chúa được phát triển và được bày tỏ bằng cuộc sống nhân đức, họ sẽ tiến tới việc giống như Thiên Chúa và sẽ đạt tới đích khi trở nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa.
Khi nói về đào tạo đan tu, người ta thường hiểu về việc đào tạo khởi đầu. Tuy nhiên, việc đào tạo này chỉ có thể hiểu như một yếu tố hay một giai đoạn trong tiến trình tổng thể của công cuộc biến đổi chúng ta vừa nói tới. Mục đích của đào tạo đan tu, trong mọi giai đoạn, chỉ là phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi đan sĩ. Đó là việc biến đổi tiệm tiến qua suốt cuộc đời. Để thực hiện lộ trình biến đổi này, con người có được một chuẩn mực, một nguyên mẫu là Ngôi Lời, ngài là Hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, và thánh Bênađô gọi là bí tích cứu độ.
Thực ra, không một linh phụ nào trong đan tu trào đã viết về “đào tạo” – ít ra theo nghĩa chúng ta hiểu ở đây. Tuy nhiên, qua những tác phẩm các ngài viết chúng ta thấy các ngài ý thức rất rõ vai trò của mình, hoặc như viện phụ, hoặc như cha linh hướng, là sinh hạ Chúa Kitô nơi các môn đệ của mình. Các ngài biết rằng để thực hiện sứ mệnh này các ngài phải hướng dẫn đan sĩ của mình noi theo gương Chúa Kitô. Thực vậy, chính nhờ noi gương Chúa Kitô mà đan sĩ sẽ dần dần làm cho sinh động hơn việc giống như Thiên Chúa mà họ đã nhận được trong ngày tạo dựng, và hình ảnh Thiên Chúa nơi họ lại được phục hồi.
Ý tưởng cho rằng người ta có thể đào tạo một ai đó để sống đời đan tu, như đào tạo ai thành bác sĩ, kỹ sư hay giáo sư, đến từ một quan niệm hoàn toàn hiện đại. Các linh phụ đan tu trào không hề có ý tưởng ấy. Đối với các ngài, đời sống đan tu không phải là một cuộc sống mà người ta có thể đào tạo ai để vào sống trong đó. Trái lại, đấy là một phương thế, hay đúng hơn, là toàn thể các phương thế mà nhờ chúng một người nào đó có thể được đào tạo. Chính khi sống đời đan tu người ta sẽ trở thành đan sĩ hơn mỗi ngày và được biến đổi dần dần nên hình ảnh Chúa Kitô.

II. Trong môi trường cộng tu
Khi các vị ẩn tu ở những thế kỷ đầu đi vào sa mạc, các ngài tìm một cha thiêng liêng để được dẫn dắt, vị này là người đã có kinh nghiệm về sa mạc và cho thấy dấu ấn của Thánh Thần nơi mình, khi đã trở thành “người mang Thánh Thần”. Người cha thiêng liêng có ơn đoàn sủng nơi sa mạc sẽ truyền đạt cho các môn đệ kinh nghiệm riêng của mình, giống như một đạo sĩ. Mối liên hệ giữa cha con hay thầy trò thường là tạm thời, và sẽ kết thúc khi môn đệ đạt tới mức trưởng thành thiêng liêng đủ để tiếp tục đi xa hơn trong nơi thanh vắng.
Đoàn sủng của các linh phụ trong đời sống cộng tu, chẳng hạn như thánh Pacôm hay thánh Basiliô, đã gầy dựng nên hình thức sống chung bền vững, theo một tu luật được thiết định, và qua tu luật ấy từ nay kinh nghiệm thiêng liêng được truyền đạt cho thế hệ sau. Như vậy, chúng ta thấy xuất hiện một nền văn hóa đan tu đích thực diễn tả một căn tính tập thể giúp cho tất cả những ai gia nhập nền văn hóa ấy đạt tới được căn tính riêng của họ.
Nền văn hóa đây phải hiểu là một phức hợp chặt chẽ các giáo thuyết thiêng liêng, các truyền thống tu đức, các thói quen, luật lệ, tổ chức quản trị v.v., tất cả đều bày tỏ một kinh nghiệm thiêng liêng, duy trì cho nó sống động và chuyển giao lại. Đó là một nền văn hóa bao gồm sự cố kết và gắn bó chặt chẽ giữa tất cả mọi yếu tố của cuộc sống. Một nền văn hóa như thế luôn luôn là kết quả tuyệt vời từ kinh nghiệm của một tập thể. Một cá nhân không tạo ra được nền văn hoá của mình. Vai trò của các thánh, của các nhà thần bí và các thiên tài, như thi sĩ, nghệ sĩ hay thần học gia, là diễn tả kinh nghiệm được truyền lại và được duy trì sống động bởi và trong nền văn hóa của họ.
Nơi môi trường cộng tu, chính trong và nhờ hình thức sống của cộng đoàn mà kinh nghiệm đan tu được truyền lại và việc đào tạo đan sĩ được thực hiện, từ khi họ gia nhập đan viện tới khi rời bỏ cuộc đời. Thánh Biển Đức tham gia vào truyền thống cộng tu lớn lao này và chính nơi truyền thống này các đan sĩ thuộc truyền thống biển đức phải tìm ra những nguyên tắc nền tảng cho việc đào tạo đan tu, chứ không phải nơi một linh đạo theo khuynh hướng ẩn tu.
Khi thánh Biển Đức mô tả các loại đan sĩ, ở chương thứ nhất của Tu Luật, ngài định nghĩa loại đan sĩ cộng tu mạnh mẽ nhất là những người sống: a) trong cộng đoàn, b) theo một tu luật, c) dưới quyền một viện phụ. Đó là ba cột trụ của tu trào cộng tu và thứ tự thánh Biển Đức xếp đặt cho chúng có tầm quan trọng cơ bản. Lịch sử cho thấy mỗi khi thế quân bình giữa ba yếu tố này bị phá vỡ, đều xẩy ra một thời kỳ suy thoái.
Cộng đoàn, tu luật, viện phụ. Có thể nói đó là ba yếu tố nòng cốt cho việc “hoán cải” theo Tu Luật thánh Biển Đức, và khi sống theo những yếu tố ấy, ở mỗi giai đoạn đời đan tu của mình, đan sĩ sẽ dần dần trở nên đan sĩ hơn, và việc đào tạo – hay biến đổi – theo nghĩa trên đây sẽ được thực hiện.

