CỐT LÕI PHÚC ÂM CỦA ĐỜI SỐNG ĐAN TU Enzo BIANCHI

CỐT LÕI PHÚC ÂM
CỦA ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Enzo BIANCHI

 
Tôi xin phép được mở đầu bài suy tư này bằng một lời tâm sự: Đã từ nhiều thập niên tôi tự vấn, tôi suy niệm, tôi ngẫm nghĩ. Đôi khi tôi nói cho các anh em và chị em tôi biết kết quả những suy tư này về cốt lõi đời sống đan tu và tính chất phúc âm của đời sống ấy. Tuy nhiên, tôi không bao giờ thực sự mãn nguyện. Tôi luôn gặp khó khăn để đạt tới được một cái nhìn đơn giản và có tính phúc âm về đời sống đan tu, sát với thực trạng của đời sống này trong lịch sử và với thực chất nó phải có theo Phúc Âm.
Trong mọi bộ luật đan tu đều thấy nổi bật, bằng những cách thức khác nhau, yêu sách muốn đời đan tu phải “đi trên đường của Chúa theo hướng dẫn của Thánh Thần” (TLBĐ Lm 21). Étienne de Muret quả quyết rằng “bộ luật đầu tiên và căn bản của đời sống đan tu là Phúc Âm, nguồn mạch và nguyên lý của mọi bộ luật” . Dù thế vẫn khó mà thấy được Phúc Âm giữ vị trí hàng đầu và trung tâm trong một forma vitae (hình thức sống) đan tu như thế nào, và đâu là cách sống Phúc Âm riêng cho đan sĩ. Theo tôi, khó khăn này cũng phát sinh từ sự kiện đời đan tu một đàng muốn sống phù hợp với Phúc Âm, không gì khác ngoài Phúc Âm, dù phải tìm cho mình một không gian “khác” đối với Giáo Hội và thế gian; nhưng một đàng lại thấy giới hạn không thể tránh trong việc tìm kiếm đó.
Không thể nghi ngờ được rằng “sống theo hình thức phúc âm” (thánh Phanxicô ) là ước mong chân thực và ý muốn cơ bản trong giai đoạn thành lập đan viện, nhưng chẳng bao lâu ước mong và ý muốn đó không những tỏ ra thất bại mà còn viển vông và không tưởng, “không nơi chốn”, ngay trong đời đan tu. Phải, ngay trong nội bộ đời đan tu Phúc Âm cũng vẫn bị đe dọa: nhiều lần trong lịch sử, về cơ cấu, đời đan tu đã đi tới chỗ không chung thủy với Lời Chúa.
Vậy một lần nữa, suy tư của tôi muốn nêu rõ mối tương quan giữa “đời đan tu và Phúc Âm”, tuy không mong đạt được kết quả dứt khoát.

Đời sống đan tu như hiện tượng nhân chủng học
Nếu đúng là người ta lượng giá tính chính thức và sự thật của đời đan tu kitô giáo khởi từ Phúc Âm và từ sequela Christi (việc đi theo Chúa Kitô), vẫn không thể quên – và không được quên – rằng đời đan tu là một hiện tượng nhân chủng học có mặt nơi nhiều miền văn hóa khác nhau: nó xuất hiện như một khả năng sống “cách khác”, và  đã có những thời kỳ khai sinh, phát triển và suy tàn ở những thời đại khác nhau trong lịch sử. Điều mà người ngoài kitô giáo và chuyên gia nhân chủng học nhận thấy đó là có những người nam và những người nữ vĩnh viễn ở độc thân, từ bỏ lập gia đình và sinh con cái, khi sống theo một hình thức “khác” với đa số đồng bào của họ. Đôi khi họ sống trong nơi thanh vắng, nhưng thường hơn họ sống theo những hình thức sống chung có tổ chức, họ hứa sống cho một mục đích duy nhất và cùng theo một nếp sinh hoạt như nhau.
