VẺ ĐẸP KHẮC KHỔ CỦA SA MẠC

VẺ ĐẸP KHẮC KHỔ CỦA SA MẠC

Paul Houix ocso

        “Các đan sĩ dõi theo vết chân những người được Thiên Chúa mời gọi vào cuộc chiến đấu thiêng liêng trong những thế kỷ trước đây”. Câu này trong bản Hiến Pháp mới của chúng ta (3, 3) [1] diễn tả nét đặc thù của ơn gọi đan tu, tức là lời mời gọi vào sa mạc.

        Tính biểu tượng của sa mạc có thể giúp chúng ta tìm hiểu đời sống đan tu khi rút ra từ đời sống đó vài ba trục lớn được trình bày cách khái quát trong bài này. 

        1. Tiếng gọi vào sa mạc

        “Ta sẽ quyến rũ nó, dẫn nó vào sa mạc và tâm sự với nó” (Os 2, 16). Chẳng ai vào sa mạc nếu không được Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống linh hứng. Đó là một ơn gọi theo nghĩa chặt, tức là một tiếng gọi mà đôi khi người ta đã chối từ. Có thể nói ngay rằng người ta không chọn đi vào sa mạc, không chọn làm cuộc mạo hiểm thiêng liêng có thể gây sợ hãi này, vì theo Kinh Thánh sa mạc luôn luôn cho thấy hai phương diện nổi bật: vừa là nơi gặp gỡ Thiên Chúa đấng quyến rũ chúng ta, vừa là nơi chiến đấu với sức mạnh của sự dữ. Sa mạc cũng là thửa vườn trong sách Nhã Ca, nơi cử hành giao ước, nơi mà đất cát khô chồi nóng bỏng, nơi trào dâng nỗi ước mong.

        2. Sa mạc như nơi chốn của mặc khải

        Trong thinh lặng của sa mạc, con người có thể nghe tiếng Chúa nói với lòng mình. Để nghe được tiếng Chúa, phải có trái tim tinh tuyền, mà theo Cassianô, là mục đích của đời sống đan tu. Trái tim tinh tuyền, hay đang được thanh tẩy, có khả năng lắng nghe Lời Chúa, nhờ Lời đó hai cuộc mặc khải sẽ được thực hiện:

        – Mặc khải về Thiên Chúa chân thật trước các thần tượng: Môsê được coi như người nhận mặc khài này với tất cả những yêu sách của nó. Chính Chúa Giêsu, sau 40 ngày trong sa mạc, đã đẩy lùi Satan, tên cám dỗ, khi đứng về phía Thiên Chúa là Cha của ngài: “Ngươi phải thờ lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và chỉ tôn thờ một mình ngài” (Lc 4, 8). Tôn thờ Thiên Chúa chân thật là thái độ chính đáng, nói lên cùng một lúc sự gần gũi và xa cách, sự thân tình và tôn kính. Tôn thờ trong tình yêu sẽ tránh được sự hòa nhập với Thiên Chúa chân thật hay chiếm đoạt ngài; ta không sử dụng Thiên Chúa, nhưng đặt mình trước mặt ngài để chờ ngài đến với ta.

        – Mặc khải về cái tôi đích thực trước thần tượng của tôi: “Hãy nhớ lại Thiên Chúa đã dẫn ngươi đi trong sa mạc bốn mươi năm trường, để người hạ mình xuống, và dò xét tận đáy lòng ngươi xem ngươi có muốn hay không muốn tuân giữ các mệnh lệnh của Người” (Đnl 8, 2). Nơi sa mạc, không ai trốn tránh được sự thật về mình, vì tất cả đều trơ trụi, tất cả đều được bóc trần. Nơi đây Thiên Chúa được mặc khải không cho phép có mưu mô hay dấu diếm: Ngài làm cho ta biết được cả nơi sâu thẳm nhất của lòng mình. Giờ phút nghiêm trọng cho con người khi rốt cuộc họ nhìn thầy mình là gì. Không hiếm trường hợp một mặc khải như thế kéo theo sự hoán cải nhờ kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa.