Cộng đoàn
Trong truyền thống biển đức và xitô, ơn gọi không phải là lời mời gọi sống đời đan tu nói chung hay là ơn gọi vào một hội dòng đan tu nào đó. Nhưng đấy là tiếng gọi vào một cộng đoàn cụ thể các đan sĩ, là những người làm nên một thành phần của Giáo Hội. Nơi cộng đoàn này, sau thời gian thử luyện xứng hợp, ứng sinh sẽ hứa bền đỗ và cùng với anh em sống mầu nhiệm cứu độ trong Giáo Hội tới mãn đời, trừ khi đức vâng phục trao cho họ một sứ vụ nào khác.
Cách thức mỗi cộng đoàn sống cuộc đời hiệp thông này có ảnh hưởng sâu đậm tới việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của đan sĩ trong suốt cuộc đời. Hơn tất cả những “phương tiện đào tạo” mà cộng đoàn có thể cung ứng cho các thành viên, chính cộng đoàn giữ cai trò đào tạo, một vai trò có tầm quan trọng hàng đầu.
Cộng đoàn chỉ có thể thực thi vai trò này với điều kiện đã phát triển được một nền văn hoá đan tu tại chỗ cách vững chắc. Nền văn hóa đan tu này bao hàm một cách nhìn chung rõ ràng về đời sống đan tu và một đường hướng thiêng liêng điều kiện hóa và “định hình” (theo nghĩa của Aristote) mọi yếu tố trong đời sống hằng ngày: cách cầu nguyện, làm việc, đưa ra những quyết định chung, tiếp khách v.v.
Nếu có được nền văn hóa ấy, vai trò các “nhà đào tạo” (viện phụ, tập sư, giáo sư) sẽ cốt yếu là giúp các đan sĩ, nhất là những người mới nhập tu, hội nhập vào đó, để nó đào tạo họ, đồng thời đón nhận nó một cách có trách nhiệm và sáng tạo. Nếu không có được một nền văn hóa như thế, mọi “kỹ thuật” đào tạo được sử dụng (giáo trình, hội thảo, hướng dẫn, v.v.) thường sẽ chỉ mang lại rất ít hiệu quả.
Cộng đoàn đan viện không phải chỉ là nơi để thực hành tu đức cá nhân. Đó là nơi cùng nhau tìm ý Chúa. Thánh Biển Đức yêu cầu triệu tập hết mọi anh em mỗi khi có việc quan trọng: viện phụ triệu tập toàn thể cộng đoàn (TL 3,1), mọi người đều được mời dự họp (TL 2,2). Không phải chỉ là để thi hành quyền của đa số, hay thể hiện tính dân chủ. Nhưng để cùng nhau lắng nghe điều Thánh Thần nói với mỗi người vì lợi ích của mọi người. Tuy rằng viện phụ có trách nhiệm đưa ra quyết định sau cùng, cuộc họp chung cả cộng đoàn vẫn là cơ hội để mỗi người thực hiện hành vi đồng trách nhiệm và lớn lên trong ý thức về trách nhiệm của mình.
Một cộng đoàn lành mạnh cũng là nơi tăng trưởng cảm xúc và tình cảm. Những tương quan cá nhân, có thể phát triển giữa cuộc sống cộng đoàn, vừa giúp ta nối kết tương quan sâu xa với Chúa vừa bày tỏ tương quan này một cách có tính bí tích. Vì cộng đoàn kitô giáo thể hiện một cách nhìn mới trước những thực tại nhân bản, nên những tương quan này được nhìn và được sống như một diễn đạt có tính bí tích của mầu nhiệm Giáo Hội. Đó là điều sâu sắc hơn một ý thức mơ hồ về cộng đoàn. Tuy nhiên cần phải đề phòng cạm bẫy của sự đồng nhất theo kiểu “nhất trí”, sẽ dẫn tới kết cuộc là làm cho các cá nhân mất đi căn tính riêng của họ.
Cuộc sống huynh đệ giúp ta biết mình qua những gặp gỡ hằng ngày và khám phá được rằng mình cần phải hoán cải. Trong cuộc sống ấy người ta dễ dàng nhận ra mình là một cộng đoàn những tội nhân đã được tha thứ. Cuốc sống ấy cũng cho ta khả năng chấp nhận được biến đổi, trong khi thực hành đức ái huynh đệ.
Một đời sống cộng đoàn lành mạnh là nơi chúng ta có thể học biết đọc ra và giải thích thực tại không chỉ ở nơi ta nhưng cả ở chung quanh ta nữa, cũng như đi sâu vào tận trung tâm của thực tại ấy. Sống đời chiêm niệm chân chính không phải là tránh xa thực tại để sống trong một thế giới ảo hay thuần túy thiêng liêng. Nhưng là rút lui vào trung tâm, vào tận cốt lõi của mọi thực tại. Cuộc sống cộng đoàn lành mạnh sẽ giúp ta bình thản đánh giá những thông tin khác nhau ta nhận được, những biến cố đủ loại ta trải qua. Cuộc sống ấy đưa ta vượt xa hơn những dự phóng chủ quan và những ước muốn hữu thức hay vô thức của ta.
Trong nhiều trường hợp, những lập trường cứng nhắc và những phân tích cá nhân về thực tại là một trở ngại ngăn cản sự thăng tiến thiêng liêng và nhân bản. Một đan sĩ thăng tiến bình thường trong đời sống chung phải là một con người càng ngày càng có khả năng thích ứng, điều chỉnh lập trường và thái độ của mình. Họ biết cách đón nhận những xung đột không thể tránh trong cuộc sống con người, và có tâm hồn bình thản trước những căng thẳng cố hữu nơi mọi cuộc sống chung. Đời sống cộng đoàn lành mạnh sẽ giúp ta dần dần có được thái độ hiểu biết, cảm thông, thân thiện với mọi người. Một đan sĩ tự biến mình thành kẻ sống tách biệt và nghi kỵ là một đan sĩ không bình thường.
Nơi cộng đoàn, đan sĩ học cho biết thống nhất cuộc sống của mình. Trong thế gian, một người có thể dễ dàng sống nhiều cuộc sống song song nhau. Chẳng hạn có những người làm dịch vụ, có những người làm nghề chuyên môn, có những người làm chính trị, đối với họ cuộc sống nghề nghiệp và cuộc sống gia đình hay cuộc sống nghề nghiệp và cuộc sống đạo hoàn toàn tách biệt nhau. Đối với đan sĩ thì không thể như vậy được. Quả thực, một đan sĩ có thể mang những trách nhiệm trong cộng đoàn và ngay cả ngoài đan viện nữa, nhưng tất cả mọi sinh hoạt của anh đều là những sinh hoạt của đời đan tu, anh phải thực hiện tất cả với tư cách là đan sĩ. Làm khác đi, anh sẽ thiếu mất yếu tố trung tâm của người đan sĩ, đó là chỉ có một mục đích, một mối bận tâm duy nhất trong đời.