Trong mọi miền thế giới có các tôn giáo lớn đều thấy  hiện tượng đan tu: trong Ấn độ giáo có các ẩn sĩ du tu, các “sannyasin”, các cộng đoàn, các “ashram”; trong Phật giáo, tôn giáo cốt yếu là đan tu, cộng đoàn (“sangha”) đan viện lập nên bộ luật đời sống thiêng liêng. Ngay trong Hồi giáo, tuy theo quan niệm chung không hề có đời sống đan tu, từ ban đầu đã có những nhà khổ hạnh trong các làng mạc và các nơi hoang địa, họ sống theo những hình thức khác nhau nhưng vẫn luôn là đan tu; giáo sĩ khổ hạnh (của Hồi giáo) cho ta một chứng cứ hiển nhiên. Sau cùng không thể quên rằng Do thái giáo cũng đã có những hình thức sống đan tu – ta nghĩ tới các tu sĩ “esséniens”, các tu sĩ “thérapeutes” ở Qumrân – trong không gian địa lý của Israel cũng như trong các “diaspora”.
Nơi Kitô giáo, ngay từ đầu thế kỷ 14, một cơ cấu thực thụ của hiện tượng đan tu xuất hiện dưới những hình thức khác nhau (ẩn tu, cộng tu và du tu) trong tất cả các vùng thuộc Địa trung hải. Và khi cuộc Cải cách thệ phản chỉ trích kịch liệt tới độ bãi bỏ đời đan tu, thì đó đây vẫn có những tín hữu tiếp tục sống theo một hình thức đời tu, không còn minh nhiên gọi là đan tu nữa, nhưng nội dung cuộc sống vẫn là đan tu. Cứ như thế mãi cho tới thế kỷ vừa qua mới xuất hiện những hình thức đời tu khác nhau, rồi tiếp đến hình thức đời đan tu thực thụ. Tất cả đều làm triển nở và đổi mới đời sống thiêng liêng cho mọi Giáo Hội.
Như thế, hiện tượng đan tu là một hiện tượng nhân chủng học, và ngày nay tính cách nhân chủng học của hiện tượng đan tu đã giúp cho có được cuộc đối thoại liên tôn sâu sắc và nghiêm chỉnh. Cuộc đối thoại này cùng một lúc chất vấn đời đan tu kitô giáo về tính đặc thù phúc âm của nó đối với những đời đan tu khác và đối với thân thể giáo hội. Trước khi qua đời, cha Thomas Merton đã để lại – trong phát biểu của ngài tại Hội nghị Calcutta (tháng 10.1968) và trong việc trao đổi tại cuộc gặp liên tôn ở Bangkok (10.12.1968) – một tài liệu như một chứng từ, nơi đó ngài tìm cách định nghĩa quan niệm của mình về đời đan tu, so với những đời đan tu đông phương. Trong những trang tài liệu ấy ngài giải thích cách rất sáng suốt hiện tượng nhân bản của đời đan tu như một hiện tượng bên lề đối với xã hội và với ngay cả Giáo Hội .
Bên lề, nhưng không hoàn toàn ngoại sinh, vậy không phải là bè phái, nhưng cũng chẳng hoàn toàn nội sinh như thể được sát nhập vào hệ thống cơ chế tôn giáo. Chính vì thế mà đời đan tu có khả năng tiêm nhiễm vào Giáo Hội và xã hội những hạt mầm của chống đối và của xây dựng. Ở bên lề và “sống khác”: không phải trong thụ động, nhưng trong tính hiệu quả của một không tưởng thực hành, dù phải gây sốc với số đông, với nền văn hóa thống trị. Nếu đời đan tu sống xu thời, nếu nó không phát huy nhiệm vụ tiên tri của mình mà nêu các vấn nạn, mà nói lên những nỗi lo âu, mà tỏ ra phê phán thế giới, và làm tất cả những điều đó qua cuộc sống hằng ngày, một cuộc “sống khác”, cách có ý thức và nhằm biến đổi con người, thì nó đã mất hết ý nghĩa.