        3. Sa mạc như nơi chốn của lòng thương xót

        Việc khám phá thường bất ngờ về nỗi khốn cùng trong lòng con người là thời điểm quyết định đối với họ, vì nó sẽ giúp họ có được một khám phá khác còn quan trọng hơn: khám phá ra lòng thương xót. Kinh Thánh để lại cho ta nhiều mẫu gương về điều đó, chẳng hạn trường hợp vua David. Sau khi tiên tri Nathan tới gặp vua và nói với vua một câu bất hủ “Người đó chính là ngài”, vua đã “ăn chay nhiệm ngặt, nằm ngủ trên đất, mình cuốn bao bị” (2 Sm 12, 16). Chúng ta cũng nhớ trường hợp thánh Phêrô. Sau khi chối Thầy ba lần, ngài liền nghe gà gáy, chính lúc đó ngài thấy Chúa Giêsu quay lại nhìn mình, và lập tức thánh nhân “đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết” {Lc 22, 61-62). Ai khóc lóc khi khám phá được tận căn tội lỗi của mình, người ấy sẽ biết rằng họ khóc không phải vì ý thức về tội lỗi mình đã phạm, nhưng vì lòng thương xót vô biên mà họ chiêm ngắm trong cái nhìn của Chúa Giêsu. Có lẽ không có chiêm niệm nào đích thực hơn thế chăng?

        Các đan sĩ xitô tiên khởi đã muốn thiết lập một ngôi trường bác ái (schola caritatis). Nơi ngôi trường này, người ta học cho biết mình được yêu thương bằng tình yêu thương xót ấy và học để biết yêu bằng con tim tràn đầy lòng thương xót. Một cộng đoàn đan tu không thể tồn tại lâu được nếu giữa các phần tử với nhau không có lòng thương xót, được biểu lộ qua cái nhìn về người khác. Nhìn thấy cái xấu, nhưng cũng nhìn xa hơn cái xấu nữa, nhìn thấy cõi lòng con người tội lỗi luôn luôn được Thiên Chúa yêu thương. 

        Sa mạc nhào nặn nên con tim biết thương xót bằng việc gặp gỡ Đấng Chịu Đóng Đanh, đấng đã hứa cho tên trộm cướp niềm vui được ở với mình hôm nay trên thiên đàng (x. Lc 23, 43). Chỉ duy có thập giá của Con Thiên Chúa mới bảo đảm cho con người tội lỗi được cứu độ vô điều kiện. Như con rắn đồng được treo lên trong sa mạc, thập giá Chúa Giêsu thu hút cái nhìn của con người bị tội lỗi cắn. Vậy không được ngạc nhiên nếu đan sĩ, con người của sa mạc, dám nói nhiều về tội lỗi như thế. Nhờ kinh nghiệm riêng họ biết rằng tội có thể trở nên cơ hội cho cuộc gặp gỡ rạng ngời và có tính giải thoát với cái nhìn của Đấng Chịu Đóng Đanh.

        4. Sa mạc như nơi chốn của lời ca ngợi và chuyển cầu   

        Việc gặp gỡ lòng thương xót không hề làm cho đan sĩ tự khép kín trong sự hối hận gây tê liệt, nhưng biến đổi họ thành chứng nhân trào dâng lời tạ ơn và ca ngợi. Thực vậy, khi hiểu được những chiều kích của ơn tha thứ Thiên Chúa ban, người ta sẽ chỉ còn biết đắm chìm trong niềm tri ân sâu thẳm và biến đời mình thành lễ tạ ơn không ngừng. Dĩ nhiên là phải tôn vinh Thiên Chúa, mọi nơi mọi lúc, vì sự kỳ diệu của công trình sáng tạo, và cũng như ai khác con người của sa mạc nhận ra sự vô cùng lớn lao của tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho loài người; nhưng lời nguyện của thánh lễ Vọng Phục Sinh cho chúng ta thưa với Chúa: “Chúa đã dựng nên con người cách kỳ diệu, lại còn cứu chuộc con người cách kỳ diệu hơn nữa”.