2) Tu Luật
Chúa Kitô đã vâng phục, bằng một đức vâng phục đồng nhất hoàn toàn ý ngài với ý Chúa Cha. Cũng chính bằng con đường vâng phục, theo gương Chúa Kitô, đan sĩ để cho Thánh Thần khôi phục lại dần dần nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa. Đương nhiên đó là vâng phục ý Chúa; nhưng sự vâng phục này được thực thi trong mọi hành động của cuộc sống hằng ngày.
Phúc Âm là nguồn mạch vô tận những “hình thức sống”. Phúc Âm đã làm nảy sinh rất nhiều cách theo Chúa Kitô. Các vị sáng lập đời tu cộng đoàn đã nhận được đặc sủng diễn giải Phúc Âm theo hướng hiện sinh. Sau khi đặc sủng này được sống trong một nhóm người liên kết chặt chẽ với nhau, nó đã trở thành luật. Khi đến với một cộng đoàn đan tu, ta gia nhập một truyền thống, một cách diễn giải Phúc Âm. Người ta tự do chọn “con đường” này giữa nhiều con đường khác có thể đi theo. Với thánh Biển Đức điều hết sức quan trọng là chọn lựa này phải tự do và sáng suốt. Vì thế ngài yêu cầu đọc cho ứng sinh nghe toàn bộ Tu Luật ba lần trong thời gian một năm trước khi họ cam kết sống với cộng đoàn. Nếu được sống cách thành tâm và chân thực Tu Luật này sẽ đào tạo và biến đổi đan sĩ.
Cuộc sống chung và Tu Luật thiết lập nên cuộc sống ấy là những phương thế thực hiện lòng yêu mến Chúa, trong tình yêu thương anh em, khi coi công ích hơn ý riêng mình, và coi ý Chúa, được bày tỏ nơi Tu Luật cũng như được bề trên áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể, hơn ích lợi riêng. Cũng vậy, sự vâng lời nhau như thánh Biển Đức nói, được thi hành như việc phục vụ, và như thực tập hiệp nhất các ý muốn khác nhau, sự hiệp nhất này sẽ làm cho linh hồn nên tinh tuyền và cho ta được nhìn thấy Chúa.
Đối với đan sĩ đương thời, Tu Luật không chỉ là bản luật của thánh Biển Đức, nhưng còn là những Hiến pháp riêng của các Hội Dòng đan tu mà họ trực thuộc và những khoản luật thành văn hay truyền khẩu nơi cộng đoàn địa phương của họ. Toàn bộ “luật lệ” này không chỉ đơn giản là “luật”: đó là biểu hiện khách quan căn tính riêng của một cộng đoàn hay một nhóm cộng đoàn. Như thể người ta có một căn tính văn hoá riêng khi để mình được đào tạo bởi nền văn hóa của mình hay khi gia nhập một nền văn hóa khác, cũng thế, chính vì để cho mình được đào tạo dần dần bởi nền văn hóa đan tu, khi gia nhập một cộng đoàn, và chấp nhận cách nhìn đặc thù của cộng đoàn này mà ta sẽ phát triển được một căn tính đan tu cá nhân. Dấu chỉ của một ơn gọi đích thực là ứng sinh có khả năng đón nhận căn tính tập thể của cộng đoàn trong khi càng ngày càng trở nên chính mình hơn.

Viện phụ
Trong truyền thống biển đức, viện phụ, với tư cách đại diện Chúa Kitô, là người cha thiêng liêng của cộng đoàn, là thầy và lương y. Hiển nhiên vai trò của ngài rất khác với vai trò các bề trên những cộng đoàn tu theo truyền thống mới hơn. Dù là một trong các anh em, ngài vẫn không được quên rằng mình đã được gọi để làm cha – không phải vì những anh em khác phải là con trẻ hay thiếu niên đối với ngài, nhưng vì ngài có trách nhiệm hạ sinh Chúa Kitô nơi họ.
Như người cha, viện phụ phải bày tỏ cho các đan sĩ của mình sự dịu dàng và lòng nhân hậu của Chúa Kitô, khi sống sao để được yêu mến hơn bị sợ hãi, khi thích ứng với cá tính của từng người và khích lệ anh em mau lẹ, hân hoan rảo bước trên con đường Thiên Chúa mời gọi họ đi vào. Còn đan sĩ, họ phải duy trì suốt cả đời, dù ở lứa tuổi nào, mối tương quan của người con trưởng thành đối với viện phụ. Nếu sau khi khấn hứa, đan sĩ chỉ còn thấy phải vâng lời viện phụ trong những điều thật quan trọng thôi, có lẽ họ sẽ không thăng tiến được như một đan sĩ nữa (mặc dầu họ có thể có những khả năng nhân bản lớn và dùng những khả năng ấy để phục vụ Giáo Hội và cộng đoàn).
Ngày nay, không hiếm tập sinh tìm cách làm cho đan viện trở thành gia đình mà họ mới từ bỏ, hay trong nhiều trường hợp họ có khuynh hướng đồng nhất hình ảnh người cha với quyền bính và hình ảnh người mẹ với cộng đoàn. Một thái độ như thế sẽ cản trở sự tăng trưởng đích thực, vì nó chỉ tái thể hiện kiểu mẫu sống của gia đình.
Nếu tương quan giữa đan sĩ và viện phụ không trưởng thành và tự do, sẽ nảy sinh thái độ thụ động, bất an và sợ sệt. Đời sống đan tu đòi phải dứt bỏ những gắn bó với gia đình. Không được tái lập nơi đan viện những gắn bó theo kiểu ấy. Cộng đoàn phải là môi trường sống cho những con người tha thiết ước mong cùng nhau tiến về sự sống vĩnh cửu, chứ không phải là cung lòng mẹ để bảo vệ thai nhi. Rủi thay, xã hội ngày nay không chuẩn bị cho chúng ta sống mối tương quan lành mạnh với quyền bính và lề luật. Hoặc là người ta từ chối mọi quyền bính, với thái độ không hề có chút tôn trọng nào, hoặc là người ta tìm an toàn nơi một quyền bính có thể quyết định mọi sự.
Như ông thầy trong ngôi trường của Chúa Kitô, viện phụ là người canh giữ lòng trung thành của môn đệ với truyền thống đan tu. Để tu luật và truyền thống không trở thành những bản văn chết, phải không ngừng giải thích chúng cách năng động. Viện phụ nuôi dưỡng các đan sĩ của ngài bằng lời nói và gương lành. Ngài phân phát bánh Lời Chúa, được diễn giải cho cộng đoàn ở từng giai đoạn tiến hóa mới.
Như lương y, ngài săn sóc các vết thương và nhân danh Chúa Kitô chữa lành những anh em bị thương tích vì tội lỗi. Ngài cũng phải là người cha mà người ta có thể tâm sự trong những lúc gặp khủng hoảng cá nhân.
Viện phụ là cha, là thầy và lương y của các thành viên trong đan viện ngài. Ngay cả khi đã có cha phụ trách tập sinh và cha phụ trách các khấn sinh trẻ, viện phụ vẫn không thể thoái thác vai trò làm cha đối với các anh em ấy. Trong các cộng đoàn thuộc hội dòng hoạt động hiện đại, khi chỉ có một tập sinh cho cả tỉnh dòng hay cho cả hội dòng, tập sinh ấy sẽ không có bề trên trực tiếp nào khác ngoài vị tập sư, và sau khi khấn anh sẽ được phân định vào một cộng đoàn của hội dòng. Trong đời sống biển đức, chúng ta không gia nhập một hội dòng, nhưng một đan viện, nơi đó viện phụ là cha của mọi người, kể cả tập sinh. Ngài không thể thoái thác trách nhiệm của mình, mặc dầu ngài đã trao một phần khá lớn trách nhiệm ấy cho vị tập sư.
Điều thiết yếu là giữa viện phụ và tập sư phải có sự hiệp thông chặt chẽ về quan điểm. Khi tập sư cố gắng tạo lập một cộng đoàn mới khác biệt với cộng đoàn hiện có hay vạch ra một đường hướng đan tu khác với đường hướng của viện phụ, thất bại sẽ hầu như chắc chắn. Viện phụ là người mang trách nhiệm sau cùng về việc đào tạo tập sinh cũng như mọi thành phần khác trong cộng đoàn. Cha tập sư, vị đại diện của ngài, chỉ có nhiệm vụ sát cánh với tập sinh trên hành trình đan tu và truyền đạt cho họ những giáo huấn cần thiết vào giai đoạn đầu của đời đan tu mà thôi.
Sự trưởng thành của một đan sĩ (tập sinh hay khấn sinh trẻ) tùy thuộc phần lớn vào khả năng tạo lập mối tương quan lành mạnh với cộng đoàn, tu luật và viện phụ.