Tuy vậy, trong Kitô giáo, đời đan tu là một ơn gọi đặc biệt
Nếu đời đan tu là một hiện tượng nhân chủng học, thì trong Kitô giáo nó vẫn là lời đáp lại một ơn gọi đặc thù. Đời đan tu xuất hiện và phát triển liên tục qua các thế kỷ không phải là để đáp ứng một chương trình đã vạch sẵn, không nảy sinh từ một phân tích những nhu cầu của Giáo hội hay của xã hội, và không tùy thuộc một quyết định nào của phẩm trật giáo quyền. Trong Tiểu sử thánh Pacôm ta đọc thấy rằng khi đang sống như một ẩn sĩ bên cạnh vị thầy của mình là Palamon, thì thánh nhân nghe có tiếng từ trời yêu cầu ngài xây dựng một đan viện để sống đời cộng tu ở đó. Mặc dầu biết sẽ mất người môn đệ, thầy Palamon đã giúp ngài vững tin vào ơn gọi này: “Thầy không thể ngăn cản con, vì việc này không do con nhưng do Chúa!” Tất cả các vị sáng lập đều chứng thực rằng vì được sức mạnh thần linh thúc đẩy mà các ngài đã khởi công đặt nền cho những hình thức đời sống đan tu khác nhau.
Như vậy, trong Kitô giáo đời đan tu trước hết là lời đáp trả, và tác động của Thánh Thần, đóng vai chủ chốt, luôn luôn được xác nhận: chính Thánh Thần thúc đẩy những người nam và những người nữ cam kết sống theo hình thức sống này. Đó là đời sống theo Thần Khí. Đó là đời sống theo Thần Khí cũng bởi vì việc ở độc thân, làm cho đời sống ấy có thể hình thành, là một đoàn sủng đặc thù, một hồng ân của Thần Khí (x.Mt 19,11-12; 1Cr 7,26), và bởi vì chính việc theo Chúa Kitô trong cuộc sống ấy chỉ thực hiện được nhờ năng lực của Thần Khí.
Nhưng tiếng của Thần Khí mời gọi vào đời sống đan tu luôn luôn là tiếng mời gọi gia nhập đời đan tu như một cơ cấu sống động không bao giờ thôi trở nên chính mình: công việc của Thánh Thần không bao giờ kết thúc, forma vitae (hình thức sống) cứ thay đổi và cứ canh tân mãi, cho đến khi có được một cuộc cải cách làm mới lại cảm hứng ban đầu trong quá khứ. Đời sống đan tu không được xây dựng chỉ một lần mà đủ. Đó là một sáng tạo liên tục hay một tái lập không ngừng. Chỉ cần nhớ lại biết bao lần người ta đã nhận thấy một hình thức đan tu nào đó cần phải được đổi mới, và biết bao lần những nguồn cảm hứng Đông phương cũng đã hấp dẫn đời đan tu Tây phương: việc trở về nguồn là một sự tái thiết lập đời sống đan tu.
Tuy nhiên, ơn gọi đan tu không phải là cái “thêm vào” đời sống của người được rửa tội, không phải là con đường hẹp so với con đường rộng của mọi kitô hữu, cũng không phải là một đời sống thánh hiến có cái gì riêng biệt so với đời sống của những người đã chịu phép rửa. Đối với thánh Pacôm đời sống đan tu kitô giáo chỉ đơn giản là một phương tiện để đi theo Chúa Kitô, được thực hiện trong koinonia, trong sự hiệp thông huynh đệ. Với thánh Basiliô, đó tuyệt đối không phải là một cộng đoàn tách biệt khỏi cộng đoàn giáo hội. Và trong truyền thống chân chính, đó không bao giờ là một phép rửa khác, nhưng là phép rửa duy nhất của các môn đệ Chúa Kitô được sống cách chặt chẽ và triệt để.