        Sa mạc, nơi mà đan sĩ đã được Thần Khí dẫn vào, không phải là nơi duy nhất có thể làm trào dâng lời ca ngợi, nhưng nếu thiếu   lời ca ngợi, sa mạc có nguy cơ biến thành nơi thanh vắng cằn cỗi. Nhờ có lời ca ngợi, sa mạc lại trở thành nơi chốn của ân sủng, nơi mà cộng đoàn tạ ơn hát mừng Thiên Chúa ba lần thánh, Ba Ngôi diễm phúc, đấng mời gọi con người đi vào cuộc sống riêng tư của ngài. Trở nên con trong Con yêu dấu khi chịu phép rửa, đan sĩ đón nhận Thần Khí, đấng thần hóa họ và làm cho họ thành người hơn nữa.

        Khi đó cái nhìn của họ hướng về anh em mình và lời ca ngợi của họ mở ra hướng chuyển cầu bao trùm toàn thể nhân loại. Con người của sa mạc không kết án ai và không mong muốn tự tách rời khỏi những người họ coi như là tội nhân. Trái lại họ cảm thấy rất liên đới với những niềm vui và những hy vọng, những nỗi buồn và những âu lo của các người ấy (Mở đầu Gaudium et Spes), họ ôm ấp tất cả trong lời chuyển cầu thiết tha. Và họ xin gì cho thế gian nếu không phải là xin Thần Khí Chúa Kitô. Lời cầu nguyện của đan sĩ là lời liên lỉ xin ơn Thánh Thần, vì đan sĩ biết rằng hồng ân tuyệt hảo chính là Thánh Thần, đấng trợ giúp con người thời đại chúng ta tìm kiếm và gặp được những giải pháp cho các vấn đề nghiêm trọng đang đè trên họ. Việc phục vụ mà đan sĩ dành cho thế giới chính là lời cầu nguyện này, đó là một cuộc chiến đặc biệt họ phải đương đầu ngày đêm nhân danh các anh em đồng loại của mình.

        Khi thánh Antôn, người cha của các đan sĩ, qua đời, Sérapion viết cho các môn đệ của mình: “Thế gian đã mất đi một vị chuyển cầu vĩ đại, ngài đã chuyển cầu cho toàn thể vũ trụ”.

        5. Sa mạc như nơi chốn người ta nhìn thẳng vào cái chết

        Thế giới xưa nay vẫn sống trong sự mâu thuẫn kỳ lạ: một đàng người ta không ngừng nói tới cái chết và phơi bày xác chết khắp nơi, đàng khác người ta lại không dám nhìn thẳng vào cái chết. Bằng mọi cách, người ta cố tránh cái chết. Nơi sa mạc, cái chết không bị che đậy, ngươi ta coi nó là chuyện bình thường. Thánh Biển Đức nói trong tu luật rằng hằng ngày phải nghĩ đến cái chết. Còn thánh Antôn, trước khi chết đã để lại cho các môn đệ của mình lời trối như sau: “Hãy luôn luôn hít thở Chúa Kitô, hãy tin nơi ngài, hãy sống mỗi ngày như thể đang chết”. Trước đây ngài đã nói với họ: “Nếu chúng ta sống như thể đang chết mỗi ngày, chúng ta sẽ không phạm tội”.

        Những lời nói kiểu đó có thể không còn hiểu được nữa, vì xem ra không lành mạnh khi gần như sống chung với cái chết như vậy. Phải chăng điều đó lại không nhắc tới những tấm hình xưa kia vẽ một đan sĩ ngồi suy niệm trước cái sọ người, hay một đan sĩ đang đào huyệt cho mình, hoặc một đan sĩ đang đi bỗng gặp một người anh em liền nói: “Anh ơi, chúng ta phải chết đấy”? Ngày nay những chuyện quá đáng như vậy không còn thấy trong các đan viện nữa. Nhưng ở những nơi đó, các đan sĩ bình an đợi chờ cái chết.

