Bài Giảng Lễ Chúc Phong Viện Phụ Đôminic Saviô Trần Thiết Hùng, O.Cist.

Lễ chúc phong Viện Phụ Dominico Savio Trần Thiết Hùng

Viện Phụ Đan viện Châu Sơn Đơn Dương

Đan Viện Thánh Mẫu Sacramento, 12/10/2019

Bài đọc: St 12,1-4a; Cv 2,42-47; Ga 17,20-23

Cũng như ơn gọi của Abraham, mọi ơn gọi và sứ vụ đều bắt đầu bằng một lời hứa: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; (…), e nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (St 12,2-3)

Nội dung lời hứa của Thiên Chúa mà Người đã bảo đảm sự kiên vững và sức mạnh cho ơn gọi, thiết yếu là sự chúc lành. Lời chúc lành của Thiên Chúa không chỉ là điều khởi đầu cho một ơn gọi, một sứ vụ, cũng chẳng phải là một phần thưởng, nhưng là điều cấu thành nên ơn gọi và sứ vụ. Ơn gọi của Apraham là sự chúc lành để chính ông trở thành sự chúc lành; sự chúc lành của Thiên Chúa để chúc phúc cho mọi dân tộc trên mặt đất. Lời chúc lành của Thiên Chúa là một lời mời gọi, một ơn gọi, và một sứ vụ phát sinh từ ơn gọi này là sứ vụ chuyển tải lời chúc lành của Thiên Chúa cho tất cả mọi người.

Nhưng chúc lành là gì? Đây là câu hỏi quan trọng trong giờ phút chúng tôi sắp chúc phong cho Viện Phụ Dominico Savio một sự chúc lành quan trọng và long trọng nhất mà Giáo hội đặt sau các bí tích.

Thiên Chúa chúc phúc cho con người từ khi sáng tạo vũ trụ. Việc tạo dựng người nam và người nữ là đối tượng trực tiếp của phúc lành đặc biệt mà Thiên Chúa không thực hiện nơi những thụ tạo khác: “Thiên Chúa sáng tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa: Ngài sáng tạo họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và Thiên Chúa phán với họ: “”Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều …”. (St 1,27-28).

Chúc lành, nghĩa chiết tự là “nói tốt”, “nói sự tốt lành” về ai đó. Nhưng khi Thiên Chúa “nói tốt” cho con người thì lời của Ngài không chỉ là một hành động tán thưởng, chấp thuận, hài lòng: nhưng còn là lời sáng tạo sự thiện hảo cho con người, sáng tạo nên tính chân, thiện, mỹ cho nhân loại. Sự thiện hảo mà Thiên Chúa muốn làm phong phú ngay lập tức đó là con người có khả năng chuyển tải sự sống và tình yêu: “Thiên Chúa chúc phúc cho họ (…): các ngươi hãy sinh sôi nảy nở”. Chúc phúc của Thiên Chúa là lời sáng tạo sự thiện đặc biệt dành riêng cho người nam và người nữ là sự thiện đầy tình cha, thấm đượm tình mẹ, là sự thiện trao ban sự sống, yêu mến và chăm sóc sự sống của tha nhân.

Và như thế, phúc lành của Thiên Chúa lan truyền cho người nam cũng như người nữ, và chính Abraham, trở thành lời chúc lành “sáng tạo” sự thiện, giống như Thiên Chúa, cho người khác, hoặc nói khác đi: thúc đẩy và nhận biết sự thiện nhân danh Thiên Chúa.

Một ý tưởng rất hay của thánh Augustino trong tác phẩm Tự Thuật nói rằng ánh sáng thần linh không cho phép Isaác chúc lành cho những người con của mình rồi nhận biết chúng, nhưng là nhận biết và chúc lành cho chúng (x. Quyển 10,34[1]). Sự chúc phúc không phải là hiệu quả của sự thiện mà ta thấy nơi người khác: nhưng trước tiên là nguồn mạch; sự chúc lành sáng tạo sự thiện hảo, làm nó tăng trưởng và được nhận biết nơi những người mà chúng ta chúc phúc.