    III. Những yếu tố chính của tu đức đan tu

    Giữa nhiều yếu tố cấu tạo nên việc hoán cải đan tu được thực hiện trong cộng đoàn, theo một tu luật và dưới quyền một viện phụ, có ba yếu tố mà thánh Biển Đức cho là có tầm quan trọng riêng biệt và có giá trị đào tạo đặc thù: Thần Vụ, đọc sách thánh và lao động. Nhưng còn cơ bản hơn nữa đó là vị trí của Thánh Giá trong cuộc đời đan sĩ.

Học biết Thánh Giá
Đan sĩ vào đan viện để theo Chúa Kitô, và để bằng con đường vâng phục trở về với Chúa Cha, Đấng họ đã lìa bỏ vì bất phục (Lmđ Tu Luật). Mà chính nhờ đau khổ Con Thiên Chúa đã học cho biết vâng phục (Dt 5, 8). Không có con đường khác cho người kitô hữu nào muốn đi theo Chúa Kitô. Vả lại trong Phúc Âm, Chúa Kitô đã nói rất rõ về những yêu sách trong việc đi theo ngài: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình mà đi theo”.
Đó là thái độ đầu tiên mà một người tìm đến đan viện phải có. Ứng sinh có sẵn sàng chấp nhận Thánh Giá không? Sau đó, trong những năm đầu, phải hướng dẫn họ và giúp họ chấp nhận con đường khó đi này. Thánh Biển Đức muốn ta nói cho người mới đến, ngay từ lúc đầu, những điều cam go cực khổ họ phải trải qua để đi về với Chúa (TL 58, 8).
Trong các cộng đoàn chúng ta không thiếu trường hợp ta phải buồn mà thấy một đan sĩ dù rất tốt lành lại rời bỏ đan viện sau khi khấn trọng thể ít lâu. Ở hầu hết các trường hợp, lý do là họ không được đào tạo để biết chấp nhận Thánh Giá. Đan sĩ hạnh phúc trong cuộc sống đan tu bao lâu họ gặp được nơi đó môi trường thoải mái để tự triển nở, để các tài năng của mình được đánh giá cao, để phát triển các khả năng của mình v.v. Nhưng vừa khi xẩy tới một thử thách nặng nề, vừa khi Thánh Giá xuất hiện, tất cả đều sụp đổ hết.
Điều đó phải được đặt trong tương quan với đề tài hội nhập văn hoá. Hội nhập văn hoá đích thực không phải là đưa vào Kitô giáo hay vào đời đan tu tất cả mọi thái độ riêng biệt của một nền văn hoá. Nhưng là kitô giáo hoá mỗi nền văn hoá. Mầu nhiệm thập giá cứu độ là riêng cho Kitô giáo, nó cật vấn mọi nền văn hóa. Tất cả chúng ta đều phải học biết mầu nhiệm ấy và phải học đi học lại mỗi ngày.
Không chấp nhận Thánh Giá, mọi yếu tố trong tu đức đan tu đều mất hết ý nghĩa. Nhưng nếu đan sĩ vui vẻ chấp nhận Thánh Giá, Thánh Giá sẽ đào tạo họ suốt cuộc đời.

2) Thần Vụ
Việc cầu nguyện thích hợp cách riêng cho đời đan tu là cầu nguyện liên lỉ. Việc cầu nguyện này được chuẩn bị bằng đọc sách, học hành và suy niệm Lời Chúa, được thực hiện chung cả cộng đoàn trong Thần Vụ và triển nở trong việc hướng tâm trí về Chúa bao nhiêu có thể. Là cách cầu nguyện chung của cộng đoàn, Thần Vụ cũng còn là trường dậy cầu nguyện. Nơi đó đan sĩ không ngừng và suốt đời học hỏi để biết ca ngợi Chúa, khóc lóc tội lỗi mình, cầu nguyện cho mình và cho toàn thể nhân loại, chiêm ngắm mọi phương diện của mầu nhiệm cứu rỗi.
Tuy nhiên, ta chỉ hiểu được vai trò của Thần Vụ trong tổng thể môi trường bí tích, nơi mà đan sĩ được trở nên giống hình ảnh Chúa Kitô trong cử hành bí tích Thánh Thể, được chữa lành khỏi các vết thương nhờ bí tích giải tội, được tăng cường sức lực để chu toàn mọi trách nhiệm nhờ những chúc lành khác nhau, và sau cùng được chuẩn bị để tích cực vượt qua những khủng hoảng trong đời, nhất là khủng hoảng khi ra đi lần cuối, nhờ bí tích dành cho bệnh nhân.

3) Đọc sách (và học hành)
Trong văn chương kitô giáo nguyên thủy, ít là cho tới thời thánh Biển Đức, thành ngữ “lectio divina” luôn luôn chỉ về chính Kinh Thánh, chứ không phải một công việc con người thực hiện với Kinh Thánh. Nếu muốn dịch thành ngữ này có lẽ phải dịch là “ học Kinh Thánh” chứ không phải là “đọc Kinh Thánh”. Kinh Thánh không dậy đan sĩ mà thôi, nhưng còn biến đổi họ qua những tiếp xúc hằng ngày. Trọn cuộc đời đan sĩ phải chìm sâu trong “lectio divina”, trong việc “học Kinh Thánh” này. Họ không ngừng đọc, tìm hiểu, nghiêm cứu, diễn giải, suy niệm Kinh Thánh, không hề có gián đoạn giữa những việc này. Nếu đan sĩ để Kinh Thánh dần dần thấm nhiễm vào mình, Kinh Thánh sẽ đào tạo họ, từ từ làm cho họ thành người chiêm niệm đích thực, nghĩa là không phải một con người nhất thiết phải có những kinh nghiệm gọi là “thần bí”, nhưng một con người nhìn thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong ánh sáng của Chúa.
Phải tránh những lý thuyết đương thời coi “lectio divina” như một hình thức đọc sách đặc biệt và do đó biến nó thành một khoản luật phải giữ như bao khoản luật khác, cho dù là quan trọng nhất đi nữa. Nếu coi “lectio divina” như một sinh hoạt đặc biệt ta phải thực hiện vào một lúc chính xác trong ngày và trong khoảng thời gian đã được ấn định, ta sẽ làm cho nó thành một việc phải tuân giữ, và vì thế nó mất đi tính cách nhưng không mà ta muốn coi như đặc trưng của nó. Ta cũng có nguy cơ làm cho thời gian còn lại trong ngày và những sinh hoạt khác của đan sĩ mất đi tính cách chăm chú hướng về Chúa, đấng ta muốn gặp gỡ khi thực hiện “lectio divina”.
Ngay từ lúc khởi đầu đời đan tu, đan sĩ phải tập lắng nghe Chúa thường xuyên bao nhiêu có thể. Họ phải không ngừng để cho mình được thấu nhập, chất vấn và biến đổi bởi lời Chúa, đấng đến với họ qua việc thích thú và chậm rãi đọc Kinh Thánh, qua việc học hỏi Kinh Thánh, qua việc đọc và tìm hiểu tác phẩm của các Giáo Phụ, qua lao động và những gặp gỡ huynh đệ. Nếu đan sĩ phát triển thái độ này, họ sẽ thấy mọi phân biệt quá tuyệt đối giữa “lectio divina” và việc học hỏi Kinh Thánh hay các Giáo Phụ hoặc đọc những sách khác đều là giả tạo hết. Phân biệt như thế có thể gây tác hại, nếu nó làm cho việc học hỏi bị khô cằn đi.
Thực vậy, việc học hỏi có chỗ của nó trong đời sống đan sĩ. Để sống tốt đời đan tu của mình, đan sĩ cần học một số môn. Vì Kinh Thánh là Luật nền tảng của đời đan tu, như ta vẫn nói, và là nguồn mạch chính yếu của phụng vụ, nên đan sĩ phải nhận được ngay từ lúc đầu đời đan tu một dẫn nhập vững chắc vào Kinh Thánh. Họ phải tập đọc Kinh Thánh trong tinh thần chiêm niệm, nhưng cũng cần được dẫn nhập vào những tác phẩm chính của bộ Sách Thánh, vào những mức độ diễn giải khác nhau, v.v. Họ cũng phải được khai tâm về truyền thống, lịch sử và linh đạo đan tu. Họ phải được đào tạo tốt về giáo lý kitô giáo và được khai dẫn vào giáo phụ học. Việc đào tạo này cần thiết cho mọi người, dù có mang những hình thức rất khác nhau. Trong một số đan viện, nơi mà các tập sinh đã được đào tạo tốt về cơ bản, việc đào tạo này sẽ thực hiện qua một chu kỳ những lớp được tổ chức chặt chẽ. Trong những trường hợp khác, hệ thống giám hộ được xét là tốt hơn. Có những người lợi dụng được cách học hỏi có tính khoa học trong khi những người khác lại thích đơn giản hơn. Không phải mọi người đều có những nhu cầu hay những khả năng trí tuệ giống nhau. Tuy nhiên, phải biết biện phân những động cơ thúc đẩy nơi các ứng sinh, ngày nay họ thường muốn sống một đời rất đơn giản, không cần học hành gì. Cái ham thích những “cuộc hiện ra” và những điều phi thường, như ta thấy nơi một số đan viện, thường là do thiếu hiểu biết sứ điệp cốt yếu của Kitô giáo.
Cộng đoàn phải biết vạch ra một chương trình học tập là thành phần của chương trình tổng quát về đào tạo. Một phần chương trình đó được thực hiện trong thời gian tập viện và học viện. Phần còn lại sẽ được học hỏi suốt đời.
Nếu trong một vài đan viện chúng ta ngày nay có chủ trương chống tri thức cách nào đó, một phần có lẽ là để phản ứng lại sự kiện nhiều “nhà đào tạo” có khuynh hướng muốn gom tất cả công việc đào tạo đan tu vào một chuỗi giáo trình. Từ vài thập niên, ở các Dòng đan tu, người ta nghiên cứu nhiều về tư tưởng của các linh phụ trong đan tu trào. Chúng ta giảng dạy về các ngài cho tập sinh và khấn sinh trẻ. Tôi không chắc điều đó đã luôn mang lại kết quả như mong muốn. Tại sao? Có lẽ tại vì tập sinh phải tiếp xúc quá sớm với tư tưởng của các ngài trước khi có được căn tính đan tu giúp họ có thể tự mình hấp thụ những tư tưởng ấy và được chúng đào tạo hơn là học tập về chúng.
Vị tập sư lý tưởng là người, sau khi đã hấp thụ hoàn hảo truyền thống đan tu, có thể truyền đạt lại nguyên vẹn nội dung mà không bao giờ trưng dẫn bất cứ linh phụ nào của đan tu trào. Xin nêu một thí dụ. Các linh phụ xitô thế kỷ 12, tuy hiểu biết nhiều về tư tưởng các Giáo phụ hy lạp và la tinh, được đào tạo bởi tư tưởng các ngài, lại dường như không bao giờ “giảng dậy” tư tưởng ấy. Ta cũng có thể nói các ngài không bao giờ giảng dậy Kinh Thánh, dù rằng các ngài đã thuộc lòng và thường xuyên trưng dẫn, và đôi khi sử dụng thủ thuật văn chương bằng cách diễn giải một Sách trong Kinh Thánh để làm như phương tiện truyền đạt giáo huấn thiêng liêng của mình. Các ngài truyền đạt điều mình đã sống.
Tác phẩm của các linh phụ, cũng như Kinh Thánh, chỉ bày tỏ bí mật của chúng nếu được đọc trong một nền văn hóa đan tu cùng thể hiện những giá trị như chúng. Do đó, một lần nữa xin nhắc lại tầm quan trọng của việc phát triển một nền văn hoá đan tu bao gồm mọi yếu tố của cuộc sống. Và một trong những yếu tố đó là lao động.