        Nói vậy không có nghĩa là trong đan viện người ta chết tốt hơn ở sa mạc xưa kia. Người ta có thể mơ tới một cái chết đẹp, nhưng thực tế đôi khi lại chẳng đẹp mấy. Đối với đan sĩ cách chết ít quan trọng hơn thực tại của cái chết. Họ biết mình là một hữu thể sinh ra để chết và họ sống theo ý hướng đó, với hy vọng có thể thưa với Chúa như ông bác sĩ người Anh kia: “Lạy Chúa, xin làm cho con được sống khi con chết”. Đức tin vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh giúp họ nhìn cái chết cách sáng suốt. Họ biết mình cũng sẽ không tránh được cái chết vào thời giờ đã định mà có thể đôi khi họ thấy sợ, nhưng ngày qua ngày họ tiến gần tới giờ đó để gặp gỡ tỏ tường Đấng mà suốt đời họ tìm kiếm trong tối tăm. Nghĩ đến cái chết không cản trở con người của sa mạc yêu mến cuộc sống trần gian, giang rộng đôi tay ôm ấp lấy nó, vì họ cũng nghĩ rằng “Nghệ thuật chết phải trải rộng cả cuộc đời. Ai sống vui tươi, cởi mở, lành mạnh, đó là người tập chết mỗi ngày” (Friedrich Heer).

        Việc chôn cất một đan sĩ biểu lộ sự chấp nhận cái chết trong đức tin: thân xác người anh em vừa qua đời được đặt giữa ca tòa cho tới khi an táng. Trong thời gian này, các anh em thay phiên nhau đọc thánh vịnh gần thi hài, rồi đến ngày ấn định, họ mang thi hài ra nghĩa trang, đặt xuống huyệt mà không có quan tài, như một hạt giống được gieo xuống và lấp đất đi. Nghi thức chôn cất này biểu lộ trọn vẹn ý nghĩa: con người của sa mạc biết rằng một ngày kia họ phải trở về với đất, vì họ là bụi đất nên phải trở về bụi đất. Làm sao họ lại không hiểu cùng với thánh Biển Đức rằng chỉ có một con đường đi về với Chúa, đó là con đường khiêm nhượng [2]

        6. Sa mạc như nơi chốn trái đất tìm lại được giá trị của mình   

        Hình ảnh về thân xác một con người được anh em mình đặt xuống đáy huyệt họ đã đào cho mình có ý nghĩa biểu tượng rất lớn: hình ảnh ấy nói lên rằng con người thực sự là “người bởi đất”, chỗ của họ ở trên mặt đất và trong lòng đất. Nếu họ hết lòng khát vọng niềm vui trên trời, nếu họ ước muốn sự sống vĩnh cửu bằng tất cả nỗi ao ước thiêng liêng của mình (concupiscentia spiritualis, như thánh Biển Đức viết), họ cũng yêu mến trái đất và thấy thoải mái ở đó.                                             

        Lời khấn bền đỗ gắn kết đan sĩ với cộng đoàn của mình, nhưng cũng gắn kết họ với nơi chốn mà họ sẽ sống trong suốt cả cuộc mạo hiểm đan tu của họ. Một số đan sĩ đã sống ở một nơi như thế từ hơn năm mươi năm. Dường như có một sự thẩm thấu nào đó giữa con người của sa mạc và mảnh đất họ sống: họ biết đấy là mảnh đất khô cằn, trên đó bằng đôi tay của mình họ lao động, họ trồng cây, dựng nhà cửa. Người ta đã nói về một trong các vị sáng lập Xitô rằng “ngài yêu anh em và địa sở”. Trong thế giới chúng ta, khi mà con người thường bị bật gốc, thay đổi chỗ ở vì những lý do khác nhau, các đan viện lại là những nơi chốn vững bền. Hẳn cũng có nguy cơ là an vị nơi đó rồi quên đi những gì xẩy ra chung quanh, nhưng sự bền đỗ cũng giúp đào tạo những con người có cội rễ nhân bản và thiêng liêng tốt. Đó là kết quả của việc  hòa giải với trái đất, con người lại trở thành vua của vạn vật. 

        Công việc mà con người của sa mạc làm nên là một trong những biểu hiện đẹp nhất của việc hòa giải đó, đấy là công việc mà trong thông điệp Laborem Exercens Đức Gioan Phaolô II nói là “một điều thiện hảo cho con người – là một điều thiện hảo cho nhân tính của con người – vì, khi làm việc, không những con người biến đổi thiên nhiên cho thích hợp với những nhu cầu riêng của mình, nhưng còn tự thể hiện mình như con người, và ngay cả, theo một nghĩa nào đó, trở nên người hơn” (số 3). Đó là lý tưởng rất rõ ràng nhưng lại rất khó thực hiện, là lý tưởng được nhắm tới của con người nhớ lại rằng Con Thiên Chúa đã làm người và làm người lao động.

       Không nên ngạc nhiên khi mà đất lại chiếm một chỗ như thế trong kinh nguyện của con người sa mạc và đặc biệt là trong phụng vụ của họ. Cùng với Giáo Hội, họ đề cao giá trị của đất khi hát thánh vịnh và thánh ca (“Trái đất hãy chúc tụng Chúa”), và còn hơn thế nữa khi họ cầm đất trong tay dưới những dấu chỉ bánh và rượu để nhờ quyền năng của Thần Khí thánh hóa chúng trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, làm lương thực cho họ trong cuộc hành trình về Đất Mới.

        Họ yêu mến anh em và địa sở, nhưng họ mong về miền đất “sẽ chẳng còn tang tóc, khóc than, đau khổ nữa” (Kh 21, 4). Khi đề cao giá trị của miền đất mà đôi khi họ phải vất vả bước đi, họ tha thiết ước mong miền Đất khác, hay đúng hơn miền Đất đã trở nên khác, vì đã được biến đổi hình dạng nhờ vinh quang của Đấng Phục Sinh.

        7. Sa mạc như nơi chốn mà sự thinh lặng sinh ra một lời dẫn tới thinh lặng

        Theo hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, sa mạc là miền đất thinh lặng, nơi sinh ra một lời, nhờ tác động của Thánh Thần. Đó là lời anh em chia sẻ cho nhau trong cuộc sống chung: một lời sự sống mang hy vọng đến cho người anh em đang đau thương sầu khổ, một lời khích lệ cho người anh em đang bị lỗi lầm đè nặng và làm hổ nhục, một lời yêu thương cho người anh em đang cảm thấy bị Thiên Chúa và người khác bỏ rơi, một lời nâng đỡ người anh em đã mất tự tin sau một thất bại, một lời khuyến khích cho người anh em đang do dự trước bước đường không thể vượt qua, một lời sự thật không phải để nói cho người khác những sự thật của mình nhưng mời gọi họ thực hiện sự thật trong hoàn cảnh nào đó.

         Lời nói ra từ sa mạc cũng là lời mà khách vãng lai đến để tìm kiếm. Con người của sa mạc không phải là một anh mọi câm, nhưng là một người anh em có trái tim bị thương tích đã gặp được lòng thương xót và đến lượt mình có thể là làm chứng cho lòng thương xót. Họ là người của hy vọng vì họ tin vào một Thiên Chúa đấng yêu thương con người đến điên dại và không thất vọng về con người, dù con người có làm những chuyện điên rồ đi nữa. Trong thinh lặng của sa mạc, đan sĩ trở nên dễ bị thương tích trước nỗi đau khổ của nhân loại và họ đón nghe tiếng kêu cầu của những người anh em họ; họ lắng nghe những nỗi khốn cùng của những người anh em ấy mà qua đó họ nghe được tiếng rên xiết của tạo thành đang sinh nở.

        Khi ấy sẽ đến với họ thời giờ của thinh lặng, lúc mà họ tin tưởng phó thác cho Thần Khí, đấng rên xiết trong họ từ ngày họ chịu phép rửa và thì thầm gọi tên, một tên làm cho sa mạc run lên vì vui sướng: Abba, lạy Cha!

       Trích từ Website O.C.S.O.

Chú thích của người dịch:

[1] Hiến Pháp của Dòng Xitô giữ luật ngặt (OCSO: Ordre cistercien de la stricte observance)

[2] “Khiêm nhượng” trong tiếng la tinh là “humilis” (tt) hay “humilitas” (dt), “humilis” có nguồn gốc là “humus”, “humus” có nghĩa là đất.