Đây chính là bí mật lớn lao của tình cha và tình mẹ đích thực. Abraham là hình ảnh vĩ đại về người cha trong đức tin mà Kinh thánh trình bày cho chúng ta. Nơi ông, tình cha của Thiên Chúa được phản chiếu cách tuyệt vời, không chỉ nơi sự phong nhiêu phi thường của hậu duệ huyết tộc và tình thần, nhưng còn bởi tình cha của Thiên Chúa được phản chiếu nơi Abraham, thể hiện nơi sự chúc lành, chuyển tải sự chúc phúc của Thiên cho tất cả con cháu của ông, cho đến chúng ta.

Nhưng để hiểu sâu xa thế nào là sinh ra trong sự chúc phúc, thì chúng ta phải hướng về Đức Giêsu Kitô, và lắng nghe lời Tin Mừng. Tất cả Tin Mừng là sự chúc phúc, là “tin vui”, nên cũng là lời đem sự thiện hảo cho ai đón nhận, lắng nghe và để mình được lôi cuốn đến cùng chân, thiện, mỹ của Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngay cả Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay cũng trình bày về lời chúc lành. Đức Giêsu nói với Cha, hướng nhìn về Người (x. Ga 17,1), như khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, trao cho các môn đệ phát cho dân chúng. Chúa Giêsu nguyện xin Chúa Cha cho các môn đệ ơn hiệp nhất để họ nên một với nhau trong tình yêu, không phải bất cứ tình yêu nào nhưng trong tình yêu kết hiệp với Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Không có tình yêu nào lớn hơn sự hiệp nhất này, và cũng không có thiện hảo nào lớn hơn điều này. Xin điều này, cũng như đã chết cho điều này, Chúa Giêsu chúc phúc cho chúng ta với phúc lành vô biên, không dò thấu và vĩnh cửu.

Khi Đức Giêsu Phục Sinh lên Trời, ngài cũng đã chúc lành cho các môn đệ đang ngước nhìn Ngài được đưa lên cao: “Và đang khi chúc lành cho họ – Thánh Luca viết – Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24,51). Đức Giêsu chính là tất cả phúc lành của chúng ta, là tất cả sự thiện hảo Chúa Cha nói với mỗi người chúng ta. Trong Đức Kitô, Chúa Cha tái sáng tạo con người và làm cho con người phong nhiêu. Mọi phúc lành của Thiên Chúa giờ được ban cho ta bởi Đức Kitô phục sinh. Trong Người, Chúa Cha chúc lành cho chúng ta và cho chúng ta trở thành sự chúc phúc cho người khác.

Vì thế, chúng ta phải đọc bài đọc hai của phụng vụ hôm nay như cách thức trong Đức Kitô, phúc lành của Chúa Cha được hình thành nơi chúng ta và giữa chúng ta. Giáo hội sơ khai mà sách Tông Đồ Công Vụ mô tả, có thể nói được như là hiệu quả trực tiếp của phúc lành bởi Đấng Phục Sinh lên trời. Ngay cả lễ Ngũ Tuần cũng là một lời chúc lành lớn lao, sự chúc lành của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng biến đổi các môn đệ trong cộng đoàn huynh đệ, trong Dân Thiên Chúa, trong Thân Thể Chúa. Và đây chính là công việc truyền giáo lớn lao của Giáo Hội mà tháng 10 này chúng ta cử hành cách đặc biệt, vì chỉ khi các môn đệ hoàn toàn hiệp nhất, thì thế giới mới có thể nhận biết rằng Chúa Cha sai Chúa Con và yêu thương nhân loại như đã yêu thương Con Một yêu dấu (x.Ga 17,23).

Cộng đoàn huynh đệ của chúng ta là một sự chúc lành tuyệt vời của Thiên Chúa để cùng ngài chúng ta được mời gọi chúc lành cho thế giới. Nếu chúng ta đón nhận ơn hiệp thông được ban cho chúng ta trong Đức kitô, chúng ta sẽ trở nên lời chúc phúc lành cho toàn thế giới.

Vì thế, cộng đoàn Kitô hữu sơ khai được trình bày như một nơi mà các môn đệ làm việc để đón nhận và làm thăng tiến sự hiệp thông mà Chúa thông ban cho chúng ta: “Họ bền tâm nghe lời giảng dạy của các tông đồ và hiệp thông trong khi bẻ bánh và cầu nguyện. (…) Tất cả các tín hữu sống cùng nhau và đặt mọi sự làm của chung” (Cv 2,42-44).