Lao động
Đối với thánh Biển Đức, lao động là một yếu tố nòng cốt của đời đan tu. “Họ chỉ thực sự là đan sĩ nếu sống bằng công việc do tay mình làm” (TL 48, 8). Lao động, dù là lao động chân tay hoặc trí thức, hay mục vụ trong một số trường hợp, là cơ hội bày tỏ khả năng sáng tạo hay khả năng cộng tác với người khác và với Thiên Chúa. Đan sĩ phải học cho biết làm những công việc nghiêm túc để phục vụ cộng đoàn, hay, nhân danh cộng đoàn, phục vụ Giáo Hội và xã hội.
Lao động sẽ không thực hiện được vai trò đào tạo, nếu có tính cách ham mê theo lối tài tử, hoặc có khuynh hướng trở thành cơ hội bày tỏ ham muốn quyền lực và ý riêng.
Trong cộng đoàn đan tu, lao động có ảnh hưởng lớn trên bầu khí chung và thế quân bình của cộng đoàn nên viện phụ không thể giao cho một mình vị quản lý việc tổ chức đời sống vật chất. Ngài có trách nhiệm quan tâm để lao động được tổ chức sao cho có thể hỗ trợ sự tăng trưởng đan tu của đan sĩ, trẻ cũng như già.

IV. Các giai đoạn đào tạo

    Mặc dầu đào tạo là một tiến trình kéo dài suốt cuộc đời, như đã nói trên đây, nhưng tiến trình này cũng có những giai đoạn rất khác nhau, với những thách đố, những ân sủng và vấn đề của từng giai đoạn. Trong bài này, không thể phân tích tỉ mỉ từng giai đoạn, nhưng chúng tôi muốn ít là liệt kê các giai đoạn ấy và nhắc qua một số phương diện có ý nghĩa hơn của mỗi giai đoạn. Những giai đoạn khởi đầu là khi thỉnh sinh và tập sinh cần được hướng dẫn và trợ giúp nhiều hơn, hay khi khấn sinh trẻ phải học hỏi nhiều thứ. Giai đoạn giữa cuộc đời, trong đó ta tăng trưởng nhờ những trách nhiệm phải đảm nhận trong cộng đoàn. Ở mỗi giai đoạn đều có những khủng hoảng, và sau cùng là khủng hoảng của tuổi già và của cái chết. Nhưng đầu tiên là thời gian phân định ơn gọi trước khi vào đan viện.

Thời gian phân định
Ta không vào đan viện để coi xem ta có thích không hay ta có thể đáp ứng các đòi hỏi của nơi đó không. Ta vào đan viện để sống đời đan tu. Dĩ nhiên, dựa trên cơ sở của kinh nghiệm hằng thế kỷ, Giáo Hội đã ấn định nhiều giai đoạn kế tiếp trong việc dấn thân vào đời đan tu trước khi có quyết định chung cuộc. Nếu ứng sinh chỉ đến để “xem” cho biết vậy, chứ không quyết tâm mạnh mẽ hiến thân sống đời đan tu ngay từ lúc đầu, sẽ ít có may mắn là họ ở lại được.
Vì thế việc phân định trước khi vào đan viện có tầm quan trọng hàng đầu. Nhận ứng sinh khi chưa phân định rõ ràng sẽ chẳng giúp ích gì cho họ, cũng như cho Giáo Hội và cộng đoàn.
Khi một người đến trình diện, điều trước hết là phải phân định xem họ đến vì lý do gì. Và như trong nhiều trường hợp, các ứng sinh không hoàn toàn ý thức về những động cơ đích thực đã thúc đẩy họ. Thường phải giúp họ và cùng với họ phân định những động cơ này. Có người đến với đan viện vì đột nhiên muốn hoán cải và muốn dâng mình hoàn toàn cho Chúa; có người vì nhận được ơn cầu nguyện sâu xa và muốn hiến trọn đời để cầu nguyện; hoặc đó là một linh mục hay một tu sĩ hoạt động từng miệt mài với sứ vụ tông đồ không có giờ nghỉ ngơi nay khao khát được sống đời cầu nguyện chiêm niệm. Trong mọi trường hợp, phải giúp họ phân định xem có thực sự Chúa gọi họ vào đời chiêm niệm không hay Chúa muốn họ sống sâu sắc hơn ngay tại nơi họ đang ở những giá trị kitô giáo mà họ cảm thấy rất cần.
Mặt khác của phân định là coi xem ứng sinh có những điều kiện cần để sống lâu dài trong cuộc sống họ muốn dấn thân vào không: sức khoẻ thể lý và tâm thần, kỷ luật sống hay khả năng chấp nhận một kỷ luật sống, tính kiên trì v.v. Đối với những ai đã bị tổn thương nặng vì cuộc sống: tuổi thơ bất hạnh, kinh nghiệm phái tính sớm và tiêu cực, thất bại trong hôn nhân, v.v., cần phải quan tâm tới họ cách đặc biệt hơn. Nếu họ chưa chấp nhận được cách tích cực những thử thách ấy, thì phân định tốt có thể làm là giúp họ chữa trị các tổn thương đó trước khi gia nhập đan viện. Nếu cộng đoàn đan viện có thể được coi như một cộng đoàn điều trị, theo nghĩa tất cả chúng ra đều bị thương tích do cuộc đời, hoặc do tội lỗi chính mình gây ra, và theo nghĩa cộng đoàn là nơi bình thường để tăng trưởng nhân bản, tâm lý cũng như thiêng liêng, thì sự quân bình và sức khoẻ vừa đủ là cần thiết để có thể được chữa trị và tăng trưởng. Một người mà các thương tích cần được tâm lý gia chuyên nghiệp trợ giúp, phải được chữa trị trước khi vào nhà tập. Việc chữa trị này đòi con người dồn tất cả nghị lực tâm lý vào, giống y như công việc đào tạo ở nhà tập vậy. Không thể làm hai chuyện một lúc.
Một cộng đoàn vững mạnh với một truyền thống đan tu lâu dài có thể dễ dàng nhận những ứng sinh mà ơn gọi đan tu chưa có dấu gì là chắc chắn. Việc phân định chung cuộc sẽ dễ dàng thực hiện căn cứ vào đời sống cụ thể. Nhưng điều đó không thể áp dụng cho một cộng đoàn nhỏ mới thành lập. Trong trường hợp này, căn tính của cộng đoàn chưa được thiết lập đủ mạnh để ứng sinh mau chóng khám phá ra đấy có phải là chỗ của họ không; đàng khác, sự có mặt của một hay nhiều ứng sinh thực sự không có ơn gọi sẽ buộc cha tập sư phải dành thời gian quí báu để cùng họ bận tâm đến những vấn để chẳng có liên quan gì tới đời sống đan tu cả; còn những ơn gọi thực sự thì lại bị lơ là.
Giữa những động cơ sai lệch có thể đẫn người ta tới đan viện, phải kể trước hết là việc tìm an toàn vật chất. Dù sao đi nữa, người ta cũng gần như được bảo đảm ba bữa ăn mỗi ngày và một mái nhà để nương thân cũng như những chăm sóc cần thiết khi đau ốm. Có lẽ động lực này ít có tác dụng trong những nước thuộc đệ nhất và đệ nhị thế giới, nhưng có thể còn tác dụng nơi các Giáo Hội trẻ. Việc tìm thăng tiến xã hội cũng là một động cơ sai lệch như thế.
Trong một thời đại đầy những bất ổn ở mọi mức độ như thời chúng ta, không hiếm người tìm đến đan viện vì muốn được yên ổn tâm lý và tinh thần. Chẳng có gì xấu cả, nếu đó không phải là động cơ chính. Điều cần là phải mau chóng giúp đỡ các người trẻ tìm được an toàn trong mối tương quan đầy tin tưởng với Chúa, chứ không phải nhờ sự nâng đỡ giả tạo từ các tổ chức cứng nhắc hay những kỷ luật lỗi thời. Không được biến các đan viện chúng ta thành những trại di cư cho người có văn hóa.
Phần lớn nền văn chương được gọi là “thiêng liêng” đã làm ta lẫn lộn đáng tiếc giữa “từ bỏ thế gian” và khước từ nền văn hóa hiện nay. Nếu ai đến với đan viện vì thấy thế gian bệnh hoạn xấu xa và vì muốn bỏ thế gian để lo phần rỗi trong đan viện, thì nên bảo họ trở về thế gian và giúp họ yêu cái thế gian bệnh hoạn ấy, như Thiên Chúa đã yêu thương nó vậy. Chỉ sau đó họ mới có thể trốn vào sa mạc, như các linh phụ sa mạc, không phải vì sợ chiến đấu, nhưng để chiến đấu với quyền lực sự dữ đang hoành hành không chỉ trong thế gian nhưng cũng và trước hết trong tâm hồn họ.
Một số người tìm đến đan viện sau khi đã có kinh nghiệm sống trong một lối sống cộng đoàn kitô đặc thù – cộng đoàn đặc sủng hay gì khác – với một linh đạo riêng biệt và một ý thức rất mạnh về tình huynh đệ. Theo nguyên tắc, điều đó có thể là bước chuẩn bị tuyệt vời để sống đời cộng đoàn; nhưng không hiếm trường hợp điều đó tạo nên vấn đề, nếu “cuộc sống cộng đoàn” bị đồng hóa với lối sống đặc thù ấy. Khi đó những người ấy sẽ không có “cuộc sống cộng đoàn” trong cộng đoàn họ mới gia nhập, vì họ không gặp lại được sự hợp nhất tập thể nồng nhiệt như họ đã biết trước kia. Có những tương quan huynh đệ nồng nhiệt người ta có thể thực hiện trong những buổi nhóm họp cuối tuần, nhưng không thể thực hiện trường kỳ mà lại không bị khó tiêu.
Cùng một nguyên tắc ấy cũng có thể áp dụng cho những hình thức cầu nguyện mà ứng sinh đã biết trước khi tới đan viện. Đôi khi có mối nguy đồng hóa “cầu nguyện” với những hình thức ấy. Một dấu chỉ cho thấy ứng sinh có ơn gọi là họ có khả năng cầu nguyện theo kiểu đan tu: tức là Thần Vụ và sau đó là việc cầu nguyện cá nhân được nuôi dưỡng bằng lectio divina.
2) Thời kỳ thỉnh tu
Mặc dầu Giáo Luật không ấn định rõ ràng (tuy khoản 507, 2 nói tới việc chuẩn bị tương xứng trước thời kỳ tập), phần lớn các cộng đoàn đều có thời kỳ thỉnh tu, dài ngắn tùy theo trường hợp.
Đáng tiếc là thời gian này thường được dùng để dậy giáo lý (lẽ ra đã dậy trước khi vào đan viện rồi) hoặc để bắt đầu dậy chương trình của tập viện. Điều đó làm cho kỳ thỉnh tu mất đi tính cách quan trọng riêng biệt của thời gian chuyển tiếp.
Thực vậy, lúc mới gia nhập đan viện là lúc quan trọng của đời một đan sĩ. Đó là lúc chuyển tiếp từ một cách sống qua một cách sống khác. Chuyển tiếp này bắt đầu bằng việc dứt bỏ về thể lý và tình cảm những tương quan cá nhân mà cho tới khi ấy căn tính riêng của thỉnh sinh đã lệ thuộc một phần lớn. Nếu thỉnh sinh đã sống trong một gia đình hạnh phúc và đã có nhiều bạn, việc dứt bỏ sẽ khó khăn hơn.
Vì chưa hội nhập hoàn toàn với cách sống mới, nên bình thường thỉnh sinh sẽ cảm thấy lạc lõng, trống vắng sâu xa và đôi khi như bị mất hướng. Đây là giai đoạn chết đi và sống lại, trong giai đoạn này thỉnh sinh hồi tưởng lại những gì anh đã sống trước đây, những gì làm anh trở nên như hiện thời, những gì anh đã từ bỏ và vẫn còn tiếp tục yêu mến (gia đình, bạn hữu v.v.).
Cha tập sư phải quan tâm tới những gì thỉnh sinh đang trải qua trong cuộc sống hiện tại. Sẽ rất sai lầm nếu không cho họ được sống những ngày “tang tóc” này. Nhưng sống tốt và sống có ý thức những ngày này, đó là điều quan trọng cơ bản đối với cả cuộc đời đan sĩ. Thật là một sai lầm lớn nếu chất đầy những ngày đầu – có khi suốt cả thời gian thỉnh tu – bằng nhiều thứ sinh hoạt, hội họp, thuyết trình để thỉnh sinh phải bận rộn liên tục. Như thế là không còn để cho họ có thể thực hiện hành trình vào sa mạc cách ý thức nữa.
Thời kỳ thỉnh tu không phải là lúc học tập hay nghe thuyết trình, chỉ trừ những gì thật cần thiết để giúp thỉnh sinh hoà nhập với cuộc sống cộng đoàn. Đó là thời gian để làm quen dần với đời sống đan tu. Thỉnh sinh phải thực hiện một cuộc khám phá về nơi ở mới, về cộng đoàn, tu luật và viện phụ.
3) Thời kỳ tập viện và học viện
Tuy việc phân định ơn gọi sẽ tiếp tục trong thời gian tập viện, nhưng trước hết tập viện không phải là thời gian phân định, vì ta chỉ nhận vào tập viện những ai ta cho là đã được phân định về ơn gọi đan tu rồi. Tập viện là thời gian lớn lên và trưởng thành, theo sự hướng dẫn của tập sư: lớn lên về ý thức và chấp nhận chính mình, lớn lên trong những tương quan cộng đoàn, và trước hết là lớn lên trong tương quan cá nhân với Chúa.
Để được vậy, ta phải giúp tập sinh biết chuyên tâm cầu nguyện và nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa. Ta sẽ cho họ tiếp xúc dần dần với đại truyền thống đan tu và với các bậc thầy về đời sống thiêng liêng để giúp họ xác lập được căn tính thiêng liêng của riêng mình.
Học viện, rất thường chỉ được coi như thời gian học tập, vì các môn học chiếm phần lớn thì giờ, trước hết là thời để đan sĩ trẻ gắn bó hơn với cộng đoàn của mình, trong khi thi hành một số trách nhiệm, và là thời để chuẩn bị dấn thân vĩnh viễn.
4) Khủng hoảng
Bình thường trong thời gian đầu của đời đan tu, tập sinh cảm thấy thích thú. Hiếm nghe có ai nói khi ở tập viện họ không cảm thấy thoải mái hơn cả trong suốt đời tu của mình. Nhưng cũng chẳng hiếm người, ngay trong thời gian tập hoặc ít năm sau đó, đã gặp đau khổ khi giáp mặt với những vấn đề của bản thân mà họ cứ tưởng đã được giải quyết lâu rồi, thế mà nay chúng lại xuất hiện mãnh liệt hơn. Nếu trong những năm đầu, ta liên tục bị ngụp lặn trong học tập hay những công việc khác làm ta thích thú, cơn khủng hoảng này sẽ đến muộn hơn nhiều. Có khi nó xuất hiện ít lâu sau ngày khấn trọng thể hay, nếu là đan sĩ linh mục, sau ngày chịu chức.
Những vấn để bản thân này có thể mang những tính chất khác nhau: phái tính không được hội nhập và định hướng đầy đủ; những vết thương tâm lý gây ra bởi gia đình có người rượu chè; cá tính khó sống hay những thay đổi sắc diện bất thường và đột ngột v.v. Sự thinh lặng và thanh vắng của sa mạc đan tu, sự thiếu nâng đỡ từ người khác, và nỗi khó khăn lớn khi muốn giữ mãi những mặt nạ của mình trong đời sống chung sẽ làm cho các vấn đề trên đây xuất đầu lộ diện.
Tất nhiên đó không phải là những vấn đề riêng của đời đan tu. Trong thế gian có thể là mỗi lần xuất hiện một vấn đề và có lẽ được giải quyết nhờ nghề nghiệp khá thành công, nhờ hỗ trợ tâm lý hay nhờ cuộc sống hôn nhân tốt đẹp. Nơi đan viện, có những khi chúng xẩy đến cùng một lúc. Khi ấy ta phải coi lại xem mình đã xây nhà trên đá hay trên cát (Mt 7, 25).
Nếu đời sống chung là cơ hội cho khủng hoảng bùng nổ, bối cảnh cộng đoàn lành mạnh cũng giúp phương tiện để tích cực vượt qua, nhờ ân sủng của Chúa, nhờ phân định của cha thiêng liêng và sự hỗ trợ của anh em. Mọi bước tiến tới một giai đoạn tăng trưởng mới đều bao hàm một thứ bất hội nhập tích cực của nhân vị cần được tái cấu trúc trên những cơ sở mới. Nhiều tình huống mà ngày nay coi như bị suy sụp thần kinh có thể là những khủng hoảng, gọi là “đêm tối” theo ngôn ngữ thần bí và là cơ may để thực hiện một bước nhảy vọt về phẩm chất trong việc tăng trưởng nhân bản và thiêng liêng. Đó là yếu tố cốt yếu của đào tạo liên tục mà người ta quá thường đồng hóa với những khóa bồi dưỡng định kỳ.
Sau hết, cộng đoàn đan tu phải đặc biệt quan tâm trợ giúp mỗi thành viên của mình thanh thản vượt qua cơn khủng hoảng cuối cùng, mà không ai có thể tránh và sẽ niêm ấn Thánh Thần trên hình ảnh Chúa Kitô nơi họ.

Kết luận

Theo Tu Luật thánh Biển Đức, người mới đến được đào tạo trong khi sống cuộc sống của cộng đoàn. Vì thế họ được ủy thác cho một đan sĩ chín chắn, biết phân định và có nhiệt tâm với các linh hồn. Đan sĩ ấy có nhiệm vụ cốt yếu là phân định xem ứng sinh có chuyên cần thực hiện các yếu tố nòng cốt của đời đan tu, là những yếu tố sẽ đào tạo họ trước hết không: cầu nguyện chung với cộng đoàn, vâng lời và chịu xỉ nhục.
Đó là lộ trình đào tạo mà đời sống đan tu cống hiến để giúp chúng ta có được tâm hồn tự do. Nhờ vậy, khi cõi lòng rộng mở do đức ái nồng nhiệt, chúng ta có thể chạy trên đường giới răn Chúa, và với ơn Chúa trợ giúp chúng ta sẽ hoàn toàn biến đổi nên giống Chúa Kitô vào ngày hội ngộ với ngài.

Trích từ Website O.C.S.O.