Hiểu căn tính đời sống đan tu như thế, nhưng cũng phải tỉnh táo, vì người ta vẫn bị cám dỗ thay thế các “lời khuyên phúc âm”, “bậc sống hoàn thiện” và những phạm trù khác nhờ đó người ta xác nhận trong quá khứ sự ưu việt và tuyệt hảo của đời sống ấy, bằng những phạm trù mới như sự triệt để phúc âm hay đức ái thánh hiến hay việc thánh hiến vì một cùng đích mới.
Phải nhấn mạnh rằng triệt để theo Chúa Kitô không phải là một yếu tố của đời sống kitô giáo: đó là chiều kích căn bản của đời sống ấy, là cách thức đúng và chính thực để sống đức tin kitô. Đối với mọi kitô hữu, triệt để theo Chúa Kitô có nghĩa là phải xác nhận tính ưu tiên của Nước Thiên Chúa, vị trí trung tâm của Chúa Kitô, và phải theo Chúa của mình bằng việc thực hiện lời ngài và chấp nhận ở nơi ngài ở cho đến cả vác thập giá và chết với ngài. Đời đan tu chỉ là một cách thể hiện tính triệt để trong việc theo Chúa Kitô, và nó không thể tự coi là một cuộc dấn thân cao hơn hay một con đường mà trên đó những khó khăn sẽ lớn hơn so với những cách sống Phúc Âm khác. Bởi vì, trong Giáo Hội, ơn gọi nên thánh chỉ có một và phổ quát. Đời đan tu là một trong những hình thức sống khác nhau, nơi đó người ta đón nhận hồng ân nên thánh bằng cách thực hiện công việc của Thánh Thần và gắng công vất vả đi theo Chúa Kitô trên đường về với Chúa Cha.

Những phương diện có tính phúc âm đặc thù của đời sống đan tu: độc thân và cộng đoàn
Chúng tôi đã nói rằng đời đan tu kitô giáo chỉ có được nhờ tiếng Thiên Chúa mời gọi và nhờ hồng ân đặc biệt của ngài, tức là đặc sủng sống độc thân vì Nước Trời. Sống độc thân là phương diện tuyệt đối cần cho mọi hình thức đời sống đan tu.
Tân Ước trình bày việc sống độc thân như một forma vitae (hình thức sống) có thể thực hiện được đối với người môn đệ. Theo thánh Matthêu, khi xác minh ý muốn nguyên thủy của Thiên Chúa tạo hóa về bậc sống gia đình và gợi ý cho các môn đệ từ bỏ cuộc sống ấy, Chúa Giêsu tuyên bố rằng từ nay người ta có thể vì Nước Trời mà sống như hoạn nhân (x.Mt 19,3-12). Qua những lời nói về hoạn nhân (c.12), Chúa Giêsu cho thấy có những người nam và những người nữ tự do từ bỏ đời sống phái tính và gia đình.
Không phải mọi người đều chấp nhận lời nói đó, không phải mọi người đều hiểu và sống được như vậy, nhưng chỉ một số người được ơn sống như hoạn nhân vì Nước Trời. Lời Chúa Giêsu nói về cuộc sống của hoạn nhân là ẩn dụ rõ ràng nhất và chính xác nhất về bậc độc thân. Đó là một cái trống không đang chờ đợi được lấp đầy cách thiêng liêng, một cái trống không kêu xin điều phải đến, tức là Vương quốc và Đức Vua, đấng đang đến.
Động cơ cánh chung này cũng được thánh Phaolô nói tới trong 1 Cr 7. Để không bận tâm lo lắng (7,32), để không bị giằng co (7,35) và để không bị cám dỗ đến nỗi lòng trí phải chia đôi (7,34), bậc độc thân, đặc sủng và hồng ân Chúa ban cho một số người trong Giáo Hội, có thể là một cách sống không chỉ khả thi mà còn được đòi hỏi bởi chính ơn gọi Chúa ban. Đây là một đặc sủng của Thần Khí, bao hàm một động cơ kitô học và cánh chung học. Như vậy, dữ kiện cốt yếu tạo lập nên đời đan tu như một hiện tượng nhân chủng học trở thành nền tảng của đời đan tu kitô giáo.
Đó là lý do chính xác cho tôi thấy rằng dường như đời sống đan tu có mặt trong Giáo Hội như một ơn gọi giữa những ơn gọi khác, chứ không phải như một lý tưởng nên hoàn thiện mà những ơn gọi khác cần noi theo, cũng không phải như một dòng tu mẫu mực. Thực ra đời sống đan tu thuộc về phạm vi dấu chỉ, nó “ra dấu”, nó là ám chỉ, là ký ức, và vì thế có thể nói nó là một tác vụ trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Đời sống đan tu là dấu chỉ, bởi vì nó là một cuộc sống có hình thức riêng biệt mang một sứ điệp từ nơi Thiên Chúa đến cho cộng đoàn và cho mọi người. Chúng ta không quên Isaia 8,18: “Này tôi và những đứa con mà Chúa đã ban cho tôi, chúng tôi là dấu chỉ và điềm báo trong Israel, do từ nơi Chúa”.
Và đời sống đan tu là một ký ức có tính dụ ngôn, là bản tường thuật hiện sinh về vita Jesu et discipulorum (cuộc đời Chúa Giêsu và các môn đệ) trong bậc độc thân vì Nước Trời và trong cộng đoàn được xây dựng trên giới răn mới. Đó là lý do cho thấy tại sao đời sống chung lại tạo nên phương diện phúc âm đặc thù khác của đời sống đan tu. Sự hiệp thông huynh đệ trong hình thức sống cộng tu là một thực thể đã trở nên khả thi nhờ bậc độc thân vì Nước Trời. Trong viễn cảnh phúc âm, bỏ vợ chồng, con cái (độc thân vì Nước Trời) sẽ được gấp trăm về anh chị em, mẹ và con cái (x.Mt 10,29-30; Lc 18,29-30), tới độ đời sống chung, cùng với bậc độc thân, luôn luôn xuất hiện như một nét nổt bật. Phải chăng vì tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn mà khi tìm cách tự giải thích về mình, đời đan tu đã luôn luôn nhận ra cộng đoàn nguyên thủy Giêrusalem, nổi bật về đời sống chung (x.Cv 2,42-45; 4,32), là khuôn mẫu lý tưởng cho dự kiến về cách sống của mình?
Một nhà xã hội học muốn tìm hiểu đời sống đan tu trong tương quan với đời sống kitô giáo chỉ có thể nhận ra được tính độc đáo và đặc thù của nó nơi bậc độc thân được dứt khoát chấp nhận và nơi đời sống chung. Dẫu rằng những tính chất riêng biệt kia có ý nghĩa thần học và dựa trên lời mời gọi của Chúa, trên lời hứa của Chúa Kitô và trên qui chiếu tuyệt đối cần thiết về bản thân ngài để thực hiện cuộc sống ấy. Điều đó rất thật khi mà đức tin, sự gắn bó với Chúa, yếu đi hay tàn lụi, thì sẽ chẳng còn lý do gì khiến người đã chọn cuộc sống ấy và phải kiên trì sống trong đó nữa. Quả thực, cuộc sống ấy sẽ trở thành một forma vitae (hình thức sống) vô nghĩa.
Ơn gọi đan tu không phải là ơn gọi cá nhân: đó là lời mời gọi sống với người khác để cùng nhau xây dựng nên một thân thể độc đáo và đặc thù, thân thể của tình huynh đệ. Không phải các chi thể của thân thể này tự chọn lấy nhau, nhưng họ đón nhận nhau vì cùng muốn sống đời đan tu và muốn thực hiện ý Thiên Chúa.
Ở đây có một khác biệt mới so với mọi hình thức huynh đệ của con người dựa trên nguyên tắc chọn lựa. Đây là một tình huynh đệ được đón nhận, trước khi được xây dựng nên, vì mỗi người đón nhận người khác như một người được Chúa mời gọi và như một hồng ân của Chúa. Như vậy, đời sống chung trở nên một dụng cụ lớn trong cuộc chiến chống ngẫu tượng, trong việc giải thoát khỏi mọi ích kỷ, giải thoát khỏi ảo tưởng và những điều viển vông. Đời sống chung là không gian giải thoát nơi đó con tim học biết nghệ thuật hiệp thông, sự phục vụ vô vị lợi đối với anh em, sự vâng phục nhau, nhờ thế đời sống chung sẽ trổ sinh hoa quả là đức bác ái.
Đời đan tu không phải là một “đời sống đức ái hoàn hảo”, vì nó cũng phải vươn tới đức ái trọn đầy như mọi cuộc sống khác trong Giáo Hội. Đó là một ngôi trường đức ái, và việc các đan sĩ cùng nhau chung sống là một lời cầu xin Thánh Thần ngự xuống trên họ. Như chúng ta biết, đời sống chung đan tu thực ra là chuyện bình thường, đôi khi còn thấy như chỉ là một cuộc sống khổ cực, nếu không nhận xét và phán đoán nó với đức tin tinh ròng. Tuy nhiên đời sống ấy lại là việc chu toàn giới răn mới và là nơi chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa (x.Ga 13,34; 17,22-23).
Tất cả sự phong phú của việc sống độc thân tùy thuộc ở phẩm chất phúc âm của đời sống huynh đệ, của đời sống chung. Ý nghĩa của đời đan tu, tính chất dấu chỉ và tính chất ký ức của nó sẽ được nhận biết, được biểu lộ cách tương ứng với chất lượng cuộc sống huynh đệ. Đời sống chung, là trường đức ái theo truyền thống xitô, có thể diễn tả cho thấy cộng đoàn giáo hội và mang ý nghĩa tình yêu giữa Ba Ngôi.
Việc san sẻ của cải cũng là một điều cần thiết để cho cộng đoàn được bền vững và có tính huynh đệ. Việc chia sẻ ấy thể hiện qua sự từ bỏ chiếm hữu của riêng. Kinh tế đan viện xây dựng trên nhu cầu chứ không phải dựa trên lợi nhuận mà người ta hưởng dùng cách bừa bãi như những người chỉ biết hưởng thụ. Nền kinh tế ấy không loại trừ lao nhọc, trái lại nó biểu dương nỗ lực khổ chế và công trình sáng tạo của việc làm. Chắc hẳn các đan sĩ biết sức mạnh của tiền bạc và, sống trong thế gian, họ xử dụng tiền bạc nhưng không để tiền bạc chi phối những tương quan huynh đệ của họ, và điều đó làm thay đổi thực sự nhiều điều trong cuộc sống cụ thể hằng ngày.
Hẳn là Phúc Âm không có “lời khuyên” nào liên quan tới sự nghèo khó, nhưng đối với kitô hữu lại có luật về việc sống cộng đoàn, về sự chia sẻ, về cách dùng của đời này có chừng mực, về sự nghèo khó vì chờ đợi tất cả nơi Thiên Chúa. Đan sĩ thực hiện những điều ấy một cách khác với những anh em kitô hữu khác, nhưng luôn luôn vì yêu sách hiệp thông.
Cũng phải nói như thế về đức vâng phục, hay đúng hơn về sự phục tùng lẫn nhau, thiếu vâng phục không thể xây dựng nên cộng đoàn. Noi theo Chúa Kitô mà sống vâng phục như ngài là điều cần thiết để làm môn đệ Chúa. Và các đan sĩ sống vâng phục khi phục tùng lẫn nhau trong đời sống chung và khi vâng lời người có trách nhiệm phục vụ sự hiệp thông, vì chính sự phục vụ phải được coi như quyền bính.
Qua việc tùng phục lẫn nhau và qua đức vâng lời, đan sĩ chấp nhận bị anh em hoặc chị em cùng chung sống thử thách tính chủ quan của mình, và như thế đan sĩ theo đuổi cách sống “một lòng một ý” tránh cho cộng đoàn khỏi bị phân rẽ. Vì sự hiệp thông đòi hỏi mà cần thiết phải có vâng phục. Sự vâng phục này được thể hiện bằng việc liên tục vượt qua những lựa chọn cá nhân để nhắm tới công ích. Thánh Basiliô, người triệt để trung thành với Phúc Âm, đã đề cao sự vâng lời và sự tùng phục nhau trong cuộc sống hiệp thông. Theo ngài, sự hiệp thông này phải giống như một thân thể mà mọi chi thể đều hòa hợp và vâng phục nhau ngõ hầu sự sống của toàn thân được dồi dào và có khả năng chống lại cái chết.
Ở độc thân và đời sống huynh đệ là những đặc tính phúc âm của đời đan tu. Còn theo Chúa Kitô là nhiệm vụ của mọi kitô hữu. Họ phải thực hiện điều đó với óc sáng tạo để cuộc đời họ rập khuôn theo cuộc đời Chúa Giêsu Nadaret.

Vài nhận xét
Một số tác phẩm về đời sống đan tu, ngay cả mới đây, muốn phác họa cốt lõi của cuộc sống này, thực ra lại gây rối rắm thêm. Tôi nhớ tới tác phẩm của Innocenzo Gargano, khi phác họa mẫu gốc của đan sĩ kitô, đã kể ra bảy nét như sau:
       -vị trí hàng đầu của Nước Thiên Chúa,
-chọn sống khiết tịnh,
-chăm chú đón nhận lời Chúa,
-sự cần thiết của thanh vắng và thinh lặng,
-ý thức về những giới hạn và sự dòn mỏng của mình,
-siêu thoát trên mọi thành tựu của con người,
-chứng tá cụ thể cho mầu nhiệm của một dân được qui tụ nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần .
Trong bảy nét trên đây chỉ có việc chọn sống khiết tịnh là riêng cho các đan sĩ, những nét khác đều liên quan đến mọi kitô hữu, và đó không phải là những lời khuyên cũng không phải những lựa chọn, nhưng là những điều kiện cốt yếu để trở thành môn đệ.
Nơi tác phẩm của Giuseppe Dossetti cũng thế, khi ông mô tả đan sĩ theo Bài giảng 40 của Grégoire Palamas, người ta thấy nổi bật nét đặc thù, cái riêng biệt của đan sĩ là sự xa cách thực thụ và thể lý với những cách sống và thói quen của thế gian, sự kết hiệp trí năng với Chúa Kitô phục sinh qua việc cầu nguyện bằng Kinh Thánh, sự thanh tẩy dần dần con mắt tinh thần tới mức độ đan sĩ trở nên ngôi lều của Danh cứu độ . Nhưng tại sao lại coi những điều ấy là điểm riêng biệt của đan sĩ? Ta lại không thấy đó cũng là những điểm chung cho mọi người đã được rửa tội đang triệt để phát huy ơn sủng của bí tích thánh tẩy mà vẫn không cam kết ở độc thân và sống cộng đoàn sao?
Đàng khác, kinh nghiệm lịch sử của đời đan tu kitô giáo ở Đông phương và Tây phương cho thấy rằng sự xa cách thế gian, thinh lặng, khổ chế, cầu nguyện và phụng vụ được hiểu và được sống khác nhau tùy theo các thời đại và các miền văn hóa. Hơn thế nữa, toàn thể Giáo Hội đã hiểu và sống những yêu sách này theo cách hội nhập văn hoá được thực hiện từ Phúc Âm.
Phúc Âm đòi hỏi một số kitô hữu sống độc thân và sống cộng đoàn như ơn gọi riêng biệt của họ. Đời đan tu đã bảo đảm cho sự hiện hữu của cách sống này trong cộng đoàn kitô giáo.

Kết luận: Phúc Âm, không gì khác ngoài Phúc Âm
“Sống theo cách sống của Phúc Âm” (thánh Phanxicô Assi), đi trên đường của Chúa theo sự hướng dẫn của Phúc Âm (thánh Biển Đức), sống theo Luật các luật, tức là Phúc Âm (Étienne de Muret), đó là cuộc sống đan tu, đã xuất hiện và được sống qua dòng lịch sử. Không phải là tình cờ nếu, trong các tác phẩm dựa theo những cách sống đan tu cụ thể khác nhau, chính Phúc Âm là điều đan sĩ phải sống, chính Phúc Âm, với tất cả những yêu sách triệt để, trình bày cho thấy hình thức sống mà người ta khát mong, mặc dầu ít nói đến bậc độc thân, tuy rằng đó là điều kiện cần thiết và cốt yếu của đời sống đan tu. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng nếu đó là khát vọng, là dự phóng mà đan sĩ bày tỏ khi khấn hứa, thì sống Phúc Âm vẫn là một nhiệm vụ không bao giờ hoàn tất được. Phúc Âm vẫn tiếp tục là “khác” đối với cộng đoàn đan tu. Và ngay cả cuộc sống cộng đoàn lại là mối đe dọa cho Phúc Âm, vì phản bội, không nhận biết, hiểu sai Phúc Âm, và không tuân giữ cách thích đáng.
Tuy thế, mặc dầu bị đe dọa và xỉ nhục, ngay cả bị phản bội, Phúc Âm vẫn tiếp tục lên tiếng trong cuộc sống đan tu. Khi tiếng nói của Phúc Âm bị xóa bỏ, khi đức tin và tình yêu đối với Chúa biến mất, khi ấy đời sống đan tu cũng tàn lụi, hoặc nơi cá nhân đan sĩ hoặc nơi cộng đoàn.
Xin cho phép tôi được nói rằng đó là sự cao cả và là sự cùng khốn của đời sống đan tu. Đời sống này có thể được tiếp tục sống bởi những con người đã mất hiệp thông trong tình yêu và tự do với Chúa Kitô. Một đan sĩ có thể làm nhục cho Phúc Âm, nhưng nếu không nhận biết Phúc Âm đúng như là Phúc Âm, họ chẳng còn là đan sĩ nữa và sẽ từ bỏ đời sống đan tu, một đời sống chỉ có ý nghĩa nơi Chúa Kitô mà thôi. Nếu có một ý niệm thực tế về đan sĩ, mà ta có thể áp dụng ở đây và lúc này, một kiểu mẫu mà chúng ta có thể thực sự rập khuôn theo, thì đó chính là kiểu mẫu chúng tôi vừa phác họa trong sự cao cả, trong cái may rủi và trong nỗi khốn khổ của nó. Vì lý do này, đan sĩ biết mình không xây dựng cộng đoàn đan viện như một Giêrusalem mới, nhưng họ chuẩn bị sẵn sàng để Giêrusalem trên trời giáng thế (x. Kh 21,1). Họ biết nỗi yếu đuối và sự cùng khổ của đời mình làm hạ giá Phúc Âm, nhưng họ không ngừng nhượng bộ trước sự lôi cuốn và sức mạnh của Phúc Âm. Kinh nghiệm về nỗi khốn khổ, về sự khinh xuất, về cái trống rỗng của chúng ta sẽ khiến Chúa động lòng thương xót và ban ơn giúp chúng ta bắt đầu lại mỗi ngày sự nỗ lực sống Phúc Âm.
Viện phụ Arsène thốt lên với Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng bỏ con. Con chẳng làm được gì tốt trước mặt Chúa; nhưng xin thương giúp con bắt đầu” .

Trích từ Collectanea Cistersiensia
T. 65, 2003, 233-243