Đây cũng chính là điều thánh Biển Đúc và các Tổ phụ Xitô mời gọi chúng ta sống. Vì thế mà mỗi viện phụ được chọn và được chúc phong để phục vụ cộng đoàn. Viện phụ đón nhận một sự chúc lành đặc biệt để trở nên sự chúc lành cho anh em của mình, để thông chuyển sự chúc lành của Chúa cho cộng đoàn được giao phó cho ngài và qua cộng đoàn, ngài thông chuyển sự chúc lành của Chúa đến toàn giáo hội và thế giới.

Thật đẹp khi nghĩ rằng người cha vĩ đại của đời sống đan tu đã mang tên “Biển Đức” [được chúc lành], và như thánh Gregorio viết, điều này không chỉ là tên gọi cho chính ngài, mà còn là ân sủng về đời sống của ngài (x.Đối thoại II, Lời mở). Trong Tu luật, trước hết viện phụ được mời để chúc lành: “benedicat abbas – viện phụ chúc lành” (Tl 9,5; x.11,7; 44,10; 60,4…), không chỉ trong phụng vụ, mà còn ngang qua tất cả những điều ngài nói, dạy dỗ, qua gương sống và lời cầu nguyện. Trong tất cả mọi sự, một viện phụ phải đón nhận và thông chuyển cho anh em phúc lành của Thiên Chúa, lời tốt lành và tuyệt mỹ của Thiên Chúa, lòng thương xót khi sửa dạy và tha thứ, để cộng đoàn lớn lên trong sự hiệp nhất của tâm trí và tâm hồn. Viện phụ phải là người đầu tiên cho thấy sự chúc lành luôn mạnh mẽ hơn lời chúc dữ, phải là người đầu tiên chứng tỏ rằng sự khiêm nhường hàm chứa trong việc “chúc lành cho người chúc dữ chúng ta” (Tl 7,43; x.4,32).

Trong đời sống cộng đoàn, chúc lành thường khó hơn là làm điều thiện, vì khi chúng ta chúc lành cho người chúc dữ ta, nói xấu hoặc nghĩ xấu về ta, cho người phê bình ta – đôi khi thực sự hợp lý, vì tất cả chúng ta đều là những người giới hạn và nhiều khuyết điểm -, chúng ta hy sinh để xây dựng sự hiệp nhất trong bác ái không chỉ qua việc từ bỏ những của cải hoặc những sức mạnh ngoại tại của chúng ta, nhưng chúng ta còn phải hy sinh cả con tim của mình, sự kiêu căng, nhu cầu tự vệ và trả đũa. Lời chúc lành có thể là một sự tử đạo. Nhưng đây lại là một bí mật của tính phong nhiêu thật sự trong đời sống của chúng ta và trong cộng đoàn chúng ta, vì ai chúc lành thật tâm cũng trở nên lời chúc lành như Abraham, nhưng trước hết, như Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã từng “nói tốt” với Cha cho ngay cả những người đã đóng đinh mình vào thập giá.

Nhìn lại 25 năm viện phụ của tôi, nếu có điều gì đáng khổ tâm và hối hận thì không phải là việc tôi thường xuyên sai lầm, thường xuyên mất sự kiên nhẫn, thiếu sự quảng đại…, nhưng là việc tôi chưa chúc lành đủ cho anh em của tôi, chưa thông chuyển đủ sự chúc lành của Chúa cho họ.

Viện phụ Dominico Savio và anh chị em thân mến, là một người mục tử, một người cha, thì phải là một thừa tác vụ của sự chúc lành, là một việc phục vụ cho sự chúc lành của Chúa cho chúng ta và cho mọi người, qua việc vun trồng trong đời sống cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa, trở nên môn đệ Đức Giêsu, Đấng luôn nói cho chúng ta những lời sự sống, và cùng với chúng ta mọi ngày trong sự chúc tụng Chúa Cha nơi Bí Tích Thánh Thể; và trở nên những người môn đệ và những người con của Đức Trinh Nữ Maria, “Đấng được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1,42), Đấng dạy chúng ta chúc tụng Chúa, ngợi khen Chúa với trọn cả tâm hồn!

Mauro-Giuseppe Lepori

Tổng phụ Dòng Xitô


[1]Isaac … cum filios non agnoscendo benedicere, sed benedicendo agnoscere meruit